Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

SỰ NGUY HIỂM CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TÚY, MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH.

Là hiện tượng phức tạp, được chú ý nhiều trong đời sống chính trị trên thế giới hiện nay, nhất là vào dịp các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, chủ nghĩa dân túy có thể trở thành hiện tượng chính trị quyết định trong thập kỷ tới, không chỉ ở Mỹ hay châu Âu mà ở khắp các nền dân chủ phát triển”. 


Nguyên nhân làm xuất hiện chủ nghĩa dân túy rất đa dạng và phức tạp, từ kinh tế đến chính trị, từ xã hội đến văn hóa và ngày nay là vấn đề môi trường, cạn kiệt tài nguyên (cụ thể là hiện trạng: bất bình đẳng kinh tế, phân biệt giàu - nghèo, bất mãn xã hội, bất bình đẳng giới, bạo lực và buôn bán các trẻ em gái, phân biệt tôn giáo, chủng tộc, tư tưởng bài ngoại. 


Ở phương Tây, chủ nghĩa dân túy thường phát triển khi người dân trong xã hội phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái hay khủng hoảng về kinh tế, bất ổn về xã hội, an ninh, môi trường và trước sự lúng túng, bị động, thất bại của các đảng cầm quyền, chính quyền hay sự suy thoái, nạn quan liêu, tham nhũng của công chức nhà nước; tình trạng bấp bênh của nền kinh tế trong bối cảnh các thay đổi về lực lượng lao động ở các xã hội hậu công nghiệp; những thay đổi về văn hóa và dân số...


Trong lịch sử chủ nghĩa dân túy là sự xen kẽ giữa tư tưởng dân chủ nông dân với xã hội không tưởng nông dân, hy vọng bỏ qua con đường tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa dân túy là sự kết hợp đầy mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng với những nhu cầu thực tế của người sản xuất hàng hóa nhỏ. Dù với nội dung hay hình thức nào, về bản chất, chủ nghĩa dân túy cũng vẫn là một loại tư tưởng tiểu tư sản, duy tâm, phản khoa học, không tưởng, mị dân và thậm chí phản động. 


Cũng như chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam không tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa” mà nó chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng, không thành hệ thống lý luận và biểu hiện ở phát ngôn, hành động vụn vặt của một số người. 


Có thể nhận diện những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam với những quan điểm, tư tưởng và phát ngôn như: Đòi xét lại những nguyên lý xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, biến Đảng thành tổ chức ô hợp; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đòi để nhân dân tự chọn món ăn tinh thần, không cần định hướng, quản lý trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và đòi dân chủ một cách tự do, vô tổ chức, dân chủ không gắn với kỷ luật, kỷ cương... Xuyên tạc, bôi đen lịch sử tiến đến phủ nhận lịch sử, cho những năm tháng hào hùng của cách mạng dân tộc dân chủ và xây dựng CNXH là “thời kỳ đen tối”, “sai lầm” không thể chấp nhận.


 Từ đó, ra sức xuyên tạc lịch sử, hạ bệ lãnh tụ, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, từ bỏ con đường XHCN chân chính để chấp nhận “chủ nghĩa xã hội nhân đạo, dân chủ”- một biểu hiện của tư tưởng dân túy - cái mà họ cho là xã hội duy nhất đem lại cuộc sống xứng đáng cho con người. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm thông qua những phát ngôn tuyên bố gây sốc nhằm chỉ trích nhằm vào những cán bộ lãnh đạo cùng với những hành vi và hình ảnh mang màu sắc dân túy “mị dân”, lấy lòng đám đông trong giải quyết những vấn đề nóng bỏng, dễ gây bức xúc trong xã hội, chạm được những lợi ích trước mắt của một bộ phận nhân dân, được truyền thông hậu thuẫn và tung hô xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: nhân danh lòng yêu nước phê phán các quan điểm, đối sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề Biển Đông hoặc kích động tinh thần dân tộc cực đoan. Tình trạng tham nhũng, quan liêu trì trệ, coi thường quốc pháp, sự lộng hành của các nhóm lợi ích, sự phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội cùng những rủi ro của kinh tế thị trường được xem là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ dân túy và tư tưởng dân túy nảy sinh.


 Mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là kiên quyết đấu tranh chống tệ tham nhũng với các phương châm nhất quán như: kiên quyết, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh này và đạt được những kết quả rõ rệt và được mọi người thừa nhận; tuy nhiên một số cá nhân bất mãn đã nhìn nhận mặt tích cực này mà lấy kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng để đả kích, phê phán chế độ. 


Tính chất độc hại, nguy hiểm và hệ quả tiêu cực của những quan điểm, tư tưởng và hành động này đã gây nên sự mơ hồ, ngộ nhận, lẫn lộn về nhận thức, dao động về tư tưởng, hoài nghi, suy giảm niềm tin của nhiều người vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên. Điều này đặt ra yêu cầu nhiệm vụ của công tác tư tưởng hiện nay là chúng ta cần nhận diện đầy đủ và cảnh giác với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy, đồng thời có những biện pháp đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện của trào lưu tư tưởng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét