Nhận thấy không xóa được chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước
ta, nếu không xóa được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, các thế lực
thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Họ cho rằng, “quân đội do nhà nước nuôi dưỡng nên chỉ phục tùng nhà nước, không
phục tùng đảng phái nào”. Họ viện dẫn thực tiễn ở các thể chế chính trị tư sản
với chế độ đa đảng, quân đội không do đảng nào lãnh đạo. Dựa vào đó, họ phủ
nhận nguyên tắc “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi
mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam”; đòi bỏ quy định “Lực lượng vũ trang
nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng” ở Điều 65, Hiến pháp 2013...
Mục tiêu nhất quán của những
thủ đoạn trên là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm cho
quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; biến chất
về chính trị, tiến tới vô hiệu hóa vai trò Quân đội ta là chỗ dựa vững chắc của
Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Những
thủ đoạn trên dù rất tinh vi, nhưng sai cả về lý luận và thực tiễn. Trên phương
diện lý luận, nhà nước và quân đội là sản phẩm của xã hội có giai cấp và đấu
tranh giai cấp. Vì vậy, quân đội mang bản chất giai cấp của nhà nước tổ chức và
nuôi dưỡng nó. Không có nhà nước “phi giai cấp”, nên không có quân đội “phi
chính trị”. Ở các nền chính trị có cấu trúc đa đảng đối lập, đảng nào thắng thế
sẽ đứng ra lập chính phủ, nên quân đội bao giờ cũng phụ thuộc vào đường lối
chính trị của đảng cầm quyền; đồng thời, bất cứ đảng cầm quyền nào cũng tìm
cách nắm quân đội. Tuy vậy, khi mà sự tranh giành quyền lực giữa các đảng diễn
ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị, thường xuất hiện lời kêu gọi “quân đội
không đứng về đảng phái nào”; nhưng trong thực tế, các đảng đều tìm sự hậu thuẫn
từ quân đội.
Đối với các nước XHCN, Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội là nguyên
tắc cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Đây là nguyên
tắc được V.I.Lênin đề ra ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công,
để tổ chức xây dựng Hồng quân công nông. Nguyên tắc đó bảo đảm cho quân đội
luôn giữ đúng định hướng chính trị của Đảng Cộng sản, giữ vững bản
chất giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với nhân dân, là công cụ bạo lực
để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.
Trên phương diện thực tiễn, ở
Liên Xô vào cuối thế kỷ trước, những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước mắc sai
lầm nghiêm trọng khi tự xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân
đội. Vì thế, quân đội Liên Xô mất phương hướng chính trị, không bảo vệ được
Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; mặc dù, quân số còn gần 4 triệu người với vũ khí
trang bị hiện đại.
Ở Việt Nam, Đảng ta luôn kiên
định nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội trong suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng. Chánh cương vắn tắt năm 1930 của Đảng xác định “Tổ chức ra quân đội
công nông”, mà quân đội ấy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. 14 năm
sau, Đảng tổ chức ra Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với mô hình có
chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Là người xây dựng, giáo dục và rèn luyện
Quân đội ta, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn yêu cầu “Xây dựng quân đội-một quân đội
nhân dân thật mạnh dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng”. Người
nhiều lần nhấn mạnh: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”.
Lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã chứng
minh: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sức mạnh
chiến đấu và chiến thắng của quân đội; việc thực hiện nguyên tắc Đảng Cộng sản
lãnh đạo quân đội là sự bảo đảm cho Quân đội ta luôn là lực lượng
chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong
các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là thực tiễn sinh động bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ
nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội.
Mai Năm Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét