Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cần cù trong lao động sản xuất, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhiều cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã vượt khó, vươn lên làm giàu. Từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phong trào “CCB giúp nhau xoá đói giảm nghèo làm kinh tế giỏi”, trong đó có CCB Trương Văn Thủy, thôn Tân Hoan, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông.
Ông Trương Văn Thuỷ và ông Triệu Ứng Lai nhận giải Nhất sáng tạo men vi sinh để tạo Trầm hương trên cây Dó bầu tại Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam
Năm 1994, xuất ngũ trở về địa phương, ông Thủy bắt đầu mở xưởng chế biến gỗ, làm đồ gia dụng như bàn, ghế, tủ, đồ mỹ nghệ…. sau nhiều năm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, đổi mới mẫu mã sản phẩm, đến nay xưởng chế biến gỗ của ông được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 6 đến 8 công nhân lao động, hàng năm xưởng thu nhập từ 500 đến 750 triệu đồng.
Trong quá trình chế biến gỗ ông thấy tại địa phương có rất nhiều cây Dó bầu (Trầm hương) là loại cây có nhiều công dụng, giá trị kinh tế cao nhưng nếu trồng trong điều kiện bình thường thì chỉ để khai thác gỗ thành phẩm đóng đồ nội thất.
Nhận thấy ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam việc nghiên cứu, cấy vi sinh tạo Trầm trên cây Dó bầu đã được thực hiện nhưng ở tỉnh Bắc Kạn, nơi có nhiều cây Dó bầu như Bạch Thông, Chợ Đồn lại chưa ai nghiên cứu, thử nghiệm. Năm 2020 khi dự Đại hội Thi đua yêu nước ông và ông Triệu Ứng Lai, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn đã gặp nhau và có cùng ý tưởng quyết tâm kết hợp nghiên cứu thử nghiệm tạo ra một chế phẩm vi sinh để cấy vào thân cây Dó bầu ở huyện Chợ Đồn và Bạch Thông. Sau nhiều lần thử nghiệm 2 ông đã thành công tạo ra được 1 loại men vi sinh cấy vào thân cây Dó bầu đã hình thành nên một lượng lớn Trầm hương trong cây.
Men vi sinh được tạo từ một số nguyên liệu sẵn có tại địa phương băm nhuyễn trộn với bột gạo đem ủ tạo ra hợp chất sau đó lấy dịch trong bộ máy tiêu hóa của động vật bản địa và các loại men gia đình tự làm, sau đó toàn bộ hỗn hợp trên được ủ từ 30 đến 45 ngày sẽ tạo ra 1 loại vi sinh. Sau khi cây Dó bầu cho khai thác Trầm hương, vạc thân cây để lấy trầm miếng, phần còn lại của cây như thân, cành, lá thu gom ông nghiền nhỏ trộn với gạo; vỏ cây thu gom lại xử lý thành bột, đem ủ kết hợp với một số loại lá cây rừng tạo thành men lá truyền thống đem ủ và nấu thành rượu Trầm hoặc chưng cất tinh dầu Trầm.
Hiện nay cơ sở sản xuất rượu Trầm hương, tinh dầu Trầm hương của ông Triệu Ứng Lại và ông Trương Văn Thuỷ đặt tại xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn đã được các cơ quan chức năng trong tỉnh và Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu sản phẩm: Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phiếu kiểm nghiệm chất lượng rượu Trầm hương và được nhiều người tiêu dùng sử dụng.
Với sự nỗ lực vươn lên làm giàu, CCB Trương Văn Thuỷ đã có nhiều sáng kiến tham dự thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và của Trung ương đạt giải cao như: Giải ba hội thi sáng tạo cấp tỉnh trong cải tiến máy chế biến gỗ; Giải nhì cấp tỉnh hội thi sáng tạo trong việc tận dụng rác thải để chạy lò hấp sấy gỗ bằng hơi nước thân thiện môi trường, năm 2017. Năm 2024, kết hợp với ông Triệu Ứng Lai tạo ra sản phẩm gỗ Trầm hương miếng, rượu trầm hương và tinh dầu trầm hương trên cây Dó bầu và đạt giải nhất của Trung ương Hội Nông dân về sáng tạo men vi sinh để tạo Trầm hương bằng nguyên liệu tại địa phương.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế ông và gia đình luôn thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước của thôn, đi đầu thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của địa phương, nhiệt tình ủng hộ các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia công tác đoàn thể, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao tại địa phương. Hội viên CCB Trương Văn Thủy xứng đáng là tấm gương tiêu biêu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét