Chiều 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình).
Sẽ xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh một số kết quả quan trọng sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình như: Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu được giao; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm - gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu rõ một số điểm mới của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể là, sẽ xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), trong đó tập trung chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nội dung trọng tâm của Chương trình tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời nâng cao năng lực của cộng đồng, thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn…
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi.
Bố trí hàng chục nghìn tỷ đồng thực hiện nông thôn mới
Về cơ cấu nguồn vốn, khả năng huy động vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của đa số thành viên Chính phủ, bố trí đủ kinh phí theo đề nghị cho Chương trình là 51.500 tỷ đồng để bảo đảm thực hiện toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nội dung của Chương trình, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn. Trước mắt cân đối nguồn lực bố trí 39.632 tỷ đồng, trong quá trình điều hành, tùy tình hình thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị lựa chọn phương án tổng mức vốn cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng, vì cho rằng giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, lựa chọn này phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Giảm nghèo theo đối tượng chứ không phải theo địa bàn
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là ở đâu có địa bàn nông thôn thì phải nâng tầm lên, không phân biệt chỗ nào. Chỗ tốt thì hoàn thành sau đó nâng cao, kiểu mẫu; chỗ chưa tốt làm thôn, bản, dần dần mở rộng ra. Tương tự về giảm nghèo thì ở đâu nghèo là làm ở đó.
“Nếu giảm nghèo chỉ có bãi ngang, ven biển… thì chưa đúng lắm, người nghèo ở khu vực thành thị và khu vực khác đưa vào đâu? Giảm nghèo theo đối tượng chứ không phải theo địa bàn, ở đâu có nghèo thì mới giảm nghèo”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Ở góc độ văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu lên hiện tượng "bê tông hóa" nông thôn mà chưa quan tâm đúng mức về bảo tồn, gìn giữ văn hóa làng xã, bởi lẽ “những ao làng, đình làng, lũy tre không có tội gì, giữ được mà biết làm còn đẹp hơn!”. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề xuất cần có chuyên đề riêng, định hướng trong Chương trình để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.
Đồng quan điểm cho rằng, đô thị hóa cũng có hai mặt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh quan điểm xây dựng nông thôn mới là “tạo cốt” nhưng phải giữ được “hồn”, bản sắc văn hóa nông thôn và Chương trình lần này có điểm mới là nhấn mạnh truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét