Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch Covid-19 thứ 4 với biến thể Delta của
virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh và rộng. Tiêm vaccine là một cơ hội
để phòng bệnh Covid-19 cho mỗi người và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Bộ Y tế đã và đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine để bảo đảm
từ nay đến cuối năm 2021 sẽ tiêm đủ 70% dân số Việt Nam nhằm tạo miễn dịch cộng
đồng. Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 5 loại vaccine Covid-19,
bao gồm: Comirnaty của Pfizer, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik V của Gamaleya,
Vero-Cell của Sinopharm và Moderna cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch
Covid-19. Việt Nam đang tiêm vaccine AstraZeneca và đến hiện tại, vaccine này
đã được chứng minh trên thực tiễn khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị
bệnh nặng hay tử vong. Mới nhất, hơn 97.000 liều vaccine Comirnaty của Pfizer
và hơn 2 triệu liều vaccine Moderna đã về Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, không
ít người có tư tưởng trì hoãn để chờ được tiêm vaccine phòng Covid-19 mà họ cho
là tốt hơn. Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa vùng 1 khu vực
miền Bắc (Hệ thống tiêm chủng-VNVC), cho rằng: “Vaccine có tác dụng phòng
Covid-19 rất hữu hiệu và trong trường hợp có mắc bệnh nhưng khi có kháng thể
thì bệnh sẽ ở thể nhẹ, tránh được nguy cơ phải nhập viện, tử vong”..
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine trước khi đưa vào
sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn.
Những loại vaccine khác mà Bộ Y tế đã đặt mua, trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp
tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên
tắc bảo đảm 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo
vệ. Do đó, PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự
kiện y tế công cộng Việt Nam, đã đưa ra lời khuyên, tiêm vaccine là một cơ hội
để chủ động phòng bệnh cho chính mình và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
"Nếu như chúng ta sợ tác dụng phụ của vaccine này, rồi chờ đợi một loại
vaccine khác để tiêm chính là một rủi ro lớn nhất. Tiêm vaccine phòng Covid-19
là cơ hội, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm", PGS, TS Trần Đắc Phu nói.
Các chuyên gia dịch tễ cũng đã giải thích, phản ứng sau tiêm là một phần
của tiêm chủng bởi đó là cơ chế do cơ thể đáp ứng lại khi gặp đối tượng lạ mà
cũng nhờ đó người tiêm có được miễn dịch. Để tránh những rủi ro sau khi tiêm, tại
khu vực tiêm luôn có đội cấp cứu đủ kỹ năng chống sốc phản vệ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, tốt nhất là người dân nên tiêm phòng sớm để
tránh nguy cơ mắc Covid-19, giảm sự lây nhiễm cho những người dễ tổn thương
trong cộng đồng và giảm đáng kể các triệu chứng nghiêm trọng. Càng nhiều người
được tiêm vaccine, cộng đồng càng được miễn dịch tốt hơn, đẩy nhanh việc kiềm
chế sự lây lan của dịch Covid-19./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét