Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Phát huy vai trò của báo chí điện tử trong đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch ở nước ta hiện nay

Trong công cuộc đổi mới ở nước ta, báo chí nói chung, báo chí điện tử nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, từng bước đổi mới nội dung và phương thức, thích ứng với xu thế phát triển của nền báo chí hiện đại. Báo chí ngày càng đóng góp tích cực vào mọi mặt đời sống, xã hội, nhất là trong đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. 1. Lịch sử cận, hiện đại cho thấy, dù bất cứ ở một chính thể nào, báo chí cũng có vai trò rất quan trọng. Điều đó, thể hiện trên một số điểm sau: Thứ nhất, là vũ khí sắc bén và vô cùng hiệu quả của giai cấp, chế độ chính trị; là công cụ, phương tiện để truyền bá tư tưởng, giác ngộ quần chúng xây dựng và phát triển phong trào cách mạng; đồng thời, bảo vệ lợi ích và duy trì địa vị thống trị của mình trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Thứ hai, là vũ khí sắc bén thực hiện nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, đó là đấu tranh chính trị. Đấu tranh tranh chính trị cần phải có vũ khí lý luận sắc bén, đó là báo chí. Từ giữa thế kỷ XIX, C. Mác đã từng chỉ ra: “Tuyệt đối từ bỏ chính trị là không thể được. Tất cả các tờ báo chủ trương từ bỏ chính trị cũng đều làm chính trị. Vấn đề chỉ là làm chính trị như thế nào và làm loại chính trị gì”[1]. Phát triển sáng tạo tư tưởng của C. Mác, Lênin đã nêu lên một luận điểm quan trọng: “Báo chí là trận địa ban đầu, từ đó Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng. Báo hằng ngày là công cụ tuyên truyền cổ động quần chúng không có gì thay thế được”[2]. Thứ ba, trong điều kiện thế giới phẳng bùng nổ thông tin như hiện nay thì vai trò của báo chí trong đời sống xã hội càng tỏ rõ sức mạnh của nó, là bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi người, mọi dân tộc; là diễn đàn của người dân, tham gia giám sát, phản biện, phản ánh thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo của giai cấp và của Đảng cầm quyền... Ở nước ta, báo chí ra đời muộn hơn các nước phát triển, nhưng nhanh chóng trở thành “vũ khí tư tưởng sắc bén để tuyên truyền vận động, tổ chức quần chúng tiến hành cách mạng”. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, báo chí Việt Nam luôn mang đậm bản chất chính trị - xã hội. Đại hội lần thứ VI của Đảng chỉ rõ: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, đồng thời cũng phản ánh tiếng nói của quần chúng nhân dân,... có nhiệm vụ truyền bá đường lối, chính sách của Đảng, đi sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới; phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ, cổ vũ những nhân tố mới, dũng cảm đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và biểu hiện tiêu cực khác; đề cập và chỉ ra phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm; xây dựng dư luận xã hội lành mạnh, động viên quần chúng tích cực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng”[3]. Ngày nay, trong xu thế phát triển mới của khoa học, nhất là sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, báo chí điện tử ra đời[4] ngày càng trở thành phương tiện chiếm ưu thế trong truyền thông và công luận. Luật Báo chí năm 2016 của nước ta quy định: Báo chí điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết là chủ yếu, hình ảnh, âm thanh được truyền dẫn trên môi trường mạng, bao gồm báo điện tử và tạp chí điện tử. Có thể nói, báo chí điện tử hội tụ cả ba loại hình báo chí đi trước: Báo phát thanh, báo truyền hình và báo in, đồng thời phát huy nhiều ưu thế nổi trội do sự tiến bộ của Internest, khắc phục tối đa những bất cập, hạn chế của các loại hình báo chí trước đó. Với tính thời sự phi định kỳ, báo chí điện tử cung cấp thông tin tức thời, liên tục trong 24/24h bằng cả chữ viết, tiếng nói và hình ảnh một cách sinh động. Sự tương tác của báo chí điện tử thể hiện qua những định vị chỉ dẫn trên các văn bản giúp công chúng dễ dàng di chuyển trong trang báo hay giữa các trang báo với nhau; thông qua các từ khóa có chèn đường dẫn liên kết (link) cho phép người đọc tham chiếu tới các nội dung khác; công chúng dễ dàng gửi góp ý, bình luận về tin bài. Khả năng lưu trữ lớn và dễ tìm kiếm, cập nhập thông tin ở mọi lúc, mọi nơi . Với những ưu điểm vượt trội đó, báo chí điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút của mình đối với công chúng, cũng như khả năng phát tán thông tin mau lẹ với lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về lượng thông tin như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình. Theo đó, báo chí điện tử là kênh truyền thông hữu hiệu trong đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. 2. Báo chí điện tử ở nước ta tuy ra đời muộn hơn các loại hình báo chí khác nhưng đã phát triển nhanh chóng. Chỉ sau vài năm, đã hình thành cả một mạng lưới lên tới hàng chục và đến nay đã lên tới hàng trăm báo, tạp chí và trang tin điện tử[5]. Các tờ báo này cũng đều có mức gia tăng người đọc (số người truy cập) liên tục hàng ngày và thậm chí là hàng giờ; từng bước trở thành lực lượng nòng cốt, chủ lực của hệ thống báo chí, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước. Trong môi trường internet ngày càng phát triển nhanh chóng và đa dạng, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng mạng xã hội và một số tờ báo, trang thông tin phản động xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” một cách tinh vi, xảo quyệt. Báo chí điện tử ra đời đã nhanh chóng phát huy ưu thế, lãnh xứ mạng đấu tranh trực diện, không khoan nhượng những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Báo chí điện tử trở thành công cụ, phương tiện, vũ khí sắc bén hơn hẳn các loại hình báo chí khác, tuyên truyền, đấu tranh, phản bác, đáp trả nhanh nhạy, kịp thời; đồng thời, là diễn đàn huy động được đông đảo lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng sự tương tác đa chiều rõ rệt với bạn đọc. Có thể nói, trên mặt trận đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, báo chí điện tử đã phát huy thế mạnh nổi trội, và ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân, làm cho nền tảng báo chí nước nhà ngày càng thêm vững chãi. Tuy nhiên, trên phương diện thực hiện chức năng nhiện vụ của báo chí nói chung và trên mặt trận chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch nói riêng, báo chí điện tử vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa thật sự tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình thực tiễn, nhất là trong những sự kiện “nóng” hoặc những vấn đề “nhạy cảm”. Theo một đánh giá gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho thấy, báo chí điện tử phát triển nhanh và nhiều về số lượng, đa dạng về thể loại nhưng chất lượng, hiệu quả còn chưa tương xứng; nhiều tờ báo, tạp chí, trang tin điện tử còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động, dẫn đến khai thác thông tin thiếu chọn lọc, nội dung giật gân, câu khách; hiện tượng tư nhân chi phối báo chí điện tử đã làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học và chất lượng nghiệp vụ cũng như tính chiến đấu của báo chí điện tử. Đáng chú ý, các báo điện tử còn chưa thực sự chủ động, nhạy bén, sắc sảo trong đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch luôn là mảng đề tài diễn ra rất phức tạp. Một số sự việc bị kẻ xấu lợi dụng, lan truyền trên mạng xã hội và một số tờ báo phản động đặt ở nước ngoài, nhưng chưa được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Hình thức tiến hành chủ yếu vẫn là chia sẻ các bài viết có sẵn, trong khi đó chưa có nhiều tác phẩm báo chí có chiều sâu về lý luận và thực tiễn để đấu tranh trực diện với những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch. Vì thế, ở một số sự kiện, tính định hướng và sức lan tỏa từ các báo và tạp chí điện tử chưa cao. Bên cạnh đó, có một hiện tượng đáng lo ngại, đó là một số nhà báo và cơ quan báo chí điện tử có biểu hiện thờ ơ chính trị, thiếu quan tâm đến mảng đề tài này, cho rằng đây là mảng đề tài khó và đã có nhiều tờ báo của các cơ quan Đảng lo liệu, nên để “trống” chuyên trang, chuyên mục, hoặc nếu có cũng chỉ là cầm chừng. Có nhiều tờ báo, tạp chí điện tử của các tổ chức xã hội, của các viện, trường, học viện, nhưng rất ít coi trọng mảng đề tài này, nhất là với các tờ báo, tạp chí điện tử phải tự chủ, tự lo liệu kinh phí. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, các thế lực thù địch và những phần tử xấu sẽ tiếp tục triệt để lợi dụng những tiện ích trên không gian mạng để đẩy mạnh âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chống phá cách mạng nước ta. Chúng thường xuyên lợi dụng những vấn đề “nóng”, bức xúc trong xã hội, những hạn chế, yếu kém, bất cập, thiếu sót trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Thậm chí, chúng triệt để lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để bóp méo, bịa đặt những nội dung xấu với mục đích cản trở sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của nước ta. Những điều đó, càng đòi hỏi báo chí nói chung và báo chí điện tử nói riêng nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên củng cố, xây dựng lực lượng đủ phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh chính trị, tận dụng những ưu thế vượt trội để có những tác phẩm báo chí sắc bén, kịp thời vạch trần những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích dân tộc và sự phát triển của cách mạng. Trước mắt, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành ngày 25-12-2013 về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet. Không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử theo kịp với sự phát triển của công nghệ internet, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cung cấp thông tin kịp thời để chi phối, làm chủ thông tin; lấy thông tin tích cực, chính thống lấn át, đấu tranh chống lại các thông tin sai trái, xấu độc, phản động trên internet. Coi trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động người sử dụng internet tuân thủ luật pháp, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, biết phân biệt đúng sai, thật giả, tích cực đấu tranh phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên internet đi đôi với tăng cường quản lý thông tin trên internet. Khuyến khích khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của internet nói chung, báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet nói riêng. Đồng thời, tăng cường rà soát, bổ sung những chế tài đủ mạnh đối với việc đưa tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và gieo rắc sản phẩm văn hóa đồi trụy. 3. Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng: “Đến năm 2020, báo điện tử trở thành loại hình báo chí chủ lực của các cơ quan truyền thông đa phương tiện”. Theo đó, nhiệm vụ đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch của báo chí điện tử càng trở nên gay gắt, đòi hỏi trong mỗi tác phẩm báo chí phải chứa đựng đầy đủ tính chiến đấu, tính hấp dẫn và thuyết phục. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau: Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, ban biên tập đối với công tác đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trên báo chí điện tử. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến hiệu quả báo chí trong tình hình mới. Thực tiễn chỉ ra, khi nào, ở đâu cán bộ lãnh đạo, ban, bộ biên tập nhận thức toàn diện, đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng của công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch thì mảng đề tài này mới được quan tâm đúng mức và mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả từ các sản phẩm báo chí. Do vậy, cấp ủy, ban biên tập, tổng biên tập các báo cần tiếp tục tăng cường tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đấu tranh, phòng, chống “diễn biễn hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm các quy định về siết chặt kỷ luật, kỷ cương báo chí; quản lý và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, phóng viên nhằm phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ cán bộ, phóng viên trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; quan tâm tạo điều kiện phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức có kinh nghiệm, kết hợp có hiệu quả tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ, ứng phó kịp thời với các thủ đoạn của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học, để mỗi cán bộ, phóng viên, nhất là các cán bộ, phóng viên trẻ có điều kiện, cơ hội nhận thức đầy đủ hơn về âm mưu “diễn biến hòa bình”; tích lũy thêm tri thức, trau dồi bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phát hiện sớm hoạt động chống phá, tung thông tin sai trái của các thế lực thù địch để đấu tranh ngăn chặn kịp thời. Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí điện tử, xây dựng khả năng đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch Đội ngũ cán bộ, phóng viên là những nhân tố quyết định đến hiệu quả trong các sản phẩm báo chí, góp phần quan trọng trong phát huy vai trò đấu tranh, phản bác của báo chí chống lại các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Do vậy, báo chí điện tử cần thành lập các bộ phận thường trực phản ứng nhanh, kịp thời đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch; tổ chức phân công nhiệm vụ rõ ràng, chuyên sâu theo các lĩnh vực, chuyên đề. Tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên chuyên nghiệp làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, sai trái thù địch đảm bảo theo hướng tinh gọn, chất lượng, đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, phát huy cao nhất vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các báo, tạp chí sẵn sàng “xông pha” nơi trận địa khó khăn nhất. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, phóng viên trong mặt trận này, chính là sự thiếu hụt những cây viết có đủ bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất trong đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhất là đội ngũ trong ban biên tập. Đó là những vấn đề không dễ nhưng cần sớm được khắc phục. Ba là, đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trước sự phát triển đa dạng, đầy biến động của “cư dân mạng” Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái nói chung được xác định có ý nghĩa quan trọng. Một mặt, thông qua đó tấn công chính trị, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng chống đối; mặt khác, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Vì thế, cần đặc biệt coi trọng tăng cường các bài viết phù hợp với tư tưởng của đông đảo quần chúng đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Trong đó, cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính tuyết phục cao, hấp dẫn; vận dụng các hình thức tuyên truyền để định hướng, lôi kéo “cư dân mạng” đấu tranh, phản bác có hiệu quả. Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, trình độ công nghệ và điều kiện thuận lợi phục vụ công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Việc áp dụng khoa học công nghệ trở thành một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự phát triển xã hội về mọi mặt. Để đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ trong đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới, các báo điện tử phải tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào phục vụ hoạt động của mình. Trong điều kiện, báo chí điện tử ở nước ta phát triển từ báo chí truyền thống, kết hợp với internet và công nghệ số, càng khẳng định tầm quan trọng của sự gắn bó chặt chẽ của báo chí điện tử với nền tảng khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực internet và số hóa. Năm là, hỗ trợ chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý cho lực lượng tham gia đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên các báo điện tử Trên thực tế, đây là mảng đề tài khó. Vì thế, sẽ khó thu hút được những cây viết giỏi nếu không thỏa mãn được tối thiểu sự đãi ngộ về vật chất và tinh thần. Để tăng cường động viên, "giữ chân" người viết và kể cả những người tham gia tương tác trên “trận địa” này, các báo, tạp chí điện tử nhất thiết cần phải có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ngoài ra, các báo cần chủ động có các hình thức khen thưởng đối với cán bộ, phóng viên và các lực lượng tham gia đấu tranh phản bác có kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ công tác đấu tranh, phản bác để động viên, khích lệ họ tích cực tham gia viết bài trên lĩnh vực này. Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên đây, cũng là đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet; đồng thời, phù hợp với quan điểm chỉ đạo trong Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Đảng và Chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét