Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

KHÔNG ĐỦ KIẾN THỨC VÀ BẢN LĨNH, NGƯỜI TRẺ SẼ BỊ MẠNG XÃ HỘI "NHẤN CHÌM"

 

Trên không gian mạng xã hội, nhìn chung, giới trẻ đang có nhiều hoạt động tích cực như bày tỏ tình yêu đất nước, tham gia các hoạt động cộng đồng và chia sẻ về những vấn đề cuộc sống... Tuy nhiên, đôi khi vẫn xuất hiện những hành vi thiếu chuẩn mực. Những hành vi này cần được góp ý, phê bình một cách phù hợp, không nên đẩy vấn đề đi xa bằng cách quy chụp hay suy diễn quá mức. Người trẻ cần được gia đình, nhà trường giáo dục và định hướng thay vì nhận lại sự chỉ trích nặng nề của cộng đồng.

Nhân lên những xu hướng tích cực

Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ. Không chỉ là nơi để chia sẻ thông tin và kết nối bạn bè, mạng xã hội còn trở thành một công cụ mạnh mẽ để giới trẻ thể hiện lòng yêu nước qua những hình ảnh, video và các trào lưu mang đậm tính biểu tượng.

Những nền tảng như Facebook, TikTok đã trở thành nơi mà nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn để bày tỏ tình yêu với đất nước. Thời điểm mừng Lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, thông qua các “trend” (xu hướng) như “Chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc” hay “Cờ Tổ quốc ở trong mắt - Tổ quốc ở trong tim”, giới trẻ không chỉ thể hiện lòng tự hào dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước trong cộng đồng mạng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người xem.

Ngoài các trào lưu này, việc biến mái nhà thành hình ảnh của lá cờ Tổ quốc cũng đã thu hút sự tham gia của nhiều người trẻ. Trên TikTok, họ còn thể hiện lòng yêu nước thông qua các video biến hình dựa trên nền bài hát “Khát vọng tuổi trẻ,” tái hiện hình ảnh những anh hùng dân tộc, những người đã hy sinh vì độc lập và hòa bình của đất nước. Những video này không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn là một cách để giới trẻ tri ân công lao của thế hệ đi trước.

Tự do sáng tạo nhưng cần chuẩn mực

Có thể thấy rõ một ví dụ cần rút kinh nghiệm trong những trend về ngày kỷ niệm 79 năm Quốc khánh vừa qua, đó là mặt trái của câu chuyện vẽ lá cờ Tổ quốc trên mái nhà. Sẽ không có gì là xấu khi trào lưu biến mái nhà thành lá cờ Tổ quốc của một TikToker ở Vĩnh Phúc được lan rộng ra toàn quốc, sau đó có nhiều biến tấu. Ban đầu, người dân sử dụng mái tôn đỏ có sẵn trên mái nhà, đo đạc và vẽ hình ngôi sao, sau đó sơn màu vàng để hoàn thiện ngôi sao trên nền tôn đỏ, tạo nên hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Với những mái nhà không có tôn đỏ, người dân vẽ toàn bộ nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh lên mái nhà. Nhiều người thậm chí còn vẽ cờ lên mái ngói, cửa cuốn. Hàng trăm video, hình ảnh về lá cờ Tổ quốc liên tục được đăng tải lên mạng xã hội, có những video thu về hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác. Tuy nhiên, trào lưu này đã nhanh chóng nhận về những chỉ trích về việc vẽ lá cờ không đúng kích thước và vẽ ở những vị trí không phù hợp. Vì vậy, nhiều tài khoản mạng xã hội, đa số là những người trẻ đã phải xin lỗi và có hành động sơn sửa kịp thời.

Nhìn từ câu chuyện của trào lưu trên, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc thể hiện lòng yêu nước trên mạng xã hội, ngoài việc phải xuất phát từ niềm tự hào đích thực, cũng cần được hướng dẫn để không vô tình dẫn đến những cách hiểu sai, sử dụng không đúng cách hoặc thiếu tôn trọng những nhân vật, biểu tượng quốc gia

“Điều hết sức quan trọng là phải chỉ cho họ thấy được tính hai mặt của mạng xã hội, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thái quá. Chỉ dẫn cho họ biết cách ứng xử và khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu độc, mời gọi, khiêu khích, lôi kéo… đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cho người trẻ, làm cho họ biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Các thông tin tung lên mạng phải đúng với quy định của pháp luật, của đơn vị, địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội; phải hết sức thận trọng khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của cá nhân và các hoạt động của đơn vị, nhất là các cơ quan nhà nước, những nhà chức trách đang thực thi công vụ lên các trang mạng xã hội”, bà Thúy nêu quan điểm.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét