Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Phát triển bền vững trở thành mục tiêu, yêu cầu chung của nhân loại. Tháng 9 năm 2015, đại biểu 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (2000-2015), đã thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2030, xác định các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals-SDG) nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh, hòa bình và thịnh vượng cho người dân trên toàn cầu.

Trước tất yếu khách quan và tính chất không thể đảo ngược của toàn cầu hóa, quốc tế hóa, khu vực hóa, các quốc gia, dân tộc ngày nay đều thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, từng bước nhất thể hóa hàng loạt các lĩnh vực của đời sống quốc gia theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Nội dung mục tiêu phát triển bền vững là: Một nền kinh tế có hiệu quả, tiêu thụ ngày càng ít nguyên nhiên vật liệu, vốn và lao động nhưng vẫn sản xuất ra sản lượng, sản phẩm ngày càng cao; một xã hội ổn định và ngày càng công bằng, không chấp nhận mô hình phát triển loại trừ nhau; một hệ sinh thái vững chắc, lành mạnh, bảo đảm cuộc sống cho cả loài người hôm nay và mai sau.

Phát triển bền vững đặt ra yêu cầu cho tất cả các chính phủ phải quán triệt thường xuyên, sâu rộng hơn nữa tư duy biện chứng, tư duy hệ thống trong thiết kế chính sách và thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mình.

Bất kỳ sự tuyệt đối hóa mặt nào đều có nghĩa là xem nhẹ, thậm chí bỏ qua các lĩnh vực khác, gây ra sự phiến diện, méo mó của bản thân quá trình phát triển, đẩy xã hội vào thoái bộ nghiêm trọng toàn diện.

Phát triển bền vững biến thế giới ngày nay thành hệ sinh thái duy nhất, không cho phép bất cứ quốc gia nào tách biệt phát triển quốc nội với phát triển toàn cầu; ngược lại, cần đặt mình vào vị trí là bộ phận không thể tách rời trong toàn hệ thống, tiến cùng thời đại.

Chủ nghĩa tư bản toàn cầu điều chỉnh, thích nghi, còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng có nhiều hạn chế không thể vượt qua. Được cấu thành bởi tư bản xuyên quốc gia, quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia và giai cấp tư sản toàn cầu, chủ nghĩa tư bản toàn cầu là sản phẩm của thế giới toàn cầu hóa, sự ra đời của các lực lượng sản xuất có trình độ xã hội hóa ở quy mô toàn cầu và sự bành trướng của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.

Thời kỳ phát triển mới đã đem lại cho chủ nghĩa tư bản không ít thành công, sức mạnh và vị thế từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 đến nay. Mặt khác, phiên bản “chủ nghĩa tư bản toàn cầu” lại làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn nội tại trong lòng chủ nghĩa tư bản, mà trong suốt trên dưới 300 năm qua vẫn là những hạn chế lịch sử không thể vượt qua.

Hội thảo quốc tế Vì sự cân bằng của thế giới do Đảng Cộng sản Cuba tổ chức từ năm 2003, đến tháng 1 năm 2023 là Hội thảo lần thứ VI, là diễn đàn đa chiều, đa nguyên thảo luận về các chủ đề nóng hổi của thế giới đương đại từ bất công xã hội, bạo lực, đồng hóa văn hóa… đến nguy cơ chiến tranh, nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới…

Thực tiễn đấu tranh của phong trào nhân dân trên thế giới cho thấy phân hóa giàu nghèo, phân cực giữa tư bản và lao động vẫn là nghịch lý lớn nhất trong bức tranh phát triển của nhân loại hiện nay; bởi vậy, chiến đấu chống đói nghèo, thiết lập công bằng xã hội tiếp tục là mục tiêu nóng bỏng trước mắt và cơ bản lâu dài của quá trình đi tới tiến bộ xã hội, tiến bộ lịch sử.

Chủ nghĩa tư bản, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng không là tương lai của nhân loại. Thực tiễn này cũng đặt ra yêu cầu vô sản ở mỗi nước phải biết đặt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước mình vào cuộc đấu tranh nhân dân rộng lớn, vì những mục tiêu cao cả của thời đại.

Các quốc gia xã hội chủ nghĩa đẩy mạnh cải cách, đổi mới, cập nhật hóa. Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa năm 1978; Việt Nam, Lào khởi xướng đổi mới năm 1986; Cuba bắt đầu cập nhật hóa mô hình kinh tế-xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa năm 2011… Nhờ cải cách, đổi mới thành công, phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã vượt qua thử thách lịch sử (Liên Xô tan rã năm 1991), trụ vững và phát triển.

Nếu như từ năm 1917, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã chấm dứt thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản, vẽ lại bản đồ thế giới với sự cùng tồn tại giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, thì chủ nghĩa xã hội trong cải cách, đổi mới, cập nhật hóa hiện nay đang mở ra con đường mới đi tới tiến bộ xã hội: Con đường của giải phóng và phát triển.

Giải phóng dân tộc khỏi mọi hình thức nô dịch, thống trị; giải phóng giai cấp để không còn chế độ bóc lột lao động; giải phóng xã hội để tiến tới bình đẳng, công bằng xã hội; giải phóng lao động để lao động không bị tha hóa và không làm tha hóa con người; giải phóng con người để đưa con người từ “vương quốc của tất yếu” đến “vương quốc của tự do”.

Phát triển để mang lại phồn vinh, thịnh vượng, giàu mạnh cho nhân dân và đất nước, tạo điều kiện, tiền đề cho mỗi con người đều được phát triển toàn diện. Sức mạnh của con đường này bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội trở thành một trong những chủ thể định hình thế giới đương đại.

Gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, phát triển đất nước phù hợp với xu thế thời đại, kết hợp nội lực với ngoại lực… luôn là bài học kinh nghiệm quý báu và quy luật vận động của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đất nước cần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ to lớn, nặng nề, trong đó lớn nhất là phải trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Môi trường bên ngoài, bối cảnh thế giới, nhất là những chuyển động mang tính thời đại tiếp tục tác động đến từng bước đi và toàn bộ con đường của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét