Mục tiêu xuyên suốt, cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu trên, các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền, kích động, kêu gọi tán dương, cổ xúy cho quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn dùng mọi “ngón đòn” tinh vi, xảo quyệt hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Một trong những âm mưu cực kỳ thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị là “tấn công” phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất, chặt chẽ về mặt tổ chức và hoạt động của Đảng, làm cho Đảng tan rã cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ hòng thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi Việt Nam thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Trong bối cảnh chúng ta thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước sự vận động, phát triển của tình hình cách mạng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc, thổi phồng, bôi đen, bóp méo, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đòi Việt Nam thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Thực hiện âm mưu này, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã tập trung thực hiện các thủ đoạn như:
Một là, lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, “núp bóng dân chủ”, “đội lốt nhân quyền” tung chiêu bài “thư ngỏ”, “góp ý”, “hội thảo khoa học” rêu rao cho rằng: “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới là dân chủ. Nếu không thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, Đảng sẽ mất sức chiến đấu, uy tín của Đảng bị giảm sút, không còn đủ sức lãnh đạo cách mạng, tất yếu Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo. Họ cho rằng, chế độ một Đảng chỉ phù hợp khi Đảng còn hoạt động bí mật hoặc trong điều kiện chiến tranh, nay thời bình, chế độ một Đảng là lỗi thời, không còn phù hợp, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới trì trệ, tiêu cực.
Hai là, lợi dụng ca ngợi Đảng và Bác Hồ đã vận dụng tốt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng trong thời chiến. Nhưng lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để đánh lận và “đổ lỗi” cho những khuyết điểm, hạn chế đó đều do chế độ một Đảng “không còn phù hợp” trong thời bình, trong bối cảnh đất nước đổi mới, hội nhập sâu rộng... Vì vậy, họ đòi Việt Nam phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.
Ba là, xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo cho rằng một đảng là độc đoán, chuyên quyền, không có đối trọng, không có dân chủ, xã hội không phát triển, không thể có dân chủ trong chế độ một đảng duy nhất cầm quyền. Việt Nam muốn dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì cần phải chấm dứt sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản. Bởi, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là xu hướng của thời đại, của các quốc gia trên thế giới, là “hướng đi”, “bước tiến” đúng đắn của Việt Nam (!?). Đây là âm mưu cổ súy cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hòng tạo cơ hội cho các lực lượng phản động, thù địch “ngóc đầu” chống phá Đảng, Nhà nước ta, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Bốn là, đã quy chụp, đánh đồng hiện tượng thành bản chất, rằng: Tham nhũng là bản chất của Đảng, là hệ quả của một đảng cầm quyền; mục đích của Đảng đã thay đổi không còn vì nước, vì dân như thời Bác Hồ còn sống mà giờ đây là vì lợi ích nhóm, lợi ích của cán bộ, đảng viên. Họ còn cho rằng: Chống tham nhũng là để thanh trừng phe, cánh chứ không phải là để làm cho Đảng sạch hơn, mạnh hơn. Từ đó họ vừa “khuyên”, vừa yêu cầu Việt Nam nên và cần phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, bởi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới thực sự dân chủ, hơn nữa việc thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần tất yếu dẫn tới “đa đảng đối lập”, và chỉ như vậy mới là dân chủ, mới có nhiều dân chủ (?)…
Có thể nói rằng, trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt hòng làm cho Đảng tan rã về mặt tổ chức và hoạt động, làm phân liệt về chính trị, tư tưởng, tổ chức; mất sức chiến đấu và mất vai trò lãnh đạo dẫn đến phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Sẽ là một sai lầm cực kỳ nguy hiểm và nguy hại nếu như chúng ta nhận diện không đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Việt Nam thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” đây là quan điểm hết sức nguy hiểm cần nhận diện, đấu tranh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét