Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

CẦN CÓ NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VÀ ĐẦY ĐỦ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CỦA ĐẢNG


 

Thời gian gần đây, sau khi nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao bị kỷ luật như: bà Hoàng Thị Thúy Lan (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); ông Lê Duy Thành (phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); ông Đặng Văn Minh (Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)…, nhất là sau khi ông Võ Văn Thưởng (Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác thì hàng loạt các trang, mạng xã hội như: Việt Tân, Khối 8406, tài khoản facebook Tri Nguyen… đã có những bài viết xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng; bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: “Bạn” và “ta” như hình với bóng; Ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công, đốt cháy cả lò “Đoàn phái” Võ Văn Thưởng; Chính trường tanh tưởi; nhiều bài viết vu cáo rằng, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “thanh trừng phe phái” nên “ai đen thì chết”! Họ cố tình bôi đen việc thực hiện công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta, cho rằng việc bắt bớ nhiều, xử lý nhiều không làm ai run rợ, không hề có tính cảnh tỉnh, răn đe mà ngược lại, việc xử lý nhiều làm cho “tình hình thêm phức tạp, nghiêm trọng”! 

Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch tung ra luận điệu, tham nhũng là bản chất của chế độ XHCN, là căn bệnh nan y của “chế độ độc đảng cầm quyền”; một đảng không thể chống được tham nhũng; do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng tất yếu xảy ra, rồi đi đến quy chụp tham nhũng là “do chế độ độc đảng cầm quyền”. Chúng suy diễn rằng, còn Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo thì còn tham nhũng và ngày càng táo tợn, trầm trọng hơn. Rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng vì Đảng cũng suy thoái; là sự phân chia quyền lực, là các trận đấu giữa băng này với nhóm kia trong hệ thống chính trị, trong hệ thống công quyền...

Chúng còn lớn tiếng hô hào, “chỉ tự do chính trị mới giúp Việt Nam chống được tham nhũng” và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam chỉ là mị dân; càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng gia tăng vì không có dân chủ; căn nguyên của tham nhũng là do Đảng đứng trên pháp luật... Từ đó, chúng kêu gọi muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi chế độ, phải đa nguyên, đa đảng, phải thực hiện “xã hội dân sự”… Mục đích của bọn chúng là làm cho quần chúng nhân dân và một bộ phận cán bộ, đảng viên mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, hòng chia rẽ nội bộ từ bên trong từ đó hướng lái chế độ theo con đường chủ nghĩa tư bản (CNTB).

Để có thể nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng một cách khách quan, toàn diện và phản bác lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc một cách trắng trợn, vô căn cứ của các thế lực thù địch, phản động thì chúng ta cần trả lời được câu hỏi tại sao phải phòng, chống tham nhũng?

Xuất phát từ cơ sở lý luận đến cơ sở thực tiễn đều chỉ ra công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp và lâu dài. Trước hết, chúng ta cần hiểu tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018), trong đó:

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định giải thích về khái niệm phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản phòng chống tham nhũng là việc cơ quan nhà nước nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung phòng bị trước và sẵn sàng chống lại các hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Quan điểm của V.I.Lênin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Người cảnh báo “Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó (tệ quan liêu, tham nhũng)” (1) và người cũng lưu ý rằng: Đây là cuộc đấu tranh lâu dài và cần có sự phối hợp, sự đồng bộ của các biện pháp.

Đồng thời, phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy Nhà nước Xô-viết những kẻ tham nhũng, tiêu cực: “Tôi rất mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người đã len lỏi vào Đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”(2)

Mặt khác, V.I.Lênin yêu cầu phải xử thật nặng, thật nghiêm những kẻ tham nhũng, đưa và nhận hối lộ trong Đảng, trong Nhà nước để nêu gương. Nhân việc Tòa án Mátxcơva xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, V.I.Lênin viết thư gửi cho những người có trách nhiệm: “Không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế thì đó là một việc xấu hổ cho những người cộng sản”; phải “lay động các tòa án nhân dân và dạy cho họ biết trừng trị một cách không thương xót, kể cả việc đem xử bắn... nhanh chóng những kẻ lạm dụng chính sách kinh tế mới”(3); “đối với người cộng sản, phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài đảng”(4).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng: Có thể khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và với trách nhiệm người đứng đầu Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng bộ máy tổ chức cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thật sự trong sạch, vững mạnh, trong đó chú trọng hơn đối với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tư tưởng đó thể hiện qua một số nội dung sau:

Thứ nhất, định danh tham nhũng, tiêu cực: Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là tham ô, ít khi dùng cụm từ “tham nhũng”, nhưng nghĩa cơ bản của hai cụm từ “tham ô”, “tham nhũng” gần giống nhau, ở chỗ “lấy của công dùng vào việc tư”(5); có lúc Người nói thẳng ra là ăn cắp của công, là gian lận; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung để làm quỹ riêng; khai gian, lậu thuế… Để tìm rõ nguồn gốc và bản chất của tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: vì đâu mà có lãng phí và tham ô. Người đã chỉ ra, tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra: “Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách… Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”(6); “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”(7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”(8). Người khẳng định: “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu”(9). Đồng thời, Người còn chỉ ra nhiều căn bệnh tiêu cực khác nữa, đặc biệt là “chủ nghĩa cá nhân” - “bệnh mẹ sinh ra nhiều bệnh con”. 

Đối với chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện cần nhận diện: Một là, tách rời lợi ích của cá nhân mình với lợi ích của Đảng. Hai là, chỉ vun vén cho lợi ích của cá nhân mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (tháng 02/1969): “Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(10). Ba là, coi cái tôi cao hơn tất thảy, bất chấp đường lối, chủ trương, nghị quyết, quyết định, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trăn trở về điều này, từ năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(11). Bốn là, phản bội Đảng, phản bội chế độ chính trị. 

Thứ hai, chỉ ra tác hại của tham nhũng, tiêu cực: Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gọi chung vào một cụm từ “tham ô, lãng phí, quan liêu” - đó là “giặc nội xâm”, thứ giặc nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, nằm ngay trong mỗi người, nằm ngay trong tổ chức của hệ thống chính trị. Có thể gọi tham nhũng là “nạn” hoặc “quốc nạn”, nhưng nên gọi tên đúng nhất là “giặc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi. Nếu là “nạn” thì dùng phương pháp chống nạn, còn đây là “giặc” thì phải dùng phương pháp chống giặc, giết giặc, tiêu diệt giặc. Tham nhũng/tham ô - lãng phí - quan liêu trở thành những nhân tố làm hại Đảng, làm hại Tổ quốc, nhưng những người mang bệnh này bất chấp, miễn là có lợi cho bản thân và gia đình mình. Lãng phí dễ thấy ở đây là lãng phí công sản, chi tiêu ngân sách không đúng quy định, lãng phí đầu tư, bị hối lộ chi phối, tìm trăm phương nghìn kế để cho những người xấu trúng thầu kinh doanh, còn bản thân mình hưởng lợi, chỉ biết có lợi trước mắt cho mình, kệ mặc cho những thế hệ sau này lo chịu hậu quả. Quan liêu đi kèm với tiêu cực là tham nhũng và lãng phí. Đất nước bị mất tiền của, điều đó rất đáng đau xót; nhưng, đáng buồn nhất, đau xót nhất là nhiều giá trị văn hóa bị băng hoại, đặc biệt làm cho niềm tin của Nhân dân, của xã hội đối với Đảng, Nhà nước bị suy giảm nhanh chóng. Mà khi Nhân dân đã suy giảm và mất niềm tin thì mất tất cả. 

Thứ ba, thái độ và biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu rằng, việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu vừa phải chủ động phòng ngừa, vừa phải kiên quyết tiến công, phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức thực hiện và có lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, tiến hành thường xuyên, liên tục, không “đánh trống, bỏ dùi”; phải có sự quyết tâm cao của người đứng đầu, sự cố gắng của cán bộ, phải thông qua các cuộc vận động. Người đã phát động Cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Thực tiễn cho thấy, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, bên cạnh tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền dân chủ nhân dân, Đảng ta rất chú ý đấu tranh với “giặc nội xâm”, trong đó biểu hiện rõ nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình là “thang thuốc hay nhất” để phòng, chống tham nhũng; phải kiên quyết, trung thực, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình nhằm đích làm cho mỗi cái tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, còn phần xấu bị mất dần đi. Tự phê bình cần làm thường xuyên như người ta rửa mặt hàng ngày; phải có lý, có tình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đồng thời, Người nhấn mạnh tới việc kiểm soát quyền lực; chú trọng lựa chọn những người làm công tác kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng, chọn những người liêm khiết, biết đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Ngoài ra, để kiểm tra, kiểm soát quyền lực không chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách mà quan trọng nhất cần phải dựa vào tai mắt của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc cần phải công khai trừng trị cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, suy thoái để răn đe, cảnh tỉnh. Ví dụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh y án xử tử hình Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là một điển hình nói lên tính nghiêm minh của Người trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào tình hình thực tiễn của đất nước; với quan điểm không có vùng cấm, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào và được tiến hành sâu rộng từ Trung ương đến cơ sở. Phương châm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đề ra là: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.

Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Muốn vậy cần “triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng... Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng”. Và yêu cầu phải “nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng... Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí”. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, 6,7 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; 300 bộ luật và hơn 2.000 văn bản từ Chính phủ đề cập tới chống tham nhũng, tiêu cực, tiêu biểu như:  

- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019;

- Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019;

- Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022;

- Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020.

- Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tiễn đã chứng minh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo đã được thực hiện ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2022, đó là: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác”. Kết quả cụ thể: 

Năm 2023, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các cơ quan chức năng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Về công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng: Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can.

Không chỉ là những vụ án điểm, hàng loạt các án kỷ luật đối với những sai phạm của các cán bộ đầu ngành, đầu tỉnh như việc xử lý Hoàng Thị Thúy Lan (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); ông Lê Duy Thành (phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); ông Đặng Văn Minh (Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)… cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và quyết liệt hơn góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng.

Đồng thời, Cuộc chiến chống tham nhũng là vấn đề không chỉ riêng Việt Nam chúng ta quan tâm mà được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm. Để đối phó với tình trạng này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Công ước về chống tham nhũng vào ngày 9/12/2003. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng là một phần không thể thiếu đối với những quốc gia phát triển như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU). Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á... đều tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng để tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia tổ chức triển khai cuộc chiến chống tham nhũng tạo động lực to lớn cho tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, một quốc gia trong khối ASEAN là Indonesia đã tổ chức cuộc chiến chống tham nhũng rất bài bản với việc công bố “đường dây nóng” để người dân có thể trực tiếp thông báo những vấn đề họ bức xúc; thành lập Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (KPK); thành lập Tổ cố vấn của Tổng thống về chống tham nhũng... Hơn nữa, Tổ chức Minh bạch quốc tế (AI) đã từng cho rằng tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Một số quốc gia có biểu hiện nguy hiểm khi tình trạng tham nhũng đã leo đến tận các nguyên thủ quốc gia như Hàn Quốc, Brazil Colombia, Malaysia; một số quốc gia thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng” đều theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo.

Do đó, việc cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là “căn bệnh nan y” của “chế độ độc đảng cầm quyền”, là “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “thanh trừng phe phái” nên “ai đen thì chết” chỉ xảy ra do Đảng Cộng sản lãnh đạo hay ở quốc gia do một đảng lãnh đạo, cầm quyền là hoàn toàn không đúng với thực tế, là sự quy chụp, suy diễn. Âm mưu của chúng là nhằm gây ra tình trạng nghi ngờ, hoang mang, gây lầm tưởng tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, thông qua đó, các đối tượng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, Nhà nước; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Từ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn trên đã cho thấy để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng và Chính phủ; cần xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; từ đó khẳng định sự đúng đắn của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam không phải như lời lẽ suy diễn, đầy hằn học, mưu toan chống phá của các thế lực thù địch.

Âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng thâm độc, xảo quyệt và phức tạp: Bất chấp những thành tựu đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, với dã tâm thâm độc, xảo quyệt, âm mưu chống phá đến cùng, thái độ hằn học mà các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ thủ đoạn nào để xuyên tạc, bôi nhọ, suy diễn vô căn cứ, bóp méo sự thật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Chúng đã đã không nhìn thấy hay cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những thành tựu to lớn và những  điều tốt đẹp mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm được. Với luận điệu trơ tráo, lố bịch, các thế lực thù địch cố tình dùng mọi thủ đoạn để thực hiện mưu đồ xấu xa; xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Lợi dụng công nghệ truyền thông, mạng xã hội và sự thiếu thông tin, hiểu biết của một bộ phận người dân để lập các trang web, đăng tải tin, video clip với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, gán ghép, dựng chuyện và cho rằng tham nhũng ở Việt Nam đang xảy ra ở khắp mọi nơi, ngõ ngách. Với những nhận định và kết luận vô căn cứ mang tính xuyên tạc, kích động, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân; sự hoài nghi về các chủ trương, quyết sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chúng dẫn dắt dư luận, gây tâm lý hoài nghi, dao động, tạo cớ, kích động và tạo sự đối lập, bất ổn từ bên trong và xa hơn là phá hoại, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội (XHCN) ở Việt Nam.

Trước những âm mưu và hành động của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong thời gian qua. Trên cơ sở nhận định trên, Đảng ta tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, cũng như trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn: “Tích cực phòng ngừa, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm” (12). Vì thế, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp, khuyến nghị cơ bản sau: 

Thứ nhất, Đảng ta cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quan điểm sai trái về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việt Nam đang trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đây cũng là tiền đề, điều kiện để các thế lực thù địch, các phần tử phản động tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc, đưa ra những quan điểm sai trái, thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt chúng triệt để tấn công vào công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua.

Thứ hai, tập trung đầu tư trang thiết bị, xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh, phản bác; chú trọng hướng dẫn kỹ năng diễn đạt, viết bài phản bác. Đồng thời, cần thiết lập các chương trình đào tạo liên ngành để tăng cường sự hiểu biết và tư duy toàn diện về những luận điệu của các thế lực thù địch.

 Ba là, phát huy vai trò của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng. Thông qua các hoạt động của báo chí giúp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về công tác này.

Bốn là, huy động các lực lượng, nhất là quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là lực lượng đông đào, góp phần thực hiện thắng lợi trên mọi mặt trận, do đó cần phải triệt để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân vào công cuộc đấu tranh này. Mỗi quần chúng là một “chiến sĩ”, với việc được trang bị đầy đủ kiến thức, nhận diện một cách đầy đủ, chính xác về các luận điệu “mị dân” của thế lực thù địch thì quần chúng nhân dân hoàn toàn có thể đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch này.

 

Có thể thấy, đất nước ta vẫn đang trong tiến trình hội nhập và phát triển, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của Đảng, các thế lực thù địch vẫn sẽ luôn “bấu víu” vào công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta để đưa ra các luận điệu “mị dân”, phủ nhận những thành quả mà ta đã đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, đồng thời vu khống, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng vẫn sẽ luôn là công tác thường xuyên, liên tục của Đảng để từ đó tiến tới xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đảng cầm quyền./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét