Theo kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh đăng trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health, khoảng 1/20 số trẻ em nhập viện do COVID-19 có thể bị suy giảm chức năng não hoặc bị các biến chứng thần kinh kéo dài.
Các nhà nghiên cứu cho biết, khoảng 1/3 số trẻ mắc COVID-19 không thể điều trị dứt điểm được các triệu chứng trong thời gian ngắn. Trẻ mắc COVID-19 trầm trọng có thể bị viêm não, co giật, đột quỵ, thay đổi hành vi, ảo giác và rối loạn tâm thần.
COVID-19 có thể làm tổn thương não ở trẻ em.
Trẻ mắc COVID-19 phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như người lớn
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Rachel Kneen thuộc Đại học Liverpool (Anh), cho biết: "Ở những trẻ mắc COVID-19 trầm trọng, mặc dù chúng có nguy cơ tử vong thấp nhưng 1/2 số trẻ cần được hỗ trợ chăm sóc đặc biệt và 1/3 trẻ được xác định bị tổn thương thần kinh. Một số trẻ được áp dụng phương pháp điều trị phối hợp, thường nhằm mục đích kiểm soát hệ thống miễn dịch bản thân".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính rằng khoảng 1% trẻ em trong độ tuổi đi học mắc COVID-19 phải nhập viện, nhưng chỉ 0,1% bị tình trạng bệnh nặng cần được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt.
Tiến sĩ Ravi Jhaveri, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi Chicago (Mỹ), cho biết: “Những đứa trẻ mắc COVID-19 phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng giống như người lớn. Chúng tôi đã chứng kiến những trẻ phải chịu những hậu quả tồi tệ nhất khi mắc COVID-19, bao gồm biến chứng đông máu, tổn thương tim, suy giảm chức năng não, thần kinh và hội chứng COVID-19 kéo dài”.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học Anh đã thu thập dữ liệu về các triệu chứng thần kinh ở trẻ em liên quan đến COVID-19. Kết quả cho thấy, trong số 1.334 trẻ dưới 18 tuổi nhập viện vì COVID-19 từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2021 đã xác định được 52 trẻ bị các biến chứng thần kinh.
Cơn bão cytokine gây nên những triệu chứng ở não
Nhóm nghiên cứu tiếp tục chia nhóm để phân tích sâu hơn, bao gồm: nhóm trẻ bị các vấn đề về não khi mắc COVID-19 và những trẻ có các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Họ nhận thấy, nhóm trẻ có các vấn đề về thần kinh khi mắc COVID-19 thì bị các tình trạng bệnh như: co giật kéo dài, viêm não, hội chứng Guillain-Barré và loạn thần. Trong khi nhóm trẻ bị MIS-C thì biểu hiện một loạt các triệu chứng khác nhau và có nguy cơ cao cần được chăm sóc đặc biệt, các triệu chứng thường bao gồm: suy giảm chức năng não, đột quỵ, thay đổi hành vi và ảo giác.
Kết quả cũng cho thấy, khoảng 2/3 số trẻ thuộc đối tượng nghiên cứu có cải thiện tốt trong thời gian ngắn, số trẻ còn lại bị tổn thương kéo dài ở một mức độ nào đó.
Tiến sĩ Sanjeev Kothare, chuyên gia về thần kinh trẻ em thuộc Trung tâm Y tế trẻ em Cohen, ở New York (Mỹ), cho biết: “Đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trẻ đối với COVID-19 có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não. Điều thú vị là vi rút hiếm khi được phát hiện trong dịch não tủy. Vì vậy, đây không phải là tình trạng vi rút xâm nhập vào não, mà là cơn bão cytokine trong cơ thể (do vi rút gây ra) vượt qua hàng rào máu não và gây ra tất cả các triệu chứng nêu trên”.
Trẻ dễ bị nhiễm COVID-19 cần được bảo vệ
Nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay đã có những biện pháp điều trị cụ thể đối những trẻ bị các triệu chứng trên, bao gồm điều trị trực tiếp tình trạng mắc COVID-19 hoặc điều trị các triệu chứng thần kinh.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù vắc xin phòng COVID-19 vẫn chưa được cấp phép sử dụng ở trẻ em dưới 12 tuổi, nhưng kết quả này nhấn mạnh sự cần thiết tiêm chủng cho mọi người xung quanh và bảo vệ những trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Họ cho rằng: “Chúng ta không thể dự đoán được trẻ nào sẽ bị bệnh với các triệu chứng nghiêm trọng và do đó bằng cách tiêm vắc xin phòng COVID-19 rộng rãi cho những trẻ đủ điều kiện thì sẽ giúp phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với trẻ. Và điều đó tương tự như với bất kỳ căn bệnh nào khác có thể phòng ngừa được bằng vắc xin trong tiến trình lịch sử của loài người, bao gồm bệnh bại liệt, bệnh sởi và thủy đậu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét