Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Gương mặt kinh kỳ nhìn từ phía dòng sông

 

Nếu nhìn vào bản đồ Hà Nội theo hướng Bắc Nam thông thường, sông Hồng chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, làm thành một đường chéo, khiến cho nội thành cũ tựa như một hình rẻ quạt giữa Hồ Tây và con sông lớn này. Nhưng vào thời trước, người xưa có cách nhìn hình thế Thăng Long-Hà Nội kiểu khác. Đó là sông Hồng chảy ngang, làm trục chính để diễn họa.

Mặt trước kinh kỳ

Năm 1685, Samuel Baron đã có một hình vẽ dạng toàn cảnh Thăng Long nhìn từ sông Cái. Ở đây ta thấy một đời sống sôi động bên dòng sông, với thuyền rồng, bãi sông làm lễ “Tế kỳ đạo” (một loại lễ kỳ yên), lầu Ngũ Long của Phủ chúa Trịnh, các bến thuyền, nhà dân san sát với 2 vạn nóc nhà như trong ghi chép để lại. Ở đây còn thấy cửa sông Tô Lịch với thương điếm của Anh và Hà Lan có cắm cờ hai nước này, nay chính là ở hai bên phố Chợ Gạo.

Dòng sông là huyết mạch của kinh kỳ, điều này ngay từ lúc dời đô vào mùa thu năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn đã tiếp cận thành Đại La từ sông Cái. Nhìn từ mặt sông lớn, với những chi lưu len lỏi qua những gò đống, sẽ thấy rõ thế “rồng cuộn, hổ ngồi” khi dãy Ba Vì và Tam Đảo chắc chắn hiện diện rõ nét trong điều kiện thời tiết tốt và không có các công trình lớn chắn tầm nhìn.

Trải qua 8 thế kỷ là kinh đô, trừ những khoảng thời gian ngắn bị gián đoạn khi Hồ Quý Ly dời đô về Tây Đô (Thanh Hóa) hay chỉ là thành Đông Quan trị sở thời thuộc Minh, các diễn biến quân sự và thay đổi quyền lực đều liên quan đến mặt tiền sông nước. Để vây hãm thành Đông Quan, Lê Lợi dựng lầu quan sát ở bến Bồ Đề (nay thuộc quận Long Biên) ở tả ngạn sông Cái. Khi tháo chạy khỏi kinh thành, quân Thanh cũng phải chạy qua cầu phao đến độ cầu đứt, quân lính chết đuối nghẽn cả dòng chảy. Sử ký chép nhiều lần các vị vua chúa chạy trốn khỏi thành qua cửa ô Yên Hoa, ra bến nước ở mạn Yên Phụ ngày nay để tìm đò sang bờ Bắc.

Gương mặt kinh kỳ nhìn từ phía dòng sông
Sông Hồng đoạn chảy qua quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: BẢO HÂN 

Con sông cũng là một nơi ghi lại những sự tích văn hóa, chẳng hạn Nguyễn Thuyên thời Trần Nhân Tông đã đi vào sử sách với câu chuyện đuổi cá sấu trên sông Hồng: “Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô (cách gọi cũ của sông Hồng). Vua sai Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Dũ, bèn ban gọi là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tính chất mặt tiền kinh kỳ của dòng sông đã xác định rõ ràng khi vòng thành Đại La được đắp vào thời Mạc rồi nhất là từ năm 1749 do chúa Trịnh Doanh chủ trương, các cửa ô tập trung nhiều nhất dọc theo bờ sông. Trong số 21 cửa ô từng có trong lịch sử Thành Thăng Long-Hà Nội, 14 cửa nhìn ra sông Cái.

Ra đi và trở lại

Khi dòng sông Cái được gọi bằng cái tên sông Hồng theo cách người Pháp gọi thì con sông này vẫn duy trì chức năng vận tải đường thủy quan trọng. Song sau khi đắp đê cao hẳn lên kể từ sau trận lũ năm 1926, dòng sông có xu hướng bồi lắng bên nội thành và dòng chảy rời xa hơn. Đồng thời, các con đường bộ và đường sắt đã dần phát huy ưu thế hơn so với đường thủy. Mặc dù những chuyến đi trên con sông vẫn để lại trong tâm thức người tha phương, như những giai điệu não nuột của tân nhạc về cảnh “Biệt ly, sóng trên dòng sông/ Ôi còi tàu như xé đôi lòng” (“Biệt ly”-Doãn Mẫn), sông Hồng bắt đầu có một nét đặc trưng mới, như một lối vào tắt của thành phố.

Hồi ức nhiều nhà hoạt động cách mạng thời tiền khởi nghĩa nhắc đến những bến đò Chèm, Vẽ, nơi có lộ trình rút ra khỏi nội thành để lên mạn ngược. Sau một lần trốn thoát cuộc vây bắt của hiến binh Nhật vào giữa năm 1945, luật sư Vũ Đình Hòe đã tìm đường vượt sông lên chiến khu Việt Bắc và trên con đường này, ông kể lại lần đầu tiên nghe thấy bài “Tiến quân ca” vẳng lại. Chỉ đến khi dự Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, ông mới biết đó sẽ là bài Quốc ca của nước Việt Nam độc lập mới.

Con sông Hồng những năm tháng trong cao trào giải phóng dân tộc giữa thập niên 1940 tạo ra những nét sử thi, pha chút bí ẩn của những hoạt động bí mật. Ngày 25-8-1945, chính bến đò làng Vẽ là nơi đã đón nhân vật bí ẩn Hồ Chí Minh về dừng chân nghỉ tại ngôi làng này trước khi vào ngôi nhà 88 Hàng Ngang và một tuần sau chính là lãnh tụ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở vườn hoa Ba Đình, trung tâm của Thủ đô nước Việt Nam hiện đại. Cũng những bến sông Hồng vào đêm 17-2-1947 chứng kiến cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ Đô sau khi đã cầm chân địch tới 60 ngày đêm ở Liên khu I, tức nội thành. Cuộc ra đi này đã để lại dấu ấn đậm nét trong thi ca, như những câu thơ đã được phổ nhạc: “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/ Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại…” cho đến những năm sau này vẫn là “Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi” (Cảm xúc tháng Mười-Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên).

Nhưng đấy là con sóng của ký ức. Còn trên thực địa, bên đoạn sông Hồng chảy qua nội thành sau những cuộc trở về của những người sơ tán hay các vùng kinh tế mới, dần dà hình thành một vùng định cư sát mép sông, mặc cho những trận lụt đe dọa hằng năm. Con sông cách biệt với thành phố bởi một con đê cao vượt tầm mắt, giờ có thêm cả một dải nhà cửa san sát, hầu như không có quy hoạch.

Cuộc mở rộng thành phố sang bên kia sông những thập niên gần đây cùng những cây cầu mới đã buộc người Hà Nội đối diện với nhu cầu đổi thay mặt tiền thành phố. Bản đồ Hà Nội bây giờ đã không còn vẽ sông Hồng nằm chếch ở rìa nữa mà ở vị trí trung tâm. Đột nhiên giữa thành phố đã bê tông hóa quá nhiều, một dòng chảy mênh mông và những bãi bồi nhiều vẻ hoang dại trở nên quý giá, như một mảnh sinh thái trời ban. Gần đây, những cuộc thảo luận về việc lấy sông Hồng làm trục phát triển chính có nói đến giữ gìn những khoảng tự nhiên này làm lá phổi xanh của thành phố. Sau hơn 1.000 năm Lý Công Uẩn gặp một vùng đất “rồng bay lên” từ phía dòng sông, có thể hy vọng chăng người Hà Nội sẽ lại có một cuộc đổi thay cảnh quan mang tính lịch sử?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét