Năm học 1950-1951 bắt đầu đúng vào lúc địch có chủ trương bắt thanh niên đi “quân dịch”... Tại Trường Chu Văn An, vì địch bắt học sinh đỗ tú tài 1 đi học lớp sĩ quan Nam Định nên nhiều anh lớp trên tôi phải trốn tránh, không còn học ở trường. Nhóm lớp dưới chúng tôi trở thành nòng cốt, hoạt động dưới sự chỉ đạo của anh Lê Tám, cán bộ Đoàn chuyên trách.

Chúng tôi tiếp tục ra Báo “Nhựa sống” in rô-nê-ô (ronéo) để chỉ đạo phong trào. Chúng tôi thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là chống địch bắt lính... Chúng tôi phá các cuộc học quân sự của chúng tại nhà trường. Nhóm của chúng tôi hoạt động đến tháng 10-1952 thì bị địch bắt...

Nhớ những ngày hào hùng...
Đồng chí Dương Tự Minh (bên phải, đứng hàng sau) ngày ra tù Hỏa Lò, cuối năm 1953. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chúng tôi bị giam ở Hỏa Lò một năm thì được “tại ngoại, hậu cứu”, tức là tạm tha chờ xét xử. Vừa được thả ra, chúng tôi trốn ngay ra vùng tự do. Tại đây, tôi được dự lớp chỉnh huấn và sống ở căn cứ của Thành đoàn Hà Nội đóng tại vùng núi tỉnh Hòa Bình. Sau đó, tôi lại nhận nhiệm vụ trở lại nội thành hoạt động.

Tôi sống ở khu nghèo Lương Yên, do gia đình bác Thi làm thợ giầy che chở. Tôi không thể về nhà hoặc liên lạc với gia đình ở phố Hàng Bông vì địch vẫn đang lùng bắt. Tuy nhiên lúc này, Ngày giải phóng Thủ đô đã đến gần. Điện Biên Phủ thắng lợi, rồi Hội nghị Geneva kết thúc, làm cả nội thành sôi sục, người dân phấn khởi chờ đón quân ta về tiếp quản Thủ đô. Tôi vô cùng hạnh phúc vì Hà Nội sắp được vĩnh viễn thoát ách ngoại xâm và gia đình tôi lại được đoàn tụ...

Công việc của tôi lúc đó là vận động thanh niên, học sinh, sinh viên chuẩn bị cho Ngày giải phóng Thủ đô. Chúng tôi đã giới thiệu hàng trăm học sinh, sinh viên để Thành đoàn bí mật đưa ra vùng tự do học về chủ trương, chính sách đối với vùng mới giải phóng... Chúng tôi cũng tham gia các hoạt động đấu tranh để giữ lại các cơ sở máy móc phục vụ cho đời sống nhân dân như điện, nước hoặc các trang thiết bị trong bệnh viện, nhà trường. Đó là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Nhớ những ngày hào hùng...
 Đồng chí Dương Tự Minh và vợ. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhớ những ngày hào hùng...
 Đồng chí Dương Tự Minh dù tuổi cao nhưng luôn cống hiến với các hoạt động xã hội. Ảnh: MINH THANH

Mấy ngày trước khi bộ đội vào tiếp quản Thủ đô, người dân Hà Nội nô nức may cờ đỏ sao vàng, làm băng rôn và chuẩn bị vật liệu dựng cổng chào để đón mừng. Tôi còn nhớ là ngay cạnh cửa nhà tôi ở ngã tư đầu Hàng Bông, nhân dân đã dựng lên một cổng chào rất lộng lẫy. Tổ học sinh kháng chiến Trường Chu Văn An tập trung tại nhà anh Nguyễn Kim Khiêm ở 77 Phủ Doãn để làm cờ hoa, khẩu hiệu, băng rôn và bàn kế hoạch huy động thanh niên, học sinh đi đón chào bộ đội.

Sáng sớm 10-10-1954, đông đảo học sinh Trường Chu Văn An tới tập trung tại Ấu Trĩ Viên (tức Cung Thiếu nhi bây giờ). Tôi lên phổ biến kế hoạch của Thành đoàn về việc đứng đón bộ đội ở các phố Hàng Đào, Hàng Ngang cùng các trường khác. Mọi người nô nức chờ đợi.

Rồi giờ phút lịch sử cũng đã tới. Các anh bộ đội đeo huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” trên ngực, hùng dũng đi trong đoàn quân từ 5 cửa ô kéo về trung tâm Hà Nội. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã trở về với thành phố quê hương, nơi sinh ra Trung đoàn tại quận Hoàn Kiếm trong những ngày khói lửa. “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố...”.

Bài hát của nhạc sĩ Văn Cao mà tôi đã biết đến qua tài liệu in bí mật hồi địch tạm chiếm cứ vang lên trong tâm trí của tôi. Bộ đội đi đến đâu, thanh niên, học sinh và nhân dân hai bên đường ùa ra đón tiếp. Niềm sung sướng như vỡ òa. Cờ đỏ sao vàng được giương cao trên cánh tay của hàng ngàn, hàng vạn người trên khắp các phố phường...

DƯƠNG TỰ MINH

nguồn báo quân đội nhân dân