Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Mối quan hệ giữa thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Thứ nhất, thực hành dân chủ trong Đảng là “hạt nhân”, tạo động lực, điều kiện và nêu gương để thực hiện, phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội; đồng thời, thực hành dân chủ trong xã hội là điều kiện cần thiết để củng cố, tạo môi trường, xung lực cho thực hành dân chủ trong Đảng.

Thực hành dân chủ trong Đảng và phát huy dân chủ trong xã hội có mối quan hệ biện chứng, tác động qua, luôn bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau. Đó là hai mặt của một chỉnh thể. Tuy nhiên, chỉ có tăng cường thực hành dân chủ trong Đảng rộng rãi, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương thì mới có thể tiến hành mở rộng và phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội, vì Đảng ta giữ vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và toàn xã hội. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi đảng viên ở bất cứ địa vị nào cũng phải làm gương thực hành dân chủ trong công tác, để tạo điều kiện cho mỗi người và quần chúng nhân dân nhiệt thành phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả công việc. 

Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là, có bảo đảm và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới bảo đảm được dân chủ của toàn xã hội. Quyền lãnh đạo của Đảng được xuất phát từ sự ủy quyền của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân; Đảng trở thành hạt nhân chính trị của toàn xã hội, là nhân tố tiên quyết để bảo đảm tính chất dân chủ của xã hội. Thực hành dân chủ trong Đảng trở thành yếu tố quyết định, tạo động lực cho thực hành dân chủ đầy đủ trong toàn xã hội. Người chủ trương xây dựng các tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vững mạnh để bảo đảm dân chủ và thực hành dân chủ có hiệu quả, thực chất trong xã hội. Kế thừa và phát triển những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”.

Thực tế cho thấy, khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, luôn xuất hiện các nguy cơ thoái hóa, biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân… của một bộ phận cán bộ, đảng viên và điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, trù liệu từ rất sớm. Do vậy, trước tiên, Đảng cần phải kiên quyết chống mọi biểu hiện, hành vi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng dưới mọi hình thức, như dân chủ hình thức, độc đoán, chuyên quyền, lợi dụng, lạm dụng chức quyền, bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để trục lợi cá nhân, hoặc chỉ phục vụ cho “lợi ích nhóm” tiêu cực.

Dân chủ trong Đảng là tấm gương phản chiếu dân chủ trong xã hội; vì vậy, nếu dân chủ trong xã hội chỉ là hình thức, chiếu lệ hay sự mất dân chủ diễn ra tràn lan thì khó có thể nói đến dân chủ thực sự trong Đảng. Bởi lẽ, thực hành dân chủ rộng rãi trong xã hội sẽ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, “bầu không khí” cần thiết và là sự thôi thúc cho thực hành dân chủ trong Đảng. Và rõ ràng, chỉ trên nền tảng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì dân chủ trong nội bộ Đảng mới càng có thêm sinh lực, sức sống, phản ánh được thực tiễn xã hội phong phú; tập trung, phát huy được trí tuệ của toàn dân tộc và nhờ đó mà Đảng ngày càng được củng cố, vững mạnh hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh mới, để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hành dân chủ rộng rãi trong xã hội còn góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo điều kiện tiên quyết để nhân dân có thể tiến cử những người có đủ đức, đủ tài, có tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, không bỏ sót nhân tài, kể cả nhân tài ngoài Đảng. Chỉ có dựa vào nhân dân, gắn với quá trình dân chủ hóa xã hội thực sự, thì mới có điều kiện phát hiện, thu hút, tuyển dụng, sử dụng và trọng dụng được nhân tài trong xã hội cho Đảng, góp phần vào thực hiện có hiệu quả, dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm công tác cán bộ của Đảng - “nhiệm vụ then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Thực hành dân chủ trong xã hội vừa là “chìa khóa” để giải quyết được những khó khăn, thách thức ngày càng nhiều hơn trước, vừa góp phần thúc đẩy tính tích cực, chủ động của nhân dân; khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Thứ hai, thực hành dân chủ trong Đảng là cơ sở để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng.

Chính vì nhận thức rõ vai trò, sức mạnh to lớn của dân chủ nói chung mà trong tư tưởng Hồ Chí Minh có sự gắn bó chặt chẽ giữa dân với dân chủ, dân chủ với dân vận và công tác dân vận, dân chủ với đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo nên sức mạnh to lớn nhằm thực hiện và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Do đó, theo Người, phải đẩy mạnh thực hành dân chủ, vì có dân chủ mới có đồng thuận xã hội; dân chủ và đoàn kết phải đi liền với nhau thì mới tạo ra sự đồng thuận xã hội - tiền đề để phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo… Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời sự. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, chỉ có thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng thì mới tạo nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc củng cố và phát triển, tăng cường sự đồng thuận xã hội và sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chế độ và nhờ đó, cách mạng Việt Nam mới vượt qua được muôn vàn khó khăn, thách thức; đạt được nhiều thành tựu to lớn, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cả trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.

Thứ ba, thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội đều tạo sinh lực cho sự ra đời những sáng kiến, tinh thần hăng hái đổi mới, sáng tạo, khắc phục tư duy bảo thủ, giáo điều, sự trì trệ cả trong Đảng và trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, “dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo”. Rõ ràng, chỉ khi phát huy và thực hành được dân chủ rộng rãi thì đảng viên, quần chúng nhân dân mới đề xuất được nhiều sáng kiến, hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhận thấy rõ đoàn kết, sáng kiến và sự nhiệt huyết của cán bộ cũng như của nhân dân chính là kết quả của dân chủ, nên Người yêu cầu “phải thật sự thi hành dân chủ trong Đảng và trong quần chúng”. Theo Người, một khi có dân chủ thực sự thì mỗi người dân sẽ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất những sáng kiến tâm huyết của mình; đồng thời, người cán bộ, đảng viên mới có gan dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có dân chủ thì sẽ khắc phục được thói áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tránh được tư duy bảo thù, trì trệ và mọi người có được quyền tự do tư tưởng, tự do thảo luận và khi ấy, tự do tranh luận, thảo luận lại chính là quyền tự do phục tùng chân lý. Do vậy, Người nhấn mạnh, điểm cốt lõi về thực hành dân chủ ở đây còn là và chính là “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”.

HAIVAN    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét