Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Bẻ chữ trong ‘chỉ thị’

Đúng ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách ở mức cao nhất theo Chỉ thị 16, màn hình máy tính của tôi bốc khói và tối om. Suốt vài tháng qua, tôi toàn làm việc và họp trực tuyến, chủ yếu nhờ chiếc máy tính. Vì đang tham gia các dự án về pháp luật đất đai của ban Kinh tế Trung ương, có những ngày tôi phải họp vài cuộc với nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Cái máy tính quá cũ không chịu nổi, cháy cả màn hình lẫn máy. Tôi bần thần không biết xử lý ra sao, giãn cách nghiêm ngặt lắm, có tiền chắc gì đã mua được phụ kiện để kịp khôi phục máy tính cho vài cuộc họp trực tuyến ngày mai. Tôi đánh liều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, lén ra phố Lê Thanh Nghị gần nhà xem có hàng máy tính nào mở không. Cả khu phố, mọi cửa hàng đều lặng ngắt như tờ. Tôi lủi thủi quay về nhà tìm kế khác. Gọi điện tới mấy cửa hàng quen để cầu viện khẩn, tôi đều nhận được câu trả lời rằng, thiết bị tin học không thuộc nhóm hàng thiết yếu nên không thể giúp. Tôi đành nằm khan, tra thông tin trên điện thoại tìm "kế sách". Đập vào mắt tôi là những đoàn người ùn ùn đi xe máy hàng nghìn km về quê, có cả đoàn người đi bộ, gia đình nọ còn đi xe đạp từ Đồng Nai về Nghệ An. Người dân ngồi la liệt như bị bỏ lại bên đường, hàng dài xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc bên những khuôn mặt gần như kiệt sức. Lãnh đạo Long An chặn xe máy vào địa bàn, buộc họ phải quay lại nơi xuất phát, không thể về các tỉnh miền Tây. Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ là nơi hội tụ lực lượng lao động lớn từ nhiều tỉnh để tạo nên cực tăng trưởng mạnh nhất cả nước. Dịch bệnh khiến họ lao đao, đành tạm về ẩn mình nơi quê nhà. Nhưng các phương tiện chở khách công cộng liên tỉnh bị cắt hết, chốt chặn khắp nơi. Có tỉnh tiếp nhận con em trở về, nhưng có tỉnh từ chối quanh co. Có chốt kiểm soát cho qua, có chốt làm khó dễ. Ngay cùng một chốt, có nhóm trực thì hỗ trợ, nhưng nhóm trực khác lại không. Cùng địa bàn một tỉnh, phường này thì lãnh đạo giữ chốt chặt như thời chiến, ai ra đường bị phạt nặng, phường khác lãnh đạo lại hỏi han ấm áp, hướng dẫn dân thực hiện cho đúng. Dù được an ủi bởi những hành động dẫn đường và hỗ trợ dân của cảnh sát giao thông một số nơi, những cán bộ biết cảm thông với dân nghèo, nhưng tôi nghĩ, lòng tốt không phải là giải pháp cho sự hỗn độn giữa các địa phương trong việc diễn giải và áp dụng các chỉ thị hạn chế phương tiện nhằm chống dịch. Trong những ngày này, dân nghèo khó khăn nhưng vẫn cố đùm bọc nhau. Doanh nhân cũng vậy, họ đều đang hết sức giữ cho doanh nghiệp của mình không suy sụp, làm hỏng mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ. Mỗi người dân, doanh nhân cũng là chiến sĩ chống dịch mặc dù không ở tuyến đầu. Họ đều trông chờ sự chia sẻ, cảm thông, ân tình của chính quyền địa phương các cấp để thu xếp lại cuộc sống trong điều kiện bình thường mới. Vậy nhưng có chốt kiểm soát không cho xe chở tã giấy đi qua vì không phải hàng thiết yếu. Có nơi chặn cả xe chở tiền của ngân hàng, cán bộ bảo "tiền không phải hàng thiết yếu". Và hôm qua, tôi nghe tin cả xe chở thịt bò vào TP HCM cũng bị chặn do không thiết yếu. Rồi mai đây, còn biết bao tranh luận thiết yếu sẽ trở thành điển tích văn học khó quên của một thời? Các cấp địa phương đã không thống nhất nhận thức về mục tiêu chống dịch là không cho virus có cơ hội lây nhiễm, nhưng cuộc sống vẫn phải bình thường nhất có thể và đảm bảo 5K. Một số khái niệm cơ bản như "ra đường khi thật cần thiết" hay "hàng hoá thiết yếu" đã không được quy định nhất quán dưới mọi góc độ cuộc sống trên mọi tỉnh thành. Khi chính quyền mỗi địa phương tự biên, tự diễn chỉ đạo đi ngược lại với nhu cầu cuộc sống, các tắc nghẽn càng làm dồn ứ đông người, tạo ra ngữ cảnh lây lan dịch. Từ những gì đang diễn ra khi các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, tôi thấy như câu chuyện "quan thì xa, bản nha thì gần" tái hiện. Mỗi vấn đề của người dân quanh đi quẩn lại vẫn phụ thuộc trình độ và đạo đức các cán bộ gần dân nhất. Lan man mãi trong đầu chuyện đời rồi cũng phải quay về với chiếc máy tính bị cháy. Chợt nhớ mình có một cậu học trò rất tháo vát, tôi đành gọi điện nhờ vả. Chỉ hai giờ sau, cậu mang lại nhà tôi một màn hình mới và mọi phụ kiện cần thiết. Tôi ngỡ ngàng hỏi: "Sao ra đường khó vậy mà em làm nhanh thế?". "Thầy thử nghĩ xem cái gì thiết yếu nhất nào?", cậu cười, "Nhưng thôi, thầy đừng để tâm chuyện đời thường làm gì". Tôi như tỉnh ra vì phương tiện thiết yếu cho công việc "sống" lại. Nhưng những hình ảnh nhiều người lao động lênh đênh trên đường, trên phố vẫn luẩn quẩn trong đầu. Theo luật pháp nước ta, chỉ thị là văn bản điều hành, không phải văn bản quy phạm pháp luật, làm gì có quy định nào về mức phạt với các chỉ thị? Vậy mà nhiều địa phương, các cán bộ vẫn ngăn, vẫn phạt. Xin đừng ai bẻ chữ trong "chỉ thị" ra mà làm theo ý mình. Tôi hoan nghênh một số tỉnh đã ra văn bản quy định tương đối cụ thể về danh mục hàng thiết yếu tuy danh sách cũng có khác nhau. Nhưng, sự thay đổi của một vài chốt chặn không khơi thông được ách tắc về cả hàng và người trên diện rộng. Sự tù mù trong chấp pháp tại cấp địa phương gần dân nhất, các diễn giải pháp luật tự phát của cán bộ cơ sở đang dồn gánh nặng lên vai người dân. Bộ Công Thương hôm qua cho biết đã soạn thảo danh sách hàng cấm kinh doanh thay cho danh mục hàng hoá thiết yếu. Nếu ban hành được danh mục này ngay và áp dụng trên toàn quốc, tôi hy vọng các địa phương sẽ ngừng "sáng tác" thêm pháp luật. Chính sách nghe có vẻ sáng nhưng lại đang ở rất xa, phải chăng do vướng chốt chặn nào đó mà chưa tới được cuộc sống?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét