Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC THU - ĐÔNG 1947, SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGHỆ THUẬT CHIẾN DỊCH VIỆT NAM


Chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch Việt Nam được hình thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Việc hình thành và phát triển của nghệ thuật chiến dịch phản ánh sự trưởng thành của lực lượng vũ trang từ du kích chiến tiến lên vận động chiến, góp phần đánh bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, như chúng tuyên bố, sẽ chỉ là “cuộc hành quân dạo mát trong vài tuần lễ”.
Đến trước Thu - Đông 1947, từ phán đoán âm mưu và hành động của địch, ta đã đặt ra yêu cầu chiến lược là: Phải đánh bại bằng được cuộc tiến công quy mô lớn của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ địa kháng chiến của cả nước, tiêu diệt một bộ phận sinh lực và làm thất bại mưu đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch. Từ đó, lần đầu tiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, việc chuẩn bị cho một chiến dịch được xác định trong Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 15-9-1947 và khái niệm chiến dịch được nêu ra là “một loạt trận chiến đấu với một binh lực cụ thể, trong một khoảng thời gian và không gian nhất định”. Từ ngày 07-10 đến ngày 22- 12-1947, quân và dân ta đã mở cuộc phản công đánh bại cuộc tiến công lớn của hơn hai vạn quân tinh nhuệ Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não kháng chiến và căn cứ địa Việt Bắc.
Như vậy, chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 là chiến dịch đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khẳng định vai trò tất yếu, đánh dấu sự hình thành, phát triển của chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch - bộ phận hợp thành của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Mặc dù còn có những hạn chế, nhưng ngay trong chiến dịch đầu tiên, một số nội dung cơ bản của nghệ thuật chiến dịch phản công đã bước đầu hình thành và làm cơ sở cho bộ đội ta tổ chức các chiến dịch tiếp theo trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến. Gần 80 năm đã qua đi, nghiên cứu chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947, chúng ta có thể rút ra một số vấn đề để vận dụng sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện nay:
Một là, đề ra mục đích chiến dịch đúng đắn, kiên quyết và toàn diện. Mục đích của giặc Pháp tiến công lên Việt Bắc là đánh đòn quyết định, nhanh chóng kết thúc chiến tranh xâm lược. Về ta, chỉ đạo của chiến lược là “phải phá cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp, làm cho chúng thiệt hại nặng để không thể gượng lại sau mùa Đông này”. Mục đích cụ thể của chiến dịch là làm thất bại cuộc tiến công của địch, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc và bảo toàn chủ lực.
Hai là, chọn loại hình chiến dịch đúng. Ta không thể chọn loại hình phòng ngự mà chọn tác chiến phản công, đánh vận động, đánh du kích để đánh bại tiến công quy mô lớn của địch. Cụ thể, thực dân Pháp đã tập trung hơn 2 vạn quân tinh nhuệ, mở cuộc tiến công lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và quân chủ lực ta, giành thắng lợi quân sự quyết định; hình thành 2 “gọng kìm” lớn theo đường số 3 và số 4, phối hợp với cánh quân tiến theo sông Lô, sông Gâm nhằm bao vây căn cứ địa của ta, kết hợp nhảy dù xuống trung tâm chiến khu, tiến hành càn quét, tiêu diệt lực lượng ta. Như vậy, quân Pháp hoàn toàn chủ động về không gian, thời gian, mục tiêu tiến công, có ưu thế tuyệt đối về binh lực và hỏa lực với địa bàn tác chiến rộng, gồm 8 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Bắc Giang). Tuy nhiên, đây là khu vực địa hình có rừng rậm, núi cao, sông suối chia cắt rất phức tạp. Do đó, có nhiều thuận lợi cho ta cơ động bảo đảm bí mật tác chiến nhỏ lẻ, phát huy cách đánh sở trường của bộ đội; đồng thời, hạn chế khả năng cơ động bằng cơ giới và uy lực sát thương của hỏa lực địch trong tác chiến.
Lực lượng ta sử dụng trong chiến dịch gồm 2 trung đoàn bộ binh chủ lực của Bộ, 8 trung đoàn bộ binh của các tỉnh trong địa bàn chiến dịch, 7 tiểu đoàn bộ binh độc lập và dân quân, du kích tại chỗ. Với lực lượng như vậy, ta đã chọn loại hình “chiến dịch phản công”, nhằm phát huy sở trường “vận động chiến” và tạo điều kiện thuận lợi đánh bại từng hướng tến công của địch. Mặt khác, bộ đội ta chưa có kinh nghiệm tác chiến tập trung trong các chiến dịch có quy mô lớn. Từ đó cho thấy, ta chọn loại hình chiến dịch phản công là thể hiện sự phân tích khách quan, khoa học về địch, địa hình, đánh giá đúng khả năng của ta và thực tế đã chứng minh điều đó.
Ba là, xác định đúng hướng (khu vực) phản công, tổ chức thế trận phù hợp (ba mặt trận), bẻ gãy từng gọng kìm, phá thế hợp vây chiến dịch của địch. Xem xét thế trận tiến công của địch, ta nhận định thế mạnh của chúng là ở hai gọng kìm, nhưng cũng bộc lộ rất nhiều điểm yếu, đó là “gọng kìm” quá dài ở địa hình núi non hiểm trở (250 và 400km), ta có điều kiện chặt từng đoạn, vô hiệu hóa, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm. Nghệ thuật chiến dịch đã thể hiện nét đặc sắc ở chỗ, ta đã chuyển nhanh từ thế bị động ban đầu sang thế chủ động đánh địch theo cách đánh của ta trên từng hướng lựa chọn, đồng thời biết kết thúc chiến dịch đúng lúc.
Bốn là, tổ chức binh lực thích hợp, chỉ đạo vận dụng chiến thuật sáng tạo, hạn chế chỗ mạnh của địch, khoét sâu chỗ yếu của chúng. Với lực lượng 10 trung đoàn bộ binh và 7 tiểu đoàn độc lập, ta đã chủ trương đưa 30 đại đội hoạt động phân tán ở một số châu, huyện trên địa bàn chiến dịch và 18 tiểu đoàn tập trung trên 3 mặt trận đường số 3, số 4 và sông Lô. Bộ đội ta vận dụng cách đánh phục kích, tập kích, kỳ tập… diệt địch đang vận động, đang vận chuyển tiếp tế là chủ yếu. Với phương châm “đánh nhỏ ăn chắc”, kết hợp tiêu hao rộng rãi với tiêu diệt từng bộ phận quan trọng tiến tới tiêu diệt phần lớn quân địch.
Gần 80 năm đã qua đi, thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 vẫn giữ nguyên giá trị. Những bài học rút ra từ chiến dịch không những đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong chiến tranh giải phóng, mà còn để lại nhiều kinh nghiệm để chúng ta nghiên cứu và vận dụng sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Học tập những kinh nghiệm của chiến dịch đó, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần nghiên cứu để vận dụng trong huấn luyện và tác chiến như: Xác định đúng đối tượng tác chiến của từng chiến dịch, lựa chọn loại hình chiến dịch chính xác, có mục đích rõ ràng, đầy đủ và kiên quyết. Đồng thời, phải chuẩn bị thế trận chiến dịch chu đáo ngay từ thời bình để hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu điểm yếu của địch. Mặt khác, lựa chọn cách đánh chính xác, tích cực tiến công đánh địch bằng mưu, kế, thế, thời và lực. Bên cạnh đó, cần tận dụng thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, huyện để tiêu diệt địch rộng rãi; lựa chọn thời cơ để thực hiện các trận đánh then chốt, quyết định. Trong thực hành tác chiến chiến dịch, phải luôn gắn chặt tiêu diệt địch với bảo vệ mục tiêu; nắm chắc thời cơ để kết thúc chiến dịch trong điều kiện có lợi nhất./.
Nhân văn Hà Nội
Có thể là hình ảnh về 3 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét