Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021
THỰC CHẤT LUẬN ĐIỂM "QUÂN ĐỘI TRUNG LẬP", "ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ"
Chính trị của quân đội, thực chất là vấn đề bản chất giai cấp của quân đội, nó trả lời cho câu hỏi: Quân đội đó do giai cấp nào tổ chức, nuôi dưỡng, sử dụng và lãnh đạo? Nó phục vụ cho giai cấp nào, bảo vệ quyền lợi của ai? Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ấy cho ai, vì ai? Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, trong xây dựng quân đội của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, vấn đề chính trị luôn được đặt lên vị trí cao nhất, chiếm “ngôi đầu”; là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của quân đội ấy, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ chính trị - xã hội và vận mệnh của quốc gia dân tộc. Xét về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực, phục vụ cho mục đích chính trị của một giai cấp, nhà nước nhất định. Tính chất chính trị của quân đội thể hiện tập trung và rõ nét ở mục tiêu chiến đấu, tổ chức lực lượng, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội; phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội.
Hiện nay, thông qua cái gọi là “bức thư tâm huyết,” “kiến nghị của công dân”,… một số người đã lên tiếng “kiến nghị” rằng “các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị”, “lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và Nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào, đảng phái nào”, “quân đội chỉ cần tuân theo pháp luật”, “quân đội cần đứng ngoài chính trị”... Trắng trợn hơn, có kẻ còn viết bài đặt câu hỏi với cán bộ, chiến sĩ quân đội rằng: “Các anh còn ngủ đến bao giờ?”… Bản chất của những luận điệu trên là nhằm “phi đảng hóa”, “phi chính trị hóa”, tách quân đội ta ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của quân đội nhân dân.
Luận điểm “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “trả quân đội về cho nhà nước”,... thực chất là một mũi tiến công chủ yếu nhằm làm cho quân đội xã hội chủ nghĩa mất phương hướng, rơi vào quỹ đạo chính trị phản động mà các thế lực tư bản, đế quốc đã thực hiện đối với quân đội các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu trước đây.
Trong thế giới đương đại, quan điểm “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị” thường xuất hiện ở các nước có cấu trúc đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhất là khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị.
Ở Thái Lan, chính phủ và các đảng phái chính trị đều ra sức tranh thủ sự ủng hộ, hậu thuẫn về chính trị của quân đội. Trong nền chính trị với cấu trúc lưỡng đảng ở Mỹ, quân đội Mỹ không hề đứng ngoài chính trị. Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, quân đội Mỹ đã liên tục can dự vào đời sống chính trị của nhiều nước, ở nhiều khu vực, kể cả tiến hành chiến tranh để can thiệp vào tình hình chính trị, kích động làn sóng “Mùa xuân Ả Rập”…
Sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là do việc xóa bỏ quy định của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội, lãnh đạo quân đội của Đảng Cộng sản.
Thực tiễn cho thấy, ở những nước có sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị, việc thực hiện cái gọi là “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị” đã dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, xung đột, mất đoàn kết nội bộ và bất ổn chính trị - xã hội.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét