Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021
Quân đội gắn bó keo sơn với nhân dân "như cá với nước"
Trên chặng đường lịch sử xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, mỗi chiến công, mỗi bài học kinh nghiệm của đội quân cách mạng đều gắn liền với nguồn sức mạnh của sự gắn bó keo sơn thắm thiết quân dân. Là quân đội của nhân dân, gắn bó và yêu thương, kính trọng nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, đó là bản chất của quân đội cách mạng, đó cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về chính trị, tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tài thao lược của quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh.
Để tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, việc xây dựng lực lượng chính trị của cách mạng là điều cơ bản nhất, là việc phải làm đầu tiên, rồi mới xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang. Đó chính là quan điểm “người trước súng sau”, là xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng để trên nền tảng đó xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành khởi nghĩa vũ trang, đánh đuổi kẻ thù, giành lấy chính quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là luôn tăng cường và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân lao động.
Trên tinh thần đó, vấn đề “tổ chức ra quân đội công nông”[1] đã được khẳng định trong Chánh cương vắn tắt của Đảng (thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930). Tiếp đó, khởi đầu từ những Đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, đến đội vũ trang Cao Bằng, du kích Nam Kỳ, Bắc Sơn (sau đổi thành Cứu quốc quân), Ba Tơ,… cùng với sự phát triển của tiến trình cách mạng, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập ngày 22/12/1944. Với thắng lợi ban đầu (hạ đồn Phai Khắt, Nà Ngần) và từ 34 chiến sĩ đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động, đã phát triển từ đội thành đại đội, rồi đại đội chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiền đồ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân rất vẻ vang, “nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[2].
Từ buổi đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đội quân đó từ nhân dân mà ra nên phải dựa vào dân, luôn gắn bó với nhân dân, gần gũi nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu để được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ, bao bọc và chở che. Vì chỗ dựa vững chắc nhất của quân đội là lòng dân, cho nên “trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ”[3] và “phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”[4]. Đồng thời, thấm nhuần chỉ dẫn của Người: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kỳ việc gì khó cũng làm được và nhất định thắng lợi”[5], trong mọi hoàn cảnh, quân đội “phải tăng cường công tác chính trị, luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội”, phải làm cho “mỗi người binh sĩ phải biết chính trị ít nhiều. Họ đem xương máu ra giữ gìn Tổ quốc, thì chẳng những họ phải hiểu vì sao mà hy sinh, họ lại phải có thể nói cho người khác biết vì sao phải yêu nước”[6]…
Đây chính là sức mạnh của quân đội cách mạng, thể hiện sâu sắc tư tưởng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, cho thấy sự khác biệt với quan điểm quân sự tư sản, lấy vai trò của chỉ huy với một đội quân nhà nghề cùng súng ống, vũ khí và trang bị kỹ thuật làm sức mạnh. Đó luôn là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân vừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là đội quân luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân lao động, luôn thực hiện mối quan hệ quân dân gắn bó “như cá với nước” và nhận được sự góp sức người, sức của từ nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam giải phóng quân (do Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp lại) đã cùng toàn dân vùng lên đấu tranh, giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trong toàn quốc, thấu triệt quan điểm: 1) Mục đích của cuộc kháng chiến là đánh thực dân phản động Pháp, giành độc lập thống nhất. 2) Tính chất cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ. 3) Chính sách kháng chiến là đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, v.v..4) Tiến hành kháng chiến toàn diện, kết hợp các mặt trận và các hình thức đấu tranh; trong đó, đấu tranh quân sự là chủ chốt, Quân đội nhân dân Việt Nam (với các tên gọi Việt Nam giải phóng quân, Vệ quốc quân, Quân đội quốc gia Việt Nam và cuối cùng là Quân đội nhân dân Việt Nam) đã ngày một phát triển về số lượng và nâng cao trình độ tác chiến, tài thao lược trên các chiến trường.
Quân đội luôn được “tổ chức chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo”[7] thường xuyên, liên tục để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu; đội ngũ cán bộ - “những người tướng giỏi của đoàn thể” và chiến sĩ quân đội luôn được chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đã xuất phát từ thực tiễn và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh”,v.v.. để từng bước chuyển từ thế phòng ngự sang thế tiến công; đã kiên cường, mưu trí và kiên trì, sáng tạo giành thắng lợi to lớn trong trận Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tuy nhiên chiến tranh chưa kết thúc, không chỉ giúp thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, khi Pháp bại trận, đế quốc Mỹ đã ngang nhiên tuyên bố không bị ràng buộc bởi Hiệp định Giơnevơ, can thiệp sâu vào miền Nam Việt Nam, nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam đã trở thành một cuộc đụng đầu lịch sử. Quyết tâm đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ, cả nước đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân với tinh thần đoàn kết “triệu người như một”, với niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí “đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thực sự”.
Tiếp tục phát huy truyền thống “cả nước đánh giặc” của cha ông trong lịch sử, thấm nhuần lời dạy của Lênin, khi có chiến tranh phải “biến cả nước thành một dinh luỹ cách mạng”, lực lượng vũ trang cách mạng bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích được xây dựng và ngày càng phát triển, hình thành thế trận bao vây và tiêu diệt địch. Để tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xuất phát từ thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hoà bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”[8].
Để thực hiện lời Người, đồng thời để có đủ sức mạnh chiến thắng kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra sức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ tác chiến trên chiến trường, phối hợp với quân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu, tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp nhằm đưa cách mạng tiến lên bằng những bước nhảy vọt. Cuối cùng, không chỉ phát triển về mọi mặt, không chỉ luôn rèn luyện và ngày một trưởng thành mà quân đội ta còn chớp đúng thời cơ và “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa” để giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đát nước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét