Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

KỶ NIỆM 70 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ: HÀ NỘI TRONG TRÁI TIM TÔI!

         "Hà Nội ơi nhớ về mùa thu tháng mười. Áo học trò xanh những hàng me. Hà Nội ơi, ta nhớ không quên. Hà Nội ơi, trong trái tim ta…”. Không biết tự bao giờ, những giai điệu về Hà Nội cứ thao thiết trong lòng tôi như thế - một người con sống ở vùng đất núi Ngự, sông Hương (xứ Huế)!

Từ khi còn là cậu học trò trường làng, dù chưa một lần đặt chân đến, tôi vẫn mến và yêu vô cùng Hà Nội qua những trang sách, qua những ca từ, điệu nhạc. Dẫu chưa hiểu nhiều, biết nhiều về Hà Nội, nhưng với tôi, đó là vùng đất thiêng, chốn hào hoa, lịch lãm. Năm lớp 11, đọc truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam, tôi tìm thấy bóng dáng mình trong nhân vật Liên và An. Nơi phố huyện tăm tối với cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu, hai đứa trẻ đêm đêm ngồi đợi tàu chạy từ Hà Nội về. Cũng như Liên, tôi mơ tưởng và khát khao đến cháy lòng được một lần “chạm” đến vùng đất "trong mơ" của mình.

Rồi tình yêu Hà Nội được bồi đắp, lớn dần khi tôi rời miền quê vào thành phố học đại học. Hạnh phúc biết bao khi vào thư viện Trường Đại học Sư phạm Huế tôi tìm kiếm trong thư mục và mượn đọc say sưa tất cả các tác phẩm viết về Hà Nội mà thư viện có. Đọc "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam mà thèm được một lần thưởng thức các món ngon trên đất Hà thành.

Dù chỉ mới được thưởng thức món ngon Hà Nội qua những dòng văn như thế này mà đã xuýt xoa: “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì ở Hà Nội mới ngon. Đó là quà tất cả suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa, và ăn phở tối. Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: Phố Ga, phố Hàng Cót, phố Ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc...

Bây giờ nhiều tài năng trẻ trong nghề phở mới nhóm lên và trái lại, những danh vọng cũ trên kia không chắc còn giữ được "hương vị xứng kỳ danh" nữa. Có người nào thứ chịu khó đi khảo nếm lại một lượt xem sao? Một vòng quanh Hà Nội bằng vị phở, chắc có lắm điều mặn, chát, chua, cay đấy”.

Đọc "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân hiểu và yêu hơn những nét văn hóa thanh cao, tao nhã của con người ở vùng đất ngàn năm văn hiến. Nghe Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thúy hát "Vào Lăng viếng Bác" (thơ: Viễn Phương; nhạc: Hoàng Hiệp) mà khát khao được một lần ra Hà Nội, để vào Lăng viếng Bác. Nghe ca sĩ Trọng Tấn hát "Hà Nội, linh thiêng hào hoa" hay "Người Hà Nội" mà da diết tâm can.

Những năm 90 của thế kỷ trước, lang thang các quầy bán băng cassette, tôi phải tìm mua cho được các băng đĩa của ca sĩ Ngọc Tân hát về Hà Nội. Yêu lắm tiếng hát ngọt ngào da diết của anh: “Những ngày tôi lang thang/Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội/ Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi/ Mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi/ Tuổi thơ đã đi qua không trở lại/ Cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi/ Hà Nội ơi, Hà Nội ơi…”.

Là người con xứ Huế, nhưng tình yêu mà tôi dành cho mùa thu Hà Nội như tình yêu của tôi với tiếng dạ, tiếng thưa nhẹ nhàng hay cơn mưa Huế rơi mãi không thôi của quê hương mình. Tôi cảm nhận và đắm say mùa thu Hà Nội qua những bức tranh, những thước phim và qua những ca khúc nồng nàn. "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ"… Bén duyên, thì thầm với Hà Nội qua suối thơ, qua ca khúc, qua những trang văn của những người gắn bó nặng sâu với nơi này… tôi ôm niềm hy vọng rồi một ngày mình sẽ đặt chân đến vùng đất yêu kiều này. Chỉ mới nghĩ thế thôi mà trái tim tôi đã thấy ngập tràn niềm hạnh phúc.

Năm 1994, Trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức cho sinh viên khóa tôi đi thực tế ở Thủ đô, tôi háo hức đợi chờ. Vậy mà, éo le thay, đêm trước ngày lên đường, tôi bị cảm sốt nặng, nằm miên man ở ký túc xá. Thế là ước mơ được một lần đặt chân đến vùng đất kinh kỳ tưởng sắp thành hiện thực đã bị tuột mất. Trở về từ Hà Nội sau chuyến thực tế 7 ngày, các bạn tôi ríu rít kể về Hà Nội, về những con phố, hàng cây, về Hồ Gươm trong xanh, về người Hà Nội ăn mặc như thế nào, nói năng ra sao…

Từ những lời kể của đám bạn tôi lại càng mến yêu hơn Thủ đô văn hiến. Tôi yêu giọng nói vừa ấm, vừa sang trọng của người Hà Nội từ rất lâu rồi. Nhà tôi có cái radio màu đỏ, mỗi lần ba tôi bật lên là tôi lại chăm chú lắng nghe phát thanh viên nam, nữ đọc giới thiệu: "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Nghe gần gũi, thân thương và có sức lôi cuốn diệu kỳ. Đến thời ti vi đen trắng, tôi lại mê giọng đọc mê hoặc lòng người của chú Minh Trí hay của cô Kim Tiến. Họ trở thành thần tượng của thế hệ khán giả truyền hình chúng tôi.

Đến nay, khi đã trở thành người thầy đứng trên bục giảng gần 30 năm, tôi đã có may mắn được ra Hà Nội 3 lần. Không thể diễn tả hết cung bậc cảm xúc lần đầu đặt chân đến Hà Nội. Được vào Lăng viếng Bác, thăm biểu tượng Khuê Văn Các ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bảo tàng Chiến thắng B-52, dạo quanh Hồ Gươm, thăm phố phường, rồi được thưởng thức những đồ ăn, thức uống ngay trong khu phố cũ của người Hà Nội... Lần thứ hai, rồi lần thứ ba ra Thủ đô, tôi vẫn cứ vẹn nguyên cảm xúc đong đầy say mê ấy, cảm giác như lần đầu đặt chân đến mảnh đất Kinh kỳ này.

Nhất định rồi, lòng đã dặn, một ngày không xa, Hà Nội ơi, tôi sẽ trở về!
Theo: QĐND.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét