Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

ĐẤU TRANH CHỐNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA

 Thời gian qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên sử dụng nhiều chiêu bài thâm độc hòng xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta... Vì vậy, cần nhận diện các thủ đoạn, chiêu bài của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị để phản bác, đấu tranh hiệu quả.

Với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong đó có Việt Tân đã đưa ra những luận điệu sai trái; thậm chí trơ trẽn đánh tráo khái niệm, tốt vẫn nói xấu, có khuyết điểm thì bới móc, thổi phồng, làm lệch lạc bản chất vấn đề hòng xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Đầu tiên chúng ta thấy rằng bản chất của tham nhũng bắt nguồn từ lòng tham con người, lòng tham chính là “hạt giống” tồn tại với tư cách là một thuộc tính cố hữu của con người, trong điều kiện thích hợp có thể “sinh sôi nảy nở”, phát triển thành các biểu hiện cụ thể của hành vi tham nhũng. Nguyên nhân của các hành vi tham nhũng là do người cán bộ thiếu đạo đức cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời quần chúng. Như vậy, có thể thấy chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là nguyên nhân căn cơ để tình trạng tham nhũng, tiêu cực phát sinh, phát triển.

Thứ hai, Đảng ta xác định “Đoàn kết, thống nhất trong Đảng” là một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng. Điều này bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng thời đây là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trên cơ sở điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Trong từng thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng ta luôn nhất quán xây dựng và không ngừng củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xem đây là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.

Thứ ba, phải khẳng định rằng, những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần làm cho nước ta ngày càng phát triển. Điều đó đã được chứng minh rõ nhất bằng hiệu quả của việc phòng, chống tham nhũng từ sau khi Chính phủ ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59 ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 130 ngày 30/10/2020 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị... Nhờ đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà nhiều sai phạm của không ít cán bộ, đảng viên đã được xử lý, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực phức tạp được giải quyết, tháo gỡ những “điểm nghẽn” như: đại án Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát,…

Do đó, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua là không đúng sự thật. Qua lăng kính đánh giá của các đối tượng xấu, chúng đã tô vẽ, biến tướng, gây nhiễu loạn dư luận, kích động sự hoài nghi, hoang mang, dao động trong xã hội, dần dần làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân là các chủ thể thống nhất với nhau về mục tiêu và lợi ích, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục đem lại những hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét