Cảm xúc trào dâng, ông kể lại cho chúng tôi nghe về những ký ức không thể nào quên ấy...

Tháng Giêng năm 1949, Nguyễn Đức Đoàn khi ấy là chàng thanh niên nhiệt huyết, giấu gia đình xung phong lên đường nhập ngũ. Kết thúc huấn luyện tại Tỉnh đội Bắc Giang, chiến sĩ Nguyễn Đức Đoàn được biên chế về Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 và tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch quan trọng. Không may bị thương ở mắt và được đưa về hậu cứ điều trị, từ đây cuộc đời và sự nghiệp của ông Đoàn tình cờ chuyển sang một hướng mới.

Ông kể: "Thời gian điều trị tại hậu cứ, bác sĩ Tôn Thất Tùng thấy tôi trẻ tuổi, lại học hết cấp 3 nên giới thiệu tôi đi học ngành y. Tôi liền trình bày lý do sợ máu, không làm bác sĩ được. Nghe vậy, bác sĩ Tùng lại bảo cậu không học y thì học dược. Đây là chuyên khoa rất quan trọng. Hiện nay, nước ta chưa điều chế được thuốc giảm đau, anh em ngoài chiến trường bị thương rất cần”.

Người chế thuốc cứu thương binh
Dược sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Đoàn giới thiệu những cuốn sách về thuốc của ông. 

Nghĩ đến cảnh anh em bị thương phải “phẫu thuật suông” khiến tôi rùng mình. Từ đó, tôi quyết tâm học và thi đỗ vào Trường Dược sĩ Việt Nam liên khu 3-4 (hệ trung cấp). Trong thời gian học, tôi cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thuốc ether, morphin, cafein, dịch tiêm truyền mặn đẳng trương... Công trình đang trong quá trình hình thành thì năm 1953, tất cả sinh viên Trường Dược sĩ Việt Nam được lệnh tăng cường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vào chiến trường, điều kiện thiết bị phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất thuốc vô cùng thiếu thốn. Khắc phục khó khăn, nghiên cứu không quản ngày đêm và cuối cùng ông cùng đồng nghiệp đã "cho ra lò" lô thuốc tê, thuốc gây mê đầu tiên. "Khi công bố thuốc đáp ứng tiêu chuẩn, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc, ôm chầm lấy nhau. Từ đây, khi phẫu thuật thương binh sẽ giảm được nhiều sự đau đớn", ông Đoàn nhớ lại.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Đoàn được Bộ Y tế điều động về tiếp quản Thủ đô rồi được bố trí làm Phó trưởng tiểu ban Y tế Tổng đội Công trình đường sắt Hà Nội-Mục Nam Quan. Trở về, mọi thứ đều phải bắt tay từ đầu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông Đoàn luôn phát huy tinh thần học hỏi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu thuốc nam, ông cùng nhiều đồng nghiệp đi khắp các tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc nam. Phong trào đó đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, giải quyết khó khăn về thuốc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau hơn 45 năm công tác, khi về hưu ông vẫn miệt mài biên soạn và tham gia biên soạn hàng chục cuốn sách về y dược, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, sử dụng thuốc nam của nhân dân; là tài sản giá trị đóng góp cho ngành y dược nước nhà. Với những cống hiến ấy, cựu chiến binh, dược sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Đoàn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” đợt đầu trong số các dược sĩ được tặng danh hiệu này.

Bài và ảnh: QUANG ĐÔNG

nguồn báo quân  đội nhân dân