Bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong một thời gian dài, từ năm 1965 đến năm 1969, là một bản tổng kết sâu sắc, toàn diện kinh nghiệm, quá trình chỉ đạo cách mạng, những trải nghiệm, đường hướng phát triển tương lai của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi và thân thiết của Bác đã viết về những trăn trở đầy tâm huyết, sự cẩn trọng, cân nhắc đầy trách nhiệm của người cộng sản, vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh khi soạn thảo “Tài liệu tuyệt đối bí mật” này: “Lúc gần tuổi “cổ lai hy”, thì phải nghĩ tới những gì cần căn dặn lại những người sẽ kế tục sự nghiệp của mình. Chắc rằng Bác Hồ của chúng ta đã suy nghĩ rất nhiều về việc này. Bác đã đi thăm Côn Sơn, đây là một cuộc hành hương đến nơi ở cuối cùng của Nguyễn Trãi. Lúc bắt tay vào công việc cực kỳ trọng yếu này, Bác đã trải qua bao nhiêu trăn trở, ôn lại cuộc đời gắn với vận mệnh của dân, của nước, đầy sóng gió nhưng cũng đầy thắng lợi, đồng thời nhìn về tương lai với lòng tin sâu sắc vào những thế hệ sắp tới”.
Như bài viết “Di chúc của đồng chí Hồ Chí Minh” ký tên Người quan sát đăng trên tạp chí Thời mới, số 38, ra ngày 24-9-1969 đã nhận định: “Sức mạnh của những người cộng sản là ở chỗ họ nhìn thấy được những sự kiện trong một tương lai lịch sử rộng lớn. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định điều đó. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn, đó là một điều chắc chắn”. Trong nội dung cốt lõi của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo, đã nhìn thấy trước và đề cập đến những công việc cần thiết phải thực hiện để xây dựng lại một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai: Chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân…
Không chỉ trong lời nói, câu viết, Bác luôn quan tâm, gần gũi nhân dân bằng những hành động cụ thể thiết thực. Trong Di chúc, Bác đặc biệt quan tâm đến con người và những “công việc với con người”.
Trước hết, thể hiện khát vọng và niềm tin tất thắng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, Bác “có ý định đến ngày đó” sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước, và thay mặt nhân dân Việt Nam “đi thăm và cảm ơn” bè bạn quốc tế đã “tận tình ủng hộ và giúp đỡ” cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Bác chỉ rõ Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân lao động ở miền núi cũng như miền xuôi; và đề cập đến từng đối tượng cụ thể, đó là những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; những liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ; những chiến sĩ trẻ, phụ nữ, thanh niên xung phong…
Di chúc ngời sáng tư tưởng yêu thương con người, được Bác nêu lên và vận động mọi người cùng thực hiện suốt cả cuộc đời. Đồng thời, cũng nêu một tấm gương về phép xử thế rất nhân văn của nhà văn hóa lớn, của vị lãnh tụ tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân, không một chút riêng tư./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét