Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021
Bị sa thải trái luật, thầy giáo đi kiện 15 năm
LÂM ĐỒNGĐược tòa tuyên thắng kiện sau 15 năm đi kiện vì bị sa thải sau khi tát học trò, luật sư Lê Cao Tánh, 49 tuổi, vẫn muốn quay lại bục giảng.
Phán quyết được Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM đưa ra trong phiên giám đốc thẩm lần 3 vừa diễn ra. Toà chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Lê Cao Tánh, ngụ Đà Lạt, kiện Trường THPT bán công Nguyễn Du (nay là trường THCS Nguyễn Du, Đà Lạt).
Hơn 15 năm trước ông Tánh là giáo viên dạy Văn và Giáo dục công dân tại trường THPT bán công Nguyễn Du. Tháng 12/2004, ông Tánh và trường ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Theo nội dung vụ án, năm 2006, học sinh lớp 10 đã gọi tên ông và chửi bậy trước đám đông. Sau khi đưa về phòng giám thị hỏi lý do, cậu học trò "tiếp tục có thái độ hỗn hào" nên ông Tánh mất bình tĩnh, tát em chảy máu mũi.
Đầu năm 2007, theo ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, trường Nguyễn Du họp Hội đồng kỷ luật quyết định sa thải ông Tánh với lý do: vi phạm về phẩm chất của người thầy, ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường và ngành giáo dục, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Ông Tánh khiếu nại nhưng nhà trường giữ nguyên quyết định.
Cho rằng quyết định kỷ luật của trường không đúng, ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, ông Tánh khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định sa thải, bồi thường thiệt hại và yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nhận trở lại làm việc.
TAND TP Đà Lạt xử sơ thẩm (4/2008), TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm (tháng 9/2008) đều bác đơn kiện của ông. Không chấp nhận, ông Tánh gửi đơn đề nghị cơ quan tố tụng cấp trên giám đốc thẩm vụ án.
Trong thời gian này, Trường bán công THPT Nguyễn Du được tách nhập và chuyển thành Trường công lập THCS Nguyễn Du.
Hai năm sau, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị TAND Tối Cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, cho rằng ông Tánh đánh học sinh chỉ có thể bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khiển trách, hoặc kéo dài thời hạn nâng lương, hay chuyển công việc khác trong thời hạn tối đa 6 tháng.
TAND Tối cao sau đó chấp nhận quan điểm này, hủy cả hai bản án để giải quyết lại theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông Tánh.
Năm 2013, TAND TP Đà Lạt xử sơ thẩm lần 2, chấp nhận yêu cầu của ông Tánh, tuyên hủy quyết định kỷ luật của trường Nguyễn Du; buộc trường nhận ông Tánh trở lại làm việc và bồi thường 232 triệu đồng.
Trường THCS Nguyễn Du kháng cáo. Đại diện nhà trường cho rằng, quá trình tách và chuyển đổi trường không tiếp nhận hồ sơ nào liên quan đến ông Tánh nên không có tư cách tố tụng "bị đơn" trong vụ án, không kế thừa nghĩa vụ liên quan đến việc sa thải giáo viên này.
Còn ông Tánh kháng cáo vì không chấp nhận số tiền bồi thường, đồng thời đề nghị toà buộc nhà trường phải xin lỗi công khai.
Đầu năm 2014, TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm lần 2, chấp nhận kháng cáo của bị đơn và bác đơn khởi kiện của ông Tánh. Bản án có hiệu lực ngay - tức cựu thầy giáo từ thắng kiện trở thành thua kiện.
Cho rằng phán quyết này không đúng với chỉ đạo của TAND Tối cao năm 2010, ông Tánh tiếp tục đề nghị giám đốc thẩm. VKSND Cấp cao tại TP HCM (tương tự VKSND Tối cao trước đó) cũng kháng nghị. Một lần nữa 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm bị huỷ.
Năm 2010, TAND TP Đà Lạt xử sơ thẩm lần 3, chấp nhận yêu cầu của ông Tánh, hủy quyết định sa thải, buộc nhà trường xin lỗi công khai và nhận ông Tánh trở lại làm việc. Đồng thời, trường Nguyễn Du phải bồi thường hơn 614 triệu đồng, tiếp tục trả lương và khôi phục các quyền lợi bảo hiểm cho ông Tánh theo quy định của pháp luật.
Lần này trường THCS Nguyễn Du kháng cáo, song không được TAND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận nên tiếp tục đề nghị cơ quan tố tụng cấp trên xem xét lại vụ án. Nhà trường cho rằng, quyết định sa thải ông Tánh là thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng nên Sở mới là đơn vị có nghĩa vụ thực hiện phán quyết của tòa.
Kiến nghị của trường Nguyễn Du được Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP HCM chấp nhận và quyết định kháng nghị, đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND cùng cấp hủy án sơ thẩm và phúc thẩm.
Xử giám đốc thẩm lần 3, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng - tức chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tánh.
Theo HĐXX, trường THPT bán trú Nguyễn Du không giải thể mà tách nhập và chuyển đổi loại hình tên gọi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thành trường THCS Nguyễn Du nên trường là đơn vị thừa kế quyền lợi nghĩa vụ tố tụng. Do đó không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của bị đơn và kháng nghị của VKS.
Trả lời VnExpress, ông Tánh nhận mình "lì" khi theo đuổi vụ kiện suốt 15 năm. Lúc còn là giáo viên, ông cũng là cử nhân luật. Suốt thời gian theo đuổi vụ kiện, ông làm nhiều nghề đồng thời học nghiệp vụ luật sư và thạc sĩ luật. "Hiện tôi hành nghề luật sư nhưng nếu trường nghiêm túc thi hành án, tôi vẫn muốn được đi dạy học", ông nói.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét