Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào

 Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân tình nguyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp cách mạng Lào, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, chung dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhân dân hai nước sớm có mối quan hệ bền chặt, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Trước họa xâm lăng của thực dân, đế quốc, từ năm 1930, nhân dân hai nước có chung Đảng cách mạng lãnh đạo, cùng kề vai, sát cánh đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo nên liên minh đoàn kết chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược. Theo đó, từ rất sớm, các đội vũ trang tự vệ Việt kiều yêu nước được tổ chức, phối hợp cùng lực lượng cách mạng và nhân dân Lào tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công. Thắng lợi này mở đầu kỷ nguyên mới về tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung.

Tiếp đó, theo yêu cầu của Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân, sát cánh cùng các đơn vị vũ trang yêu nước Lào, hình thành nên Liên quân Lào - Việt phối hợp với các đơn vị từ Việt Nam sang, chiến đấu, ngăn chặn các cuộc tiến công của địch, bảo vệ chính quyền cách mạng, cuộc sống của nhân dân, đưa cách mạng Lào vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước phát triển lực lượng, đẩy mạnh kháng chiến.

Từ những đơn vị hoạt động phân tán với quy mô là các tổ, đội, đến giữa năm 1949, lực lượng Quân đội Việt Nam giúp cách mạng Lào từng bước phát triển thành các đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn. Được sự giúp đỡ của Việt Nam, các căn cứ địa cách mạng ở Lào không ngừng được củng cố và mở rộng, lực lượng chính trị được xây dựng và phát triển rộng khắp, các đội vũ trang cách mạng của Lào lần lượt ra đời, tạo tiền đề quan trọng để ngày 20/01/1949, Quân đội Lào Ít-xa-la (tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay) được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Lào. Đây là kết quả của quá trình giúp đỡ Bạn xây dựng lực lượng của các đơn vị Quân đội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế trên đất Lào; là cơ sở để hai bên tăng cường phối hợp, thắt chặt liên minh đoàn kết chiến đấu.

Phát huy kết quả đạt được, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Từ đây, các đoàn quân giúp Bạn được định rõ sứ mệnh thiêng liêng “tình nguyện”, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, “đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về quy mô tổ chức lực lượng và thay đổi về chất, tạo ra lực mới để phối hợp tác chiến quy mô ngày càng lớn”2. Bên cạnh phối hợp đẩy mạnh hoạt động tác chiến, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam còn phát huy vai trò “đội quân công tác” giúp Bạn vận động nhân dân, xây dựng cơ sở quần chúng, tạo nên lực lượng chính trị hùng hậu cho cách mạng Lào.

Thắng lợi Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân hai nước bước sang giai đoạn mới, giành được quyền chủ động chiến lược, tạo cơ sở quan trọng để Quân tình nguyện và lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở nhiều chiến dịch tiến công địch, làm thay đổi cục diện chiến trường. Mùa xuân năm 1953, Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi đã giải phóng toàn bộ tỉnh Hủa Phăn, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc lưu vực sông Nậm U thuộc các tỉnh Luông Pha Băng, Phong Xa Lỳ, nối thông vùng tự do của Việt Nam với các vùng căn cứ địa, vùng tự do của Lào, tạo điều kiện cho cách mạng hai nước tiếp tục phát triển. Trên đà thắng lợi, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào tiếp tục phối hợp mở các chiến dịch tiến công giành thắng lợi ở Trung Lào (11/1953), Thượng Lào lần thứ hai (02/1954) và Hạ Lào (4/1954), tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực, góp phần căng kéo, phân tán mạnh khối chủ lực cơ động của địch, không cho thực dân Pháp tập trung quân, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam tập trung tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước hoàn cảnh lịch sử mới, trong những năm 1954 - 1958, để tiếp tục giúp Bạn khi những đoàn Quân tình nguyện rút về nước, Việt Nam thực hiện hình thức cố vấn quân sự, giúp Bạn ở ba cấp: Bộ Quốc phòng, Trường Quân chính và các đơn vị, địa phương. Từ giữa năm 1959, đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào công việc nội bộ của Lào, quyết liệt triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đáp ứng đề nghị của Đảng và Chính phủ kháng chiến Lào, Việt Nam thành lập Đoàn Chuyên gia quân sự 959 và sau đó lần lượt cử các đoàn Chuyên gia quân sự 463, 565 và các đoàn Quân tình nguyện 335, 316, 763, 766, 866, 968,... sang giúp Bạn xây dựng lực lượng, củng cố khu căn cứ và vùng giải phóng. Được sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, Quân đội Pa-thét Lào nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, kịp thời ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, bảo vệ căn cứ cách mạng ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phông Xa Lỳ, kết hợp đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các tỉnh khác, làm thất bại âm mưu bao vây, cô lập, tiêu diệt lực lượng cách mạng của đế quốc Mỹ và tay sai.

Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, các đơn vị Quân tình nguyện đã cùng quân và dân Lào tiến hành thắng lợi các chiến dịch có tính chất quan trọng, như: Nậm Thà (1962); 128, 74A (1964); Nậm Bạc (1968); Mường Xủi (1969); 139 (1970); Đường 9 - Nam Lào (1971); Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1972),… tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi về quân sự, hỗ trợ cho quân và dân Lào đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ tại Lào. Những thắng lợi vang dội đó đã góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (01/1973); đồng thời, tác động lớn đến cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Viêng Chăn (02/1973) đi đến thắng lợi, buộc Mỹ và Thái Lan phải rút hết quân, lập lại hòa bình và hòa hợp dân tộc ở Lào, tạo thế và lực cho cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 02/12/1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước thành công, các đơn vị quân tình nguyên Việt Nam rút về nước, nhưng từ cuối năm 1976, an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia của Lào lại bị đe dọa. Trước tình thế đó, theo yêu cầu chính thức của Đảng, Chính phủ Lào, Việt Nam cử hàng trăm chuyên gia quân sự sang giúp Bạn tại tất cả các cơ quan lãnh đạo thuộc Bộ Quốc phòng, các tỉnh trọng điểm, các đơn vị chủ chốt của Quân đội nhân dân Lào; đồng thời, đưa Quân tình nguyện Việt Nam sang cùng Bạn giữ các địa bàn xung yếu, chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang của Bạn tổ chức các đợt truy quét tiêu diệt các tốp, toán phản động có vũ trang, bảo vệ vững chắc các mục tiêu, giữ vững an ninh chính trị. Để giữ vững thành quả cách mạng, ta trực tiếp giúp Bạn phát động quần chúng, củng cố chính quyền, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và các phong trào tại các mường, bản, tạo điều kiện để Bạn từng bước vươn lên làm chủ tình hình, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch.

Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh, giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam, đồng chí Caysone Phomvihane, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào nhấn mạnh: “Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam, trên mọi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào chúng tôi”3.

Với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp cách mạng Lào luôn thể hiện ý chí chiến đấu và trách nhiệm chính trị cao, vượt mọi khó khăn, gian khổ vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Mọi cán bộ, chiến sĩ đều một lòng hết mực thủy chung, trong sáng, đồng cam cộng khổ, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho Bạn, giúp Bạn xây dựng địa bàn, phát triển lực lượng, kết hợp hoạt động đánh địch với xây dựng cơ sở chính trị, sát cánh chiến đấu cùng Bạn để đưa sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung đi đến thắng lợi và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, độc lập, chủ quyền của Bạn. Với vai trò là lực lượng nòng cốt của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; trực tiếp góp phần quan trọng xây dựng, vun đắp, củng cố mối quan hệ, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, “Quân tình nguyện Việt Nam có quyền tự hào vì những đóng góp máu xương vào thắng lợi của quân và dân Lào anh em trong suốt chặng đường dài mấy mươi năm chiến đấu và công tác trên đất nước Triệu Voi anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân trao cho”4, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí quyết chiến quyết thắng, khí phách kiên cường, lòng quả cảm và sức mạnh đoàn kết của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào.

Những đóng góp to lớn đó đã góp phần quan trọng để ngày càng vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới./.

St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét