Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Cao tốc hơn 12.000 tỷ đồng vắng bóng xe

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được đầu tư 12.000 tỷ đồng song không có trạm dừng nghỉ, mỗi ngày trung bình chỉ vài nghìn lượt xe. Giờ cao điểm sáng ngày cuối tháng 4, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn chạy qua TP Bắc Giang vài phút mới xuất hiện một xe chạy, phần lớn là xe loại dưới 10 chỗ. Nhân viên ở trạm thu phí ở điểm cuối cao tốc thuộc địa bàn huyện Chi Lăng - Lạng Sơn cũng trên dưới 10 phút mới phải làm việc một lần. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 lượng phương tiện qua lại tuyến này tăng hơn so với ngày thường, tuy nhiên không đáng kể. Kể từ khi đưa vào khai thác vào tháng 1/2020, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chưa ghi nhận tình trạng quá tải, ùn tắc. Tài xế xe container Nguyễn Văn Mạnh ở Bắc Giang, chuyên chạy tuyến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đi TP HCM, cho hay cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn "khá thông thoáng, đi trên đường gần như không phải sử dụng đến phanh". Theo tài xế Mạnh, mỗi khi có chuyến hàng gấp hoặc dịp lễ Tết anh mới đi vào cao tốc vì chi phí quá cao. "Nếu chạy qua tuyến cao tốc dài hơn 60 km, chủ xe phải mất 520.000 đồng, trong khi đó chỉ nhanh hơn được khoảng 45 phút so với đi quốc lộ 1A cũ", tài xế Mạnh nói. Một nguyên nhân khác, khiến các tài xế xe tải, xe khách và container không lựa chọn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do tuyến này chưa kết nối đến cửa khẩu Hữu Nghị và TP Lạng Sơn. Khi sử dụng hết 64 km cao tốc với tốc độ tối đa 100 km/h, phương tiện phải ra đường quốc lộ 1A cũ đi thêm hơn 40 km nữa mới tới cửa khẩu (tốc độ đạt trung bình khoảng 50 km/h). Trong khi cao tốc vắng xe, tuyến Quốc lộ 1A mới hoàn thiện nâng cấp năm 2018 và chạy song song với cao tốc lại luôn đông đúc phương tiện; phần lớn là xe container, xe tải và xe khách. Phụ trách tuần tra, kiểm soát trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Đội trưởng đội CSGT số 2 (Cục CSGT) nhận xét, "đây có lẽ là tuyến cao tốc vắng nhất trên toàn quốc". Đặc biệt, trong những ngày cao điểm nghỉ lễ vừa qua, như ngày 30/4, toàn tuyến cũng chỉ ghi nhận khoảng trên 8.000 lượt xe; ngày 3/5 hơn 4.000 lượt xe, còn ngày thường trung bình khoảng vài nghìn lượt. Trong khi đó, những ngày cao điểm 30/4 và 1/5, số liệu qua hệ thống camera trên các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai ghi nhận trên 50.000 lượt xe mỗi ngày; tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình trên 70.000 lượt xe... Trung tá Sơn cho rằng "cần phải giảm giá phí để khuyến khích tài xế đi vào cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn , giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A". Hiện với 64 km, mức phí thấp nhất với loại xe dưới 12 chỗ khi đi hết cao tốc là 135.000 đồng (2.100 đồng với mỗi km). Mức phí này cao hơn trung bình so với cao tốc Nội Bài - Lào Cai 600 đồng và cao hơn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hơn 1.000 đồng mỗi km. Theo thống kê của Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, kể từ đầu năm đến nay, trung bình khoảng 11.800 lượt xe qua lại mỗi ngày đêm trên cả hai tuyến Quốc lộ 1A cũ và cao tốc mới từ Bắc Giang đến Lạng Sơn. Trong khi đó, lưu lượng phương tiện đi vào cao tốc chỉ chiếm khoảng 40 %, số còn lại vẫn sử dụng Quốc lộ 1A cũ. (số liệu này không bao gồm xe máy). Thừa nhận tuyến cao tốc không tăng trưởng như dự báo ban đầu, thậm chí còn sụt giảm ngoài dự kiến, ông Đặng Tiến Thắng, Tổng giám đốc BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, cho rằng, "ngoài nguyên nhân dịch Covid-19, các khu công nghiệp hai bên đường chưa được xây dựng, một lý do khác khiến tuyến này vắng xe là chưa triển khai dự án giai đoạn 2 kết nối đến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng". Theo ông Thắng, các nhà đầu tư đang phối hợp với tỉnh Lạng Sơn xin chủ trương của Chính phủ về bố trí nguồn vốn để sớm xây dựng đoạn còn lại "đảm bảo khai thác đồng bộ, kết nối toàn tuyến trong thời gian tới". Trước phản ánh mức phí cao, cao tốc không có trạm dừng nghỉ và cây xăng, ông Thắng cho rằng, "mức vé không cao và tương đương tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và các tuyến cao tốc có tính chất kết nối tương tự, hơn nữa việc đưa ra mức phí đã được tính toán theo khung quy định của nhà nước, được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận". Ngoài ra, trạm dừng nghỉ và trạm xăng không nằm trong phạm vi dự án BOT do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khác làm. "Đây là một bất cập lớn dẫn đến việc khai thác không đồng bộ, gây bất tiện cho các phương tiện lưu hành trên cao tốc", ông Thằng thừa nhận. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng, điểm đầu giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Mai Sao (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) và điểm cuối nối với quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Tuyến đường hoàn thành giúp phương tiện từ Hà Nội đi Lạng Sơn chỉ mất 2,5 giờ, giảm so với 3,5 giờ nếu đi trên tuyến quốc lộ 1. Hiện nay do dự án giai đoạn 2 kết nối đi cửa khẩu Hữu Nghị dài 43 km chưa được đầu tư, khiến điểm cuối cao tốc là đường cụt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét