Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI QUỐC PHÒNG VIỆT NAM


Đối ngoại quốc phòng là một bộ phận của đối ngoại quốc gia, góp phần quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng và phát triển đất nước. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động lại đang ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá quyết liệt đối với công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Đây là âm mưu thâm độc, trực tiếp chống phá nhằm nhằm vào Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng nguy hiểm hơn bởi đó là thủ đoạn tinh vi, xảo trá của lực lượng phản cách mạng nhằm chống phá quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới. Do vậy, nếu không nhận diện thấu đáo, đấu tranh kịp thời sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, nguy hại hơn là ảnh hưởng tới vai trò, vị thế và sự tồn vong của Đảng ta.

Cần nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam

Thực tiễn đã cho thấy, nhờ đối ngoại quốc phòng khôn khéo, linh hoạt mà Việt Nam đã huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc tế để đánh đuổi  thù, giành lấy độc lập, đưa đất nước phát triển ngày càng vững mạnh. Không những thế, trong nhiều trường hợp, việc thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng đã ngăn ngừa không để xảy ra xung đột, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Điểm qua những thành tựu trong công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam có thể thấy rất nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công tác đối ngoại quốc phòng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong liên minh chiến đấu với Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Cùng với đó, đối ngoại quốc phòng cũng trở thành kênh quan trọng để vận động, tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước bạn bè trên thế giới, từ vũ khí trang bị, khí tài, hậu cần, quân y... đến cử cán bộ sang các nước học tập kinh nghiệm chiến đấu tại các nước. Đây là nhân tố quan trọng, góp phần không nhỏ giúp Việt Nam nhanh chóng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập và tự do.

Sau khi nước nhà thống nhất, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhất là từ khi Đảng ta đề ra công cuộc đổi mới từ năm 1986, với đường lối đối ngoại mở rộng, hợp tác quốc phòng cũng được mở rộng quan hệ với nhiều nước. Đối ngoại quốc phòng tiếp tục là kênh ngoại giao quan trọng, góp phần cùng ngoại giao Nhà nước phá thế bao vây, cấm vận, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại quốc phòng được triển khai “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”, đạt được những thành tựu quan trọng, đưa hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng tiếp tục được mở rộng và phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành nội dung quan trọng trong đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có đủ 05 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả nước lớn với nhiều lĩnh vực, cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả.

Ở đây, xin được trích dẫn hai trường hợp để thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính hiệu quả của công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Đầu tiên là trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, công tác đối ngoại quốc phòng đã kiên định, bám sát định hướng của Đảng, đó là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trên thực địa, Quân đội ta đã đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý khôn khéo, kiềm chế hành động phức tạp của các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, vừa bảo đảm tối đa được quyền và lợi ích của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Tiếp đó, việc Việt Nam cử lực lượng tham gia tích cực tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc những năm gần đây đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính hiệu quả, tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam trong việc kiến tạo môi trường hòa bình quốc tế. Tại các quốc gia nghèo đói, vẫn còn xảy ra chiến tranh, xung đột, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, với nhiệm vụ mới của những “chiến sĩ mũ nồi xanh” đã thể hiện ý chí, bản lĩnh, vẻ đẹp cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, được người dân nước sở tại yêu quý, đồng thời qua đó cũng truyền tải đi thông điệp yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam, theo đó mà hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được tăng lên.

Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay, đối ngoại quốc phòng đã góp phần không nhỏ trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Cần nhận diện thấu đáo và cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá công tác đối ngoại quốc phòng

Công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của đối ngoại quốc gia, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2022, các thế lực thù địch, phản động, chống phá cách mạng Việt Nam lại đang ráo riết tìm mọi thủ đoạn gian trá, cố tình phủ nhận vai trò, tầm quan trọng cũng như những thành tựu trong công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam, rắp tâm xuyên tạc, bịa đặt nhằm chống phá quyết liệt quan hệ hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước.

Trong vài năm gần đây, các thế lực thù dịch, phản động đang tập trung chĩa “mũi dùi” chống phá đối với Quân đội và Công an. Chúng cho rằng, việc tấn công vào công cụ bạo lực sắc bén của Đảng Cộng sản Việt Nam là cách nhanh nhất để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, từ đó dễ bề hướng lái con đường phát triển của Việt Nam theo ý đồ của chúng. Để chống phá Quân đội ta, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn “mềm, ngầm, hiểm, sâu”, nhưng có lúc trắng trợn, trực diện trên nhiều phương diện. Trong đó, các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội, chống đối chính trị xác định công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam là một trong những “mặt trận” chủ yếu, cần tập trung chống phá trong bối cảnh hiện nay.

Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng của Quân đội, lực lượng tung tin, xuyên tạc, với luận điệu chống phá nhằm vào Quân đội nói chung, chống phá công tác đối ngoại quốc phòng nói riêng rất đa dạng, nhiều thành phần, nhiều lực lượng khác nhau. Chúng là các phần tử bất mãn, cơ hội, chống đối chính trị, các phần tử phản cách mạng ở cả trong và ngoài nước. Nguy hiểm hơn, lực lượng chống phá còn tìm cách móc nối, lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin ở nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả những quân nhân thiếu ý chí rèn luyện, bản lĩnh chính trị không vững vàng cũng trở thành “miếng mồi” để chúng tìm cách lôi kéo, dụ dỗ... Lực lượng chống phá chủ yếu lợi dụng không gian mạng để tạo dựng “diễn đàn”, tung tin, tạo dư luận chống phá. Điển hình là chúng lợi dụng các trang mạng phản động của phương Tây (BBC, VOA, RFA...), cùng với các trang mạng, blog cá nhân và mạng xã hội để đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt nhằm chống phá Quân đội. Theo thống kê, tần suất đăng tải tin bài phần lớn ở các trang mạng như: “Diễn đàn Xã hội dân sự”, “Hội Anh em dân chủ”, “Bauxite Việt Nam”, “Quan làm báo”, “Dân làm báo”... cùng nhiều kênh Youtube như: “Việt Tân”, “Báo quốc dân”, “Nhân quyền cho Việt Nam”, “Bốn phương”, “Đối thoại online”, “Nhìn ra bốn phương”, “Hải ngoại điện báo”... Thông qua các “diễn đàn” này, các đối tượng thêu dệt, bịa đặt nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc, suy diễn trái với đường lối, quan điểm của Đảng ta về công tác đối ngoại quốc phòng.

Dưới đây xin được chỉ rõ những thủ đoạn, chiêu trò, mánh khóe của các thế lực thù địch đang tìm cách chống phá nhằm vào công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Nếu phân loại dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm có thể tạm chia âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng ở ba cấp độ theo mức tăng dần tính nguy hại, như sau: Cấp độ thứ nhất, chống phá quan hệ hợp tác quốc phòng của Việt Nam với một số nước bạn bè truyền thống, chủ yếu là hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, Campuchia và Nga, trong đó các thế lực thù địch, phản động xoáy sâu chống phá quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Trung. Cấp độ thứ hai, chống phá chính sách đối ngoại quốc phòng, trong đó chúng tập trung công kích chính sách quốc phòng “bốn không”. Cấp độ thứ ba, đó là tìm cách định hướng, hướng lái công tác hoạch định chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.

 Ở cấp độ thứ nhất, trong 06 tháng đầu năm 2022, các đối tượng, phần tử chống phá tung ra nhiều thông tin, quan điểm sai trái, bịa đặt, thù địch chống phá quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với Trung Quốc và Campuchia. Cho dù với âm mưu, thủ đoạn nào đi chăng nữa thì chúng không thể phủ nhận những thành tựu quan trọng trong hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước láng giềng, bởi trong nhiều năm qua luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương, thậm chí trở thành trụ cột trong quan hệ hợp tác song phương như quan hệ Việt - Trung. Hợp tác quốc phòng được thúc đẩy không chỉ giúp Việt Nam và các nước giải quyết tốt các vấn đề biên giới, chủ quyền lãnh thổ, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho người dân, nhất là người dân ở khu vực giáp biên yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tích cực giao lưu nâng cao tình hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Có thể thấy rằng, trong quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước thì quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Trung luôn bị các thế lực thù dịch chống phá quyết liệt nhất. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, kể từ đầu năm 2022 đến nay, tháng nào cũng có nhiều tin, bài chống phá nhằm vào quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Trung. Điển hình là, đầu tháng 01.2022, trên mạng xã hội Youtube xuất hiện một số video, nội dung được cho là có một tốp lính Biên phòng Trung Quốc (khoảng 01 tiểu đội) ném đá vào lực lượng phía Việt Nam đang thi công bờ kè chống sạt lở ở khu vực biên giới thuộc địa phận tỉnh Hà Giang. Lợi dụng thông tin chưa xác thực này, bất chấp đúng sai, phải trái, các trang phản động “Nguyenxuanchau2019”, “Baotinhhoa” phát tán nhiều bài viết với những ngôn từ kích động, chia rẽ quan hệ Việt - Trung. Các bài viết này tùy tiện bình luận “biên giới Việt - Trung đang căng thẳng”, từ đó thổi phồng “mối nguy cơ Trung Quốc”, cổ xúy cho việc Việt Nam cần “mạnh tay chống Trung Quốc”. Nguy hiểm hơn, trang “Bô-xít Việt Nam” bịa đặt ra một kịch bản về việc “Trung Quốc có một kế hoạch tấn công tổng hợp và chặt chẽ trên mọi lĩnh vực nhằm vào Việt Nam”, tung tin xuyên tạc khi cho rằng hành động “ném đá” của binh sỹ Trung Quốc là do “nhận lệnh từ Bắc Kinh”. Thậm chí, bài viết trên trang này còn suy diễn cho rằng, hành động “ném đá” của Trung Quốc giống như những gì đã diễn ra trong giai đoạn đầu cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như giai đoạn đầu chiến tranh biên giới Việt - Trung vào năm 1979. Điều này đi ngược lại với quan điểm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Việt Nam và Trung Quốc, thực chất là nhằm kích động hận thù dân tộc, gây chia rẽ quan hệ láng ghiềng, hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Những vấn đề trên cho thấy, các thế lực thù địch đã rất xảo trá trong việc “liên kết, xâu chuỗi” các vấn đề, sự kiện này với những sự kiện mang tính lịch sử nhằm kích thích tâm lý hiếu kỳ của người dân vào chia sẻ, bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân của những kẻ được cho là “yêu nước qua bàn phím”. Điều này vô hình trung khiến cho những thông tin độc hại có thêm cơ hội lây lan, phát tán mạnh trên không gian mạng. Điều đáng nói là, bên cạnh thủ đoạn “đổi trắng, thay đen” nhằm phủ nhận những kết quả tích cực trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Quân đội Việt Nam và Quân đội Trung Quốc thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác trong thời gian qua thì các thế lực thù địch, phản động lại hết sức gian xảo khi lợi dụng chính sự quan tâm của dư luận về những sự kiện mang tính thời sự để chống phá. Chẳng hạn như mới đây, nhân sự kiện Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 7 được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng diễn ra trong tháng 4.2022, các thế lực thù địch, phản động đã dùng nhiều chiêu trò xuyên tạc, hướng lái ý nghĩa, kết quả theo ý đồ thâm độc của chúng. Điển hình là các trang mạng phương Tây (BBC, VOA, FFA), các trang phản động “Hải ngoại điện báo”, và các trang phản động khác đã phát tán nhiều bài viết xuyên tạc ý nghĩa của sự kiện, trắng trợn tạo dựng dư luận “Việt Nam đã xuống nước trước Trung Quốc”, thậm chí tùy tiện suy diễn Trung Quốc muốn thông qua sự kiện này là để “thuần phục Việt Nam”... Thông qua những phân tích, bình luận hoàn toàn mang tính suy diễn, lấp liếm, lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam đã cố tình lờ đi ý nghĩa to lớn của việc tổ chức Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 7. Trên thực tế, sự kiện này đã làm sinh động, góp phần không nhỏ vào củng cố lòng tin giữa Quân đội và nhân dân hai nước, thắt chặt thêm tình hình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Như đã nói ở trên, bên cạnh chống phá quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Trung thì quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Campuchia cũng là bị các thế lực thù địch, phản động chống phá quyết liệt. Cũng trong tháng 01.2022, truyền thông phương Tây (RFA, VOA, BBC) và trang phản động “Báo Tiếng dân” tán phát bài “Việt Nam - Campuchia: Động hướng khác nhau làm sao tránh bẫy?” của đối tượng có bút danh “Gia Cát Tường”. Bài viết xuyên tạc hoạt động công tác phân định cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, thậm chí còn đổ lỗi cho Quân đội Việt Nam chưa phát huy hết vai trò trong việc “bảo vệ biên cương”. Các thế lực chống phá đã đánh đồng chủ trương phân giới, cắm mốc với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội ta để từ đó lồng ghép những quan điểm sai trái, thù địch chống phá nhằm vào Quân đội, với ý đồ thúc đẩy “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng liên quan tới quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Campuchia, lợi dụng sự kiện Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam sang Campuchia dự Lễ khánh thành trụ sở mới của Bộ Quốc phòng Campuchia vào ngày 29/12/2021 (công trình do Bộ Quốc phòng Việt Nam tài trợ kinh phí và khởi công xây dựng từ năm 2018), trang phản động “Đối thoại online” và nhiều trang phản động phát tán các bài viết xuyên tạc, phủ nhận tình hữu nghị giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Hoàng gia Campuchia, bịa đặt “Quân đội Việt Nam mang tiền cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Campuchia”. Thế nhưng, sự thật luôn là sức mạnh và không thể bị xuyên tạc. Sự trận trọng và ghi nhận của quân và dân Campuchia đối với sự giúp đỡ của Quân đội Việt Nam là minh chứng mạnh mẽ nhất để đấu tranh, phản bác lại các quan điểm, sai trái thù địch trên.

Ở cấp độ thứ hai, các thế lực thù địch đã triệt để khai thác sự kiện mang tính bước ngoặt của tình hình an ninh quốc tế để chống phá chính sách quốc phòng của Việt Nam, điển hình là việc xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, truyền thông phương Tây (VOA, BBC, RFA) và các trang phản động “Việt Tân”, “Chân trời mới media”, “Báo Tiếng dân”… liên tục phát tán nhiều bài viết về sự kiện này, qua đó lồng ghép nhiều nội dung, diễn giải với những luận điệu chống phá đường lối đối ngoại, chính sách quân sự, quốc phòng của Đảng ta, cũng như quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đối tác, đối tượng của cách mạng. Những kẻ chống phá trắng trợn, vô lý rao giảng rằng, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine là “một bài học cảnh tỉnh đối với nước láng giềng”, đồng thời kích động “Việt Nam cần tham gia vào các liên minh, liên kết về quân sự để nâng cao khả năng tự vệ”, thậm chí chúng còn xuyên tạc rằng, đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm cho Quân đội nhân dân Việt Nam luôn bị “mơ hồ” về đối tượng tác chiến, “mất phương hướng” trong việc xác định đâu là kẻ thù. Từ những phân tích và bình luận xảo trá, phi logic, thiếu căn cứ, chúng lôi kéo, vận động “cư dân mạng” ủng hộ chủ trương “Việt Nam cần tăng cường liên minh, liên kết với các nước nhằm nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng” thông qua cái gọi là “thư ngỏ”. Điều này là rất nguy hại, bởi nó vi phạm, mâu thuẫn với chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam.

Một điều rất nguy hiểm là chúng khai thác cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine trên nhiều khía cạnh để chống phá quan hệ Việt - Nga, trong đó có quan hệ hợp tác quốc phòng. Điển hình như, chúng tìm cách chê bai vũ khí Việt Nam mua từ Nga, thay vào đó tự đặt ra yêu sách đòi lãnh đạo Việt Nam “cần tìm mua vũ khí từ đối tác khác, nhất là vũ khí của các nước phương Tây”. Tuy nhiên, chúng đâu biết rằng, Nga là một trong những cường quốc về xuất khẩu lớn vũ khí, khí tài quân sự, thậm chí một số nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng mong muốn được sở hữu vũ khí của Nga. Thực chất đây là chiêu bài “bôi xấu” Nga, kích động tâm lý người dân Việt Nam “tẩy chay” quan hệ hợp tác với Nga, trong đó có hợp tác về quốc phòng. Ở một khía cạnh khác, chúng tùy tiện bình luận rằng, “Việt Nam đã sai lầm” khi bỏ phiếu ủng hộ Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng với những lời lẽ thù địch khi cảnh báo Việt Nam sẽ phải đối đối mặt với nguy cơ “bị trả giá” từ nước lớn láng giềng, thậm chí đối mặt với “một cuộc tấn công quân sự” từ bên ngoài trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự thật là, chính động thái, quan điểm dứt khoát của Việt Nam là minh chứng rõ rằng cho chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng ta, đó là kiên định độc lập, tự chủ, ủng hộ giải quyết các tranh chấp, bất đồng khu vực, quốc tế thông qua đối thoại, theo luật pháp quốc tế, đồng thời cho thấy Việt Nam đang đứng về lẽ phải, công lý, luật pháp quốc tế chứ không nghiêng về nước nào trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay.

Xin không bình luận thêm về tính phải - trái, đúng - sai trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, nhưng cần nhấn mạnh một điều rằng, nhờ chính sách đối ngoại nhất quán, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm chính sách quốc phòng “bốn không” mà Việt Nam đã độc lập, tự chủ trong bảo vệ Tổ quốc. Việc không đi với nước này để chống nước kia, việc không tham gia vào các liên minh, liên kết quân sự, hoặc không “chọn bên” trước sự lôi kéo của các nước lớn mới chính là yếu tố tiên quyết bảo đảm cho Việt Nam không bị trả giá.

Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam kể từ khi được công bố trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 luôn là “chủ đề” mà các thế lực chống phá soi mói, bàn tán, xuyên tạc và tìm cách chống phá. Trong bối cảnh tình an ninh quốc tế phức tạp như hiện nay, các thế lực thù địch càng điên cuồng tìm cách chống phá chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam. Trong tháng 5.2022, đối tượng Nguyễn Văn Đài thuộc “Hội Anh em dân chủ” và trang phản động “Báo Tiếng dân” tán phát các bài viết xuyên tạc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta về quốc phòng, đồng thời đưa ra yêu sách đòi xem xét lại chính sách “bốn không”, xuyên tạc rằng “chính sách này là sự áp đặt của Trung Quốc như là một điều kiện để được tái thiết quan hệ ngoại giao sau khi bị ‘đóng băng’ từ cuộc xung đột biên giới năm 1979”. Nguy hiểm hơn, các đối tượng bịa đặt cho rằng “nội dung chính sách quốc phòng ‘bốn không’ cho thấy, Việt Nam đã từ bỏ các quyền cơ bản của một quốc gia trong việc phòng vệ, bảo vệ lợi ích quốc gia, mà chỉ hướng tới mục đích duy nhất là bảo vệ lợi ích của Đảng”. Thậm chí, các thế lực thù địch còn rêu rao việc thực hiện chính sách này khiến Việt Nam tự “trói chận, trói tay” trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động như hiện nay...

Không thể chấp nhận, cần lên án quyết liệt những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt với dã tâm chống phá này, một lần nữa cần khẳng định rằng, việc sử dụng vũ lực và liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhìn vào tình hình Ukraine sẽ thấy rõ, chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phải thừa nhận rằng cảm thấy “bị bỏ rơi” và không còn nghĩ đến việc gia nhập NATO. Do đó, đường lối quốc phòng với mục đích tự vệ, hòa bình, chính nghĩa, phù hợp với quyền cơ bản của các quốc gia, dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc mới là điều mà các quốc gia, dân tộc tiến bộ trên thế giới đang hướng tới. Hơn nữa, Việt Nam không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế không phải là tự “trói tay, trói chân” mình, mà trái lại, đó chính là căn cứ, cơ sở chắc chắn để Việt Nam “cởi trói” trong cả tư duy và hành động, thực hiện một cách độc lập, sáng tạo và không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài trong quan hệ quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Ở cấp độ thứ ba, các thế lực phản cách mạng, có tư tưởng thù địch tìm cách định hướng, hướng lái công tác hoạch định chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Song song với các âm mưu làm mờ quan hệ của Việt Nam với những nước bạn bè truyền thống như đã nói ở trên, chúng còn kích động tâm lý dân tộc như liên quan tới vấn đề biên giới, chủ quyền biển, đảo để đẩy mạnh cổ súy cho việc thúc đẩy quan hệ với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Hai vấn đề này liên hệ chặt chẽ với nhau và nguy hiểm ở chỗ: Bản chất của nó chính là đang cố tình gây mơ hồ, thậm chí đảo lộn khái niệm “đối tác”, “đối tượng” của Cách mạng Việt Nam. Thực tế, sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, nhiều trang mạng phản động đã tán phát không ít thông tin, quan điểm thù địch về vấn đề này

Mặc dù Đảng, Nhà nước ta xác định “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, nhưng mức độ ưu tiên trong quan hệ với các nước, bao gồm đối ngoại quốc phòng chắc chắn không thể giống nhau. Quan hệ đối ngoại quốc phòng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tuy có bước phát triển và ta cũng không ngăn nó phát triển, nhưng nếu vượt quá mức độ quan hệ với các nước truyền thống như Trung Quốc, Campuchia, Nga thì sẽ là điều rất nguy hiểm, nhất là khi Quân đội luôn được xác định là “lá chắn” của Đảng. Một khi Quân đội xác định hợp tác với Mỹ quan trọng và cần thiết hơn hợp tác với Nga, coi Trung Quốc là “kẻ thù số 1” do có tranh chấp biển, đảo thì những hệ lụy kéo theo không khó để có thể hình dung. Ở cấp độ này tuy không rõ ràng, trực tiếp như hai cấp độ nêu trên, thậm chí ở một góc độ nào đó, nó có thể khoác lên mình một lớp vỏ rất “danh chính ngôn thuận”, đó là “mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng”, “chủ nghĩa yêu nước”... Tuy nhiên, so với hai cấp độ trên thì đây mới chính là đặc trưng cho “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó, Ta không được phép chủ quan, đồng thời cần đặc biệt quan tâm đến xu hướng này.

Trên đây chỉ là một số âm mưu, thủ đoạn tiêu biểu chống phá nhằm vào công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam trong thời gian gần đây. Có thể thấy rằng, để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch không từ bất cứ thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, thậm chí có thể nói là đê hèn nào nhằm nhanh chóng đạt được mục đích là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó dễ bề chuyển hóa Việt Nam từ bỏ con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà chạy theo giá trị “dân chủ, tự do, nhân quyền” phi thực tế. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhận diện rõ, sự chống phá nhằm vào Quân đội đang là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà các thế lực thù địch, phản động đang điên cuồng tìm mọi cách thực hiện. Bởi vì chúng cho rằng, thúc đẩy “phi chính trị hóa quân đội”, làm suy yếu chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ làm suy yếu đi công cụ bạo lực sắc bén của Đảng ta, mà còn là đòn “đánh hiểm, đánh sâu” vào tâm lý của người dân Việt Nam một khi Quân đội bị chuyển hóa.

Những chiêu bài, thủ đoạn chống phá Quân đội nhân dân Việt Nam khó mà kể hết, nhận diện hết, bởi lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam liên tục có sự thay đổi về thủ đoạn chống phá, cộng thêm sự tiếp tay, hậu thuẫn từ bên ngoài. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, nhất là mạng xã hội, cùng với những kẽ hở trong việc quản lý của Nhà nước thì không gian mạng đang là “mảnh đất màu mỡ” để các phần tử chống phá cách mạng Việt Nam lợi dụng gieo rắc những thông tin xấu độc, sai trái hòng thực hiện những toan tính vô nhân đạo, không thể chấp nhận cần lên án quyết liệt hơn.

Do vậy, trong thời đại công nghệ số hiện nay, mỗi cán bộ, chiến sĩ và mọi người dân cần tỉnh táo, chủ động nâng cao “sức đề kháng” trên không gian mạng, cảnh giác cao độ, không tùy tiện bình luận, chia sẻ những thông tin sai trái, thù địch, nhạy cảm trên mạng internet. Khi mỗi chúng ta đều trở thành những “công dân mạng” tỉnh táo, có trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin, tương tác đúng mực trên không gian mạng chắc chắn những thông tin xấu độc sẽ ngày càng bị thu hẹp đất sống, đồng thời cần tích cực đấu tranh, tố giác những hành vi sai trái, dã tâm của kẻ xấu sẽ là những cách làm hữu hiệu nhằm góp phần giữ vững hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ mới và thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng ta, trong đó có đối ngoại về quốc phòng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét