Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

CẤP SỐ NHÂN TRONG THẢM HỌA

 

Trong bối cảnh thiên tai như đợt bão lũ vừa qua, hệ lụy của những tin giả cấp thấp mang công thức quen thuộc như trên trở nên đáng lo ngại gấp nhiều lần, dù không phải lúc nào cũng được phát tán chủ động và mang mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, không quên thời điểm căng thẳng nhất trong đợt bão lũ khi mực nước trong hồ quá mức báo động 1 vào đêm rạng sáng 10/9. “Đó là lúc chúng tôi phải đưa ra những quyết định để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đối với Thủy điện Thác Bà. Cũng lúc này, mạng xã hội xuất hiện những tin đồn về việc vỡ đập Thác Bà, gây hoang mang trong dư luận và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều này khiến chúng tôi vừa phải ứng phó với tình huống khẩn cấp, vừa phải kết nối tới các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, truyền thông để đính chính tin đồn thất thiệt, rất vất vả”, ông nhớ lại.

Khác với câu chuyện lừa đảo cá nhân thuần túy, những tin đồn thất thiệt diễn ra trong thời gian bão lũ quá khó để kiểm chứng, đặc biệt với những người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tại những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão Yagi như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Hải Phòng, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn... thông tin trở thành mặt hàng xa xỉ khi phần lớn trạm phát sóng gãy đổ, khiến người dân rơi vào "vùng trắng".

Bất kỳ thông tin nào xuất hiện trong thời điểm ấy đều có thể tạo ra những hệ lụy khó lường, nhất là với những người khao khát được biết những gì đang xảy đến với gia đình mình.

Theo báo Chính phủ, nhiều tài khoản tung tin giả vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê Sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang, đã bị phát hiện và xử phạt. Làm sai phải chịu trách nhiệm, nhưng điểm đáng bàn nhất: Động cơ của những người phát động tin giả không phải tiền. Thứ họ cần chỉ là sự chú ý, nói đơn giản là những lượt “thích”, “thả tim” và “chia sẻ” trên các nền tảng mạng xã hội. Rất phù phiếm, nhưng lại khiến cả cộng đồng xáo động, và không ít người "chết đi sống lại" bởi lo lắng cho thân nhân.

Dĩ nhiên, kẻ gian cũng không bỏ lỡ cơ hội để phát tán tin giả nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của nhóm này khá đơn giản như lập fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện kêu gọi chuyển khoản tiền ủng hộ người dân vùng lũ, nhắn tin điện thoại ủng hộ theo cú pháp hoặc nhắn tin mua hàng cứu trợ... Trên mạng xã hội trong thời gian này, có nạn nhân (đề nghị được giấu tên) thừa nhận đã chuyển 140 triệu đồng cho người lạ để mua 7.000 áo phao chuyển lên Tuyên Quang. Ngay sau khi chuyển tiền, số điện thoại ấy đã không thể liên lạc được.

Chỉ vài giờ sau khi bão Yagi đổ bộ gây thiệt hại lớn tại Quảng Ninh và Hải Phòng, tin đồn về nhắn tin để có lưu lượng internet miễn phí của Viettel lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bất chấp việc Cổng thông tin chính phủ và chính Tổng công ty Viễn thông Viettel Telecom xác nhận đây là tin giả, nhưng thời gian từ lúc tin bị phát tán đến lúc đính chính vẫn là quá đủ để kẻ gian trục lợi thành công.

Vẫn là đánh vào cảm xúc và ra tay đúng thời điểm, khi cả nước oằn mình chống bão, và vẫn vô cùng thô sơ như thế, nhưng cheapfake cũng vẫn luôn có "đất dụng võ". Vậy thì, chẳng lời cảnh báo nào là thừa, và mọi sự lơ là đều có thể làm sâu thêm những vết thương.

Cố gắng bình tĩnh để kiểm chứng thông tin, đặc biệt là đối chiếu với các nguồn thông tin chính thống, là điều tuyệt đối nên làm. Hơn thế, việc áp dụng những chế tài nghiêm khắc hơn nữa, giàu tính răn đe hơn nữa từ pháp luật, nhằm xây dựng ý thức tự giác chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình trên môi trường mạng, cũng là điều vô cùng cần thiết, từ phía Nhà nước.

Xã hội luôn trân trọng những trái tim nhiệt huyết. Song, điều ấy cần phải đi kèm lý trí, kiến thức, tư duy...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét