Thế lực thù địch thường tung những luận điệu xuyên tạc cho rằng nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà nước ta đang xây dựng là một nền KTTT "méo mó, không giống ai". Thế nhưng, thực tiễn cho thấy nền kinh tế thị trường tại Việt Nam mà họ tìm mọi cách phủ nhận ấy lại đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Thời điểm khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay càng giúp chúng ta cũng như những nhà nghiên cứu kinh tế và người dân trên thế giới nhận thức rõ hơn những điểm nổi trội của nền KTTT định hướng XHCN của Việt Nam.
Kinh tế thị trường tự do đầy khuyết tật
Từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, về tổng thể, thế giới đã chuyển hóa từ bối cảnh đối đầu giữa hai hệ thống XHCN và tư bản chủ nghĩa (TBCN) sang một thế giới toàn cầu hóa, chấp nhận sự đa dạng và cùng tồn tại hòa bình, hợp tác, xen lẫn cạnh tranh gay gắt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về cuộc khủng hoảng các mô hình phát triển kinh tế, trong chuyên luận “Covid-19: Cuộc tái cấu trúc vĩ đại” tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đang đào sâu hơn những chia rẽ, bất bình đẳng và phân chia thế giới thành thời kỳ tiền Covid-19 và hậu Covid-19. Trong kỷ nguyên hậu Covid-19, không chỉ Mỹ mà là toàn bộ chủ nghĩa tư bản (CNTB) thế giới sẽ phải thay đổi mô hình phát triển trong trật tự thế giới đa cực. Năm 2021 là năm bản lề, năm quan trọng đối với tương lai và thế giới phải hành động để tương lai nền kinh tế và xã hội của chúng ta cần linh hoạt, bao trùm hơn và bền vững hơn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp một cách có trách nhiệm; tăng cường quản trị toàn cầu, đạt tiến triển trong nỗ lực trung hòa khí thải carbon; hướng đến các hệ thống kinh tế và xã hội công bằng hơn, tạo ra đủ việc làm nhằm xây dựng một xã hội hòa nhập hơn...
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, Báo cáo trung tâm tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2020 cũng đã từng khuyến cáo, CNTB đang đứng trước ngã rẽ lịch sử, trong đó đã đến lúc phải đổi mới mô hình phát triển sang hướng toàn diện, có trách nhiệm xã hội hơn, giải quyết tốt hơn các vấn đề xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Trong đó, các công ty tư nhân tự coi mình là người được xã hội ủy thác và hoạt động không chỉ nhằm thu được lợi nhuận kinh tế lớn, mà còn phải hướng tới khắc phục hậu quả tiêu cực đối với xã hội và môi trường, đáp ứng tốt các quyền lợi hợp pháp và nhu cầu sống của người lao động.
Trên thực tế, khủng hoảng chu kỳ, sự suy thoái kinh tế cả trong quá khứ và hiện nay đã làm phơi bày mặt trái của KTTT tự do, cả về sự đầu cơ quá mức, về thất nghiệp, chênh lệch khoảng cách giàu-nghèo và những bất công xã hội.
Thậm chí, tại nước Mỹ, nơi có nền kinh tế thị trường TBCN phát triển nhất thế giới, thì cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải thừa nhận: “Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008 cho thấy đã qua rồi thời kỳ nước Mỹ hành động một mình mà không cần phải lắng nghe ai”. Cũng thời điểm này, lãnh đạo nhiều nước có KTTT phát triển khác, như: Anh, Pháp, Đức, Italy... cũng lên tiếng phê phán những sự ngây thơ, tin tuyệt đối vào khả năng tự điều chỉnh của KTTT tự do. Chính trị gia Bernie Sanders của Đảng Dân chủ, trong cuộc chạy đua ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cho rằng: “Mô hình KTTT Mỹ hiện hành không thể giải quyết được triệt để những vấn đề của nước Mỹ, trước hết liên quan đến an sinh xã hội, giáo dục, y tế và bất công về giàu nghèo...”.
Thực tế cho thấy, các cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, khủng hoảng năng lượng, lương thực, các vấn đề nóng bỏng về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, an ninh phi truyền thống và dịch bệnh... đã và đang diễn ra dày đặc hơn chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của thế giới hiện hành nói chung, của KTTT tự do của CNTB nói riêng. Do đó, chỉ có những ai thiếu tầm nhìn, hoặc cố tình nói ngược mới ca ngợi một chiều CNTB.
Mối quan hệ giữa “động cơ” và “bánh lái”
Xây dựng mô hình KTTT định hướng XHCN là phù hợp với xu hướng và yêu cầu thực tiễn phát triển KTTT trên thế giới. Bởi lẽ, thực tế đã, đang và sẽ ngày càng cho thấy, dù ở đâu và thời đại nào, dù chế độ và thể chế chính trị nào, song mọi mô hình KTTT muốn thành công đều phải ngày càng hội tụ vào mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là vì phát triển đất nước bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn khát vọng hạnh phúc cho người dân của quốc gia mình.
Không có bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào ngoại lệ với đổ vỡ, khủng hoảng kinh tế, kể cả các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Thế giới đã thấy rõ ý nghĩa, hiệu quả của việc phải kết hợp cả bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình nhà nước kiểu mới để bảo đảm tính bền vững và hạn chế những khuyết tật của KTTT. Các quốc gia hiện nay nhìn chung đều đề cao yêu cầu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Mà có thể thấy, đây đều là những vấn đề Đảng, Nhà nước ta nhấn mạnh khi xây dựng nền KTTT định hướng XHCN.
Khi áp dụng KTTT để phát triển đất nước là Đảng ta đã sáng suốt áp dụng một thành tựu của nhân loại trong cách thức phát triển kinh tế, nhưng đồng thời gắn thêm định hướng XHCN để bảo đảm xã hội sẽ phát triển bền vững, nhân văn trong nền KTTT ấy. Đó cũng không khác gì mối quan hệ giữa "động cơ" và "bánh lái" của một con tàu.
Chúng ta không bao giờ được quên mục tiêu phát triển nền kinh tế là để làm gì. Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có...”. Đó cũng chính là những luận giải để chúng ta thấy rõ hơn mục tiêu khi xây dựng nền KTTT định hướng XHCN, từ đó tạo cơ sở vật chất cho CNXH.
Một mô hình luôn được bổ sung, hoàn thiện
Để bảo đảm xây dựng nền KTTT phát triển, nhưng vẫn bảo đảm định hướng XHCN, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và làm rõ hơn những nét đặc thù quan trọng trong mô hình KTTT định hướng XHCN là: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước... Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng mô hình KTTT định hướng XHCN là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Nền KTTT định hướng XHCN sẽ được hoàn thiện trong một quá trình dài và việc văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước” là cần thiết, tạo sự linh hoạt và vận dụng hiệu quả nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong chỉ đạo, điều hành thực tiễn của Đảng trước mọi biến động nhanh, khó lường của thế giới.
Về phát triển kinh tế thời gian tới theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan chức năng đang tiếp tục xem xét, bổ sung và làm rõ hơn cơ chế quản lý nhà nước. Trong đó, quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu, quy luật và quy trình của KTTT, cũng như với các điều khoản hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Điều này là cần thiết để cơ chế thị trường được thực thi đầy đủ, bảo đảm uy tín chính trị, niềm tin thị trường và khai thác các cơ hội mới từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, phòng tránh lợi ích nhóm từ việc biến độc quyền nhà nước thành độc quyền tư nhân.
Đặc biệt, chức năng nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước đang từng bước được bổ sung, làm rõ hơn, bao gồm việc chủ động dự báo và ngăn chặn, xử lý các khuyết tật, tác động mặt trái và khủng hoảng chu kỳ, vốn thuộc bản chất của KTTT (như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phân hóa giàu nghèo và coi nhẹ các vấn đề y tế, môi trường, xã hội...); nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của nền kinh tế và doanh nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện ô nhiễm môi trường và quản lý, điều tiết thị trường, khoảng cách giàu nghèo và chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác; chống lại sự xuống cấp văn hóa, đạo đức xã hội, sự diễn biến phức tạp của tội phạm và các tệ nạn xã hội, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong quá trình xây dựng KTTT định hướng XHCN ở nước ta, Đảng ta luôn mang tinh thần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc những thành tựu mới của nhân loại để nền KTTT định hướng XHCN của chúng ta luôn tươi mới, luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.
Từ thực tiễn trong nước và quốc tế những năm qua, có thể thấy việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN là phù hợp với thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta. Đây là vấn đề có tính nền tảng mà mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần hiểu đúng, để xây chắc niềm tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét