Đang hoạt động bí mật trong vùng Bưng Sáu Xã, mẹ Võ Thị Tuội nghe tin chồng và con lần lượt hy sinh. Nén đau thương, mẹ không dám khóc cũng chẳng dám đến nhận xác chồng, con.
Nước mắt chảy ngược
Những ngày cuối tháng 7,
chúng tôi có dịp ngồi lắng nghe Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tuội (85 tuổi,
ngụ phường 9, quận 5, TPHCM) kể về những tháng ngày đánh Pháp, đánh Mỹ hào hùng
của dân tộc. Với mẹ, giờ mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng những ký ức hùng tráng,
bi thương sẽ chẳng thể nào quên.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Bà
mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tuội đã tham gia hoạt động vận chuyển vũ khí, nhu
yếu phẩm cho quân đội.
Mẹ Võ Thị Tuội là người ở
huyện Thủ Đức xưa (nay là TP Thủ Đức), gia đình mẹ có truyền thống cách mạng.
Do vậy, từ nhỏ mẹ đã được giáo dục về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Theo thời gian mẹ xác định lớn lên sẽ quyết tâm đi theo con đường cách mạng,
thống nhất đất nước.
Chồng và con của mẹ lần lượt hy sinh trong
quá trình hoạt động cách mạng.
"Từ nhỏ đã tham gia vận chuyển lương
thực cho các lực lượng hoạt động trong vùng Bưng Sáu Xã. Không quản đêm hay
ngày, cứ an toàn là ngụy trang rồi vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm
để hỗ trợ bộ đội đánh Mỹ", mẹ nhớ lại.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, mẹ yêu
thương và kết hôn với Phó bí thư Chi bộ xã vùng Bưng - Liệt sĩ Đào Quang Bạch
(SN 1935). Hai người có với nhau 4 người con và có rất ít thời gian ở bên nhau
vì ông thường xuyên phải đi chiến đấu xa nhà. Ngày 4/9/1963, ông Đào Quang Bạch
hy sinh trong một trận đánh Mỹ.
Khi nghe tin chồng và con mất, mẹ chỉ biết
nuốt nước mắt vào tim để tiếp tục hoạt động.
Chồng mất, một mình mẹ tần
tảo nuôi 4 người con và tiếp tục hoạt động cách mạng. Người con đầu của mẹ là
Liệt sĩ Đào Văn Giêng (SN 1955) cũng tiếp bước cha mẹ xung phong lên đường đánh
Mỹ và hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 17.
"Chỉ nghe tin là chồng mất, con mất, chứ
không dám đến nhìn xác, không làm tang lễ, và không dám khóc. Xác của chồng,
con sau khi hy sinh được đồng đội đem chôn cất tại xã khác. Sau này hòa bình
mới đến đem tro cốt về rồi hương khói đến ngày nay", mẹ Võ Thị
Tuội chia sẻ.
Mỗi lần đau thương, mẹ lại thêm ý chí kiên
cường và quyết tâm đánh giặc.
Mẹ cho biết, thời đó tất cả đều hoạt động bí
mật. Ngoài chồng, con, mẹ cũng đã nghe tin hàng trăm đồng đội lần lượt ngã
xuống nhưng không dám rơi một giọt lệ. Mẹ nuốt mọi đắng cay vào lòng để hoạt
động và tổ chức không bị lộ thông tin.
Những năm 60, quân Mỹ có thông tin về mẹ nên
đã tìm đến đốt nhà mẹ. Chúng lùng sục khắp nơi để tìm bắt mẹ. Nhưng mẹ được
đồng đội báo trước nên đã kịp trốn thoát.
Dù đã già yếu nhưng với mẹ, những ký ức hùng
tráng về thời kỳ kháng chiến sẽ không thể nào quên.
"Lúc đó tôi di chuyển từ Thủ Đức lên khu
vực chợ An Đông để ngụy trang làm nghề bán trái cây bằng xe đẩy. Sau khi
liên lạc với tổ chức tôi tiếp tục ngụy trang và vận chuyển vũ khi vào vùng
Bưng tiếp", mẹ Võ Thị Tuội chia sẻ.
Do phải hoạt động bí mật nên nhiều khi gặp gỡ
người thân, mẹ cũng phải tỏ ra không quen biết.
Tuyệt đối không được lộ
thân phận
Theo lời mẹ kể, em trai thứ
3 tên Võ Văn Bay cũng hoạt động cách mạng sôi nổi với biệt danh Ba Bay. Mỹ từng
treo thưởng hậu hĩnh cho ai lấy được đầu của Ba Bay.
Người em thứ 5 là Võ Văn
Nhàn cũng tham gia du kích khi chỉ mới hơn 10 tuổi. Hai liệt sĩ sau này cũng
lần lượt hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy vậy, khi còn hoạt động trong
lòng địch nếu vô tình gặp nhau ngoài đường cũng chỉ làm ngơ.
"Gặp nhau cũng không
ai nhìn ai hay chào hỏi, mọi người cứ như xa lạ. Việc của ai thì cứ âm thầm
làm. Tận dụng mọi lúc an toàn. Phải can đảm mới dám vận chuyển vũ khí, lương
thực và nuôi giấu cán bộ", mẹ Võ Thị Tuội tâm sự.
Năm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa
Bình đã đến thăm và tặng quà mẹ nhân ngày 27/7 (Ảnh: Hữu Khoa).
Những người hoạt động cách
mạng đều chấp nhận thương đau và hy sinh mất mát. Tất cả đều chung chí hướng để
cách mạng thành công, đất nước được hoàn toàn tự do độc lập. Lúc đó, tình yêu
Tổ quốc là trên hết, là thiêng liêng nhất.
"Dù sao đi nữa cũng
tuyệt đối không để lộ thân phận, không được để lộ thông tin. Nếu lộ thông tin
không những mình chết mà còn ảnh hưởng đến cách mạng. Người chiến sĩ phải xác
định có khi phải đánh đổi mạng sống để bảo vệ thân phận, bảo vệ thông
tin", mẹ Võ Thị Tuội nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi ân
cần thăm hỏi mẹ nhân ngày Thương binh, Liệt sĩ (Ảnh: Hữu Khoa).
Mẹ cũng muốn gửi gắm đến
thế hệ trẻ, hãy luôn biết yêu quý hòa bình vì để có được hòa bình phải đánh đổi
bằng rất nhiều xương máu và nước mắt của các thế hệ cha anh. Mẹ cũng luôn răn
dạy con cháu phải biết trân trọng những anh hùng đã ngã xuống và xem họ như là
những tấm gương sáng về tình yêu quê hương, đất nước.
Mẹ mong thế hệ trẻ luôn tràn đầy tình yêu quê
hương đất nước.
Vùng Bưng Sáu Xã là địa bàn
thuộc 6 xã ở huyện Thủ Đức xưa gồm: Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn
Phú, Bình Trưng, An Phú. Nơi đây được xây dựng là vùng kháng chiến từ thời
chống Pháp nên có nhiều căn cứ địa cách mạng quan trọng để nối với các quận
huyện vùng ven.
Từ đây, lực lượng ta có thể
bất ngờ tiến công vào trung tâm đầu não địch, tiêu diệt kẻ thù khi được lệnh và
thời cơ đến. Do vậy, nơi đây cũng đã chứng kiến biết bao cuộc chiến ác liệt
giữa quân dân ta với đế quốc Pháp và Mỹ.
Đặc biệt, đây cũng là nơi
xuất phát của lực lượng vũ trang tiến công vào thành phố Sài Gòn trong cuộc
tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968 và cuộc chiến thống nhất dân tộc
30/4/1975.
Ngày 10/10/2008 Ủy ban nhân
dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định số 4303/QĐ-UBND công nhận Căn cứ
Vùng bưng 6 xã là Di tích lịch sử./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét