“Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã đi vào lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam, con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng; một “huyền thoại có thật”, một “kì tích” của dân tộc ta. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo chiến lược của Đảng về chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Vì thế, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” không chỉ là “kỳ tích” mà là huyền thoại có thật.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Ngày 01/6/1959, Tiểu đoàn 301 trực thuộc Đoàn 559 ra đời, có nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam. Đến tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, những người lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 con thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí cũng như dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam.

Những chuyến thuyền từ Nam Bộ vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do đồng chí Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng.

Ngày 23/10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Với sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển, hai tuyến vận tải chiến lược trên biển và trên bộ song song hoạt động, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ thống vận tải tương đối hoàn chỉnh, chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, vào giai đoạn cuộc kháng chiến ở miền Nam gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển, “Đoàn tàu không số” đã kịp thời vận chuyển vũ khí, trang bị đến những địa bàn xa hậu phương, sâu trong vùng địch tạm chiếm, bảo đảm cho quân và dân miền Nam “đánh mạnh, thắng to”. Thực tế, với nguồn chi viện ngày càng lớn từ hậu phương miền Bắc, cách mạng miền Nam đã giành được thắng lợi từng bước vững chắc, lần lượt làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của địch.

Trong 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125, ngày 30/4/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; ngày 01/01/1967, Quốc hội, Chính phủ tặng Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn 125 lần thứ nhất và lần thứ hai vào ngày 03/6/1976....và nhiều phần thưởng, danh hiệu vinh dự Nhà nước cùng với các danh hiệu thi đua khác; xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Mưu trí, dũng cảm; khắc phục khó khăn; vận tải đường biển; chi viện chiến trường, quyết chiến quyết thắng”.

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Cùng với dòng chảy lịch sử, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng gửi đến bạn đọc một số hình ảnh về hoạt động của cán bộ, chiến sĩ gắn với kỳ tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển”: 

Cán bộ Đoàn 125 Hải quân theo dõi chỉ huy chiến dịch vận chuyển VT5, vận chuyển vũ khí qua "Đường Hồ Chí Minh trên biển".  
 
Tàu vận tải cải dạng Đoàn 125 HQ đang trên đường vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam. 

Cán bộ, chiến sĩ tàu số 3 do Thuyền trưởng Phạm Đức Dục và Chính trị viên Hồ Đức Thắng chỉ huy sau chuyến vận chuyển 32 tấn vũ khí vào Cà Mau thành công, tháng 11/1962.

 Thuyền gỗ của Đoàn 962 (Quân khu 9) tiếp nhận, vận chuyển vũ khí do tàu của Đoàn 125 HQ chi viện tại bến Cà Mau, năm 1963.

Tàu vận tải cao tốc 235, Đoàn 125 Hải quân trên đường vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam ở Nha Trang, năm 1968.

Tàu vận tải cải dạng của Đoàn 125 HQ vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, giai đoạn 1965 - 1972.

 Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 (Quân khu 9) tiếp nhận vũ khí do Đoàn “Tàu Không số” chi viện tại bến Rạch Gốc (Cà Mau), năm 1963.
Tàu của Đoàn 125 HQ trên đường vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, tháng 4/1966. 

Lễ đón nhận Danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND lần thứ 2 của Đoàn 125 HQ tổ chức tại Bộ Tư lệnh Hải quân, ngày 3/6/1976.