Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021
LIÊM CHÍNH TẠO NÊN SỨC HẤP DẪN CỦA NGƯỜI CÁN BỘ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”[1] và “trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[2], nên đội ngũ cán bộ/những người được nhân dân ủy thác phải luôn thấu triệt rằng: Đảng cầm quyền, nhưng nhân dân là chủ, chức vụ/quyền hạn của người cán bộ là do nhân dân ủy nhiệm. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi người phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, nhất là phải thường xuyên rèn luyện, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” vì “thiếu một đức, thì không thành người”[3].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: LIÊM “là trong sạch, không tham lam”, là “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”[4]. Trái ngược với LIÊM, thì người “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”[5], cho nên cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân. Người có đức Liêm là người liêm sỉ, biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi làm điều xấu; đồng thời, biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong và sáng. Sự thanh liêm của họ sẽ tự tỏa sáng và hấp dẫn những người xung quanh.
Vì, đức Liêm của người cán bộ sẽ tạo lòng tin của nhân dân, cho nên, nếu không có hoặc thiếu Liêm “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”[6], cho nên, cán bộ phải nhất thiết phải Liêm, phải thực hành chữ Liêm, “tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân;... mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường”[7], nhất là “mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước với dân”[8]… Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “Liêm một nửa”[9]. Đồng thời, với nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, để “dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra Liêm”[10] là việc pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì.
Sự hòa quyện chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là Người không chỉ đề cao chữ Liêm; kiên trì giáo dục cán bộ thực hành đức Liêm: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp... Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn là mọi người đều phải Liêm”[11], mà còn ban hành nhiều sắc lệnh và đạo luật để răn đe, ngăn chặn, trừng trị những kẻ bất liêm, như Quốc lệnh (ký ngày 26/1/1946) quy định hai vấn đề trọng yếu là thưởng và phạt, trong đó quy định tội trộm cắp của công phải bị tử hình.
CHÍNH theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc của CHÍNH. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”[12]. Đức Chính đòi hỏi con người phải có sự chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải; chi phối mọi công việc, mọi con người trong xã hội, do đó, Chính là đức khó thực hiện nhất trong "tứ đức", là sự biểu hiện đầy đủ nhất của nhân cách con người.
Với ý nghĩa đó, muốn là một cán bộ liêm chính (trong sạch, ngay thẳng: người liêm chính không có lòng tư túi[13]) trong công tác và cuộc sống đời thường để xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, thì mỗi người:
1) Đối với mình, phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”[14], vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”.
2) Đối với người, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”[15].
3) Đối với việc, “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm”[16].
Uy tín của Đảng cầm quyền nói chung, của người cán bộ nói riêng gắn liền với sự tu dưỡng và gương mẫu về đạo đức cách mạng, thực hành liêm chính cả trong suy nghĩ và hành động. Nếu người cán bộ không tu dưỡng đạo đức cách mạng, không gương mẫu thực hành liêm chính thì không thể hấp dẫn, quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Vì thế, thực hiện liêm chính, thường xuyên rèn luyện đức liêm chính không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng đạo đức, rèn luyện “tứ đức” của người cán bộ mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức; không chỉ giúp người cán bộ tự soi, tự sửa, tự rèn mình mà còn tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn của một tổ chức, của cả một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.
Sự tu dưỡng, rèn luyện đức liêm chính sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức cách mạng, giàu đức hy sinh, phụng sự Tổ quốc và nhân dân với tinh thần vfa quyết tâm: giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét