Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Rèn luyện bản lĩnh chính trị là yêu cầu vừa cấp bách vừa thường xuyên

Bản lĩnh chính trị là sự kiên định, khả năng độc lập suy nghĩ, quyết định và hành động, là đòi hỏi cơ bản và trực tiếp đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, giúp mỗi người kiên định lập trường, tư tưởng và bằng ý chí, năng lực của mình vượt qua khó khăn, thử thách, áp lực để quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình, của địa phương, cơ quan, đơn vị. bản lĩnh chính trị là sự tổng hợp biện chứng của lập trường chính trị, phẩm chất chính trị và năng lực chính trị; là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho mỗi cán bộ, đảng viên có định hướng chính trị đúng đắn, luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh thực tiễn và kiểm soát được hành vi, thái độ của mình trong mọi tình huống. Đó chính là sự vững vàng, kiên định, chủ động trong cả suy nghĩ và hành động trước những khó khăn, thách thức của cuộc sống, đúng như V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Chỉ giai cấp nào đi theo con đường của mình mà không do dự, không chán nản và không sa vào tuyệt vọng trong những bước ngoặt khó khăn nhất, gay go nhất và nguy hiểm nhất, thì mới có thể lãnh đạo được những quần chúng lao động và bị bóc lột. Chúng ta không cần những sự hăm hở điên cuồng. Điều cần thiết cho chúng ta, chính là bước đi nhịp nhàng của những đoàn quân vững như gang thép của giai cấp vô sản”[1]. Bản lĩnh chính trị là phần cốt lõi, cơ bản nhất, là phẩm chất quan trọng cần phải có hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên; là sự cụ thể hóa bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, mang bản chất giai cấp công nhân, vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người; là sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân; là tinh thần, ý chí, quyết tâm phấn đấu, vượt mọi gian khổ và không dao động trước thử thách, áp lực để hoàn thành nhiệm vụ. Đó còn là tinh thần chủ động trong đấu tranh vạch trần, phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, góp phần làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động của chúng, phòng và chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Theo Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là sự thể hiện tính giai cấp, “tính Đảng” trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm; là luôn “nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”[2]; là “phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính Đảng, tính giai cấp, nó đảm bảo cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của nhân dân”[3]. Do đó, rèn luyện bản lĩnh chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, lý tưởng cách mạng, “kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”[4]; đồng thời, nỗ lực, sáng tạo và phát huy sức mạnh tiềm năng hoàn thành nhiệm vụ được giao phó là yêu cầu vừa thường xuyên, vừa bức thiết trong công tác xây dựng Đảng. Qua đó, không chỉ nhằm “xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, gần dân, sát dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng”[5], “nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả”[6] mà còn góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là một trong những yếu tố quan trọng hình thành bản lĩnh chính trị của Đảng. Bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng thể hiện ở những quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp yêu cầu của thực tiễn, nhất là ở trong những thời khắc có ý nghĩa bước ngoặt. Nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt và nhất quán trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng luôn coi trọng việc rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên - nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng, trong mọi hoàn cảnh, thời điểm. Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên là toàn bộ hoạt động của các cấp uỷ, tổ chức đảng và của chính cán bộ, đảng viên trên tinh thần quán triệt sâu sắc và theo đúng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng và xác định rõ các tiêu chí đánh giá bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên; được tiến hành đồng bộ: từ việc nâng cao nhận thức tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị đến nâng cao năng lực công tác, phương pháp làm việc, tác phong công tác; với sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng và đi liền cùng đó là tạo điều kiện và môi trường thử thách để rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn liền với việc đề cao vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của mỗi người. Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng; khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, tham ô, tham nhũng, mư cầu lợi ích nhóm… Thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng những năm qua, đặc biệt là khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với những quy định về những điều đảng viên không được làm… đã cho thấy việc rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được triển khai thực hiện nghiêm túc ở Trung ương và địa phương. Thông qua việc học tập, quán triệt, bồi dưỡng và tu dưỡng về mọi mặt, năng lực nhận thức, trình độ hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sự kiên định mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Mỗi người trong mọi mặt công tác đã được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có tư duy khoa học độc lập, năng lực tự định hướng và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó; đã nâng cao năng lực tự rèn luyện, tu dưỡng trong thực tiễn về phẩm chất đạo đức, nhân cách, phương pháp công tác, kỹ năng làm việc và lãnh đạo gắn liền với việc tôi luyện ý chí, tinh thần kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động, nhất là khả năng “tự đề kháng”, “tự miễn dịch” với những cám dỗ vật chất, những tiêu cực từ cơ chế kinh tế thị trường, với những thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch… Cùng với việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng, việc rèn luyện bản lĩnh chính trị thường xuyên, liên tục gắn với tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc của mỗi người, với công tác kiểm tra và giám sát nghiêm túc của mỗi cấp ủy sẽ khiến “phú quý không dụ dỗ được ta, nghèo khổ không lay động được ta, oai lực không dọa nạt được ta. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được”[7].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét