Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Nâng cao chất lượng quản lý Đảng viên ở nước ngoài trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp.

 Những năm qua, công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực đối ngoại, để đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong giai đoạn mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước, đòi hỏi cần có sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm, đúng quy định của các cấp, các ngành, với những giải pháp đồng bộ, toàn diện.

Công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước luôn được coi trọng

Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động đối ngoại, như ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương; các hoạt động đầu tư, thương mại… khiến cho số lượt cán bộ, đảng viên ra ngoài nước ngày càng tăng, trải rộng khắp các châu lục. Mỗi năm có hàng nghìn lượt ra ngoài nước với mục đích công tác, học tập, chuyên gia, lao động, làm ăn, sinh sống… Số đảng viên ra ngoài nước ngắn hạn theo chương trình công tác, học tập theo các đề án của các bộ, ngành và số đảng viên đi du lịch, thăm thân tiếp tục tăng lên đáng kể. Hằng năm, Đảng ủy Bộ Ngoại giao tiếp nhận và chuyển sinh hoạt đảng với lưu lượng đảng viên biến động khoảng 30% mỗi năm. Nhìn chung, đảng viên ra ngoài nước đã phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, có bản lĩnh chính trị tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Sự phát triển nhanh chóng số lượng đảng viên ra nước ngoài và trải rộng trên nhiều châu lục, nhiều địa bàn, tới tất cả các nước, các vùng, các tổ chức quốc tế mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ đầu tư, thương mại, đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực đối ngoại, mở rộng các địa bàn, làm tốt các khâu trong công tác quản lý đảng viên, công tác vận động quần chúng ngày càng hiệu quả; phát huy tốt vai trò của đảng viên trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng với thế giới, thực hiện thành công ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần đưa nước ta vươn mình, xây dựng cơ đồ, vị thế vững chắc trên trường quốc tế; góp phần vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các ngành, các cấp “vừa hồng, vừa chuyên” cho đất nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác, học tập ở ngoài nước, nhiều cán bộ, đảng viên về nước công tác trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp và có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, hình thành, mở rộng các tổ chức quần chúng, tích cực nắm tình hình tư tưởng đảng viên, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống; chống tham ô, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở ngoài nước, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước.

Các tổ chức đảng, đảng viên ở ngoài nước đã và đang tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, tập hợp, đoàn kết quần chúng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Từng bước xây dựng cộng đồng người Việt Nam ổn định, hội nhập, phát triển, điển hình như chính quyền Czech Republic, Slovakia công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số của nước mình. Người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp cho quê hương qua đầu tư sản xuất, kinh doanh, lượng kiều hối gửi về nước ngày càng tăng, tham gia ủng hộ đồng bào ở những vùng bị thiên tai, bão lụt…

Mặt khác, việc đảng viên ra nước ngoài ngày càng nhiều, địa bàn ngày càng rộng, dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp phát sinh, đã đặt ra nhiều thách thức mới trong công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước. Trước hết, khi đảng viên ra ngoài nước từ nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương, chủ yếu đi riêng lẻ, không đi theo đoàn, nhóm, nên việc tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và nhiệm vụ của đảng viên ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, chưa tổ chức được thường xuyên, đầy đủ cho đảng viên trước khi ra nước ngoài.

Số lượng đảng viên đông, biến động lớn, phạm vi hoạt động rộng, chịu tác động rất lớn bởi chính sách, luật pháp nước sở tại cũng như sự xa cách về địa lý gây khó khăn cho thông tin chỉ đạo từ trong nước; vì vậy, việc triển khai đầy đủ, đúng quy trình các nội dung về công tác quản lý đảng viên còn có những hạn chế nhất định.

Việc thực hiện kiểm tra, giám sát đảng viên ở ngoài nước, nhất là với đảng viên ngoài cơ quan đại diện gặp nhiều khó khăn. Điều kiện thực hiện đầy đủ quy trình công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, bên cạnh đó cơ sở vật chất còn eo hẹp, kinh phí hoạt động của các tổ chức đảng rất hạn chế.

Nhiều đảng bộ có số lượng đảng viên lớn, phân tán, thiếu cán bộ chuyên trách, lại đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh, như đảng viên kết hôn với người nước ngoài,... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch liên tục móc nối, lôi kéo, cài cắm để chống phá ta với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội; thậm chí, dùng tiền, vật chất,... để mua bán, trao đổi, thao túng,...

Để làm tốt công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước, những năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn bản cụ thể hóa công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước(1). Việc ban hành các quy định này đã góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc xét, làm thẻ đảng viên khi đảng viên được công nhận chính thức tại tổ chức đảng ở ngoài nước; trách nhiệm quản lý thẻ đảng khi đảng viên chuyển sinh hoạt đảng ra ngoài nước hoặc trở về nước, tạo thêm cơ sở pháp lý trong bố trí sinh hoạt đảng, quản lý đảng viên và phát huy vai trò của tổ chức đảng ở ngoài nước; xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy trong triển khai thực hiện những nhiệm vụ quản lý đảng viên.

Công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước được Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Ngoại giao xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Đảng viên ở ngoài nước được bố trí sinh hoạt đảng trong các chi bộ, số ít bố trí sinh hoạt lẻ. Cấp ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên, đề cao việc đảng viên tự giác phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu chấp hành các quy định, quy chế, kỷ luật làm việc, học tập, lao động, chống các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, vi phạm pháp luật của nước sở tại; đồng thời, giữ quan hệ với nhân dân nước sở tại và bạn bè quốc tế.

Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên được các cấp ủy quan tâm triển khai chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Hằng năm, các cấp ủy kết nạp hàng trăm quần chúng ưu tú vào Đảng, chủ yếu là lưu học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đoàn, hội, cộng đồng, không vi phạm pháp luật nước ta và nước sở tại. Vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay đối với đảng viên ở ngoài nước được các cấp ủy thực hiện chặt chẽ, chủ động, hiệu quả. Các cấp ủy chú trọng rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm về chính trị nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lệch lạc, làm trái với đường lối, quan điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát đảng viên ở ngoài nước được chú trọng, thường xuyên kiện toàn đội ngũ các ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp, phân công ủy viên phụ trách công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra đã xây dựng và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý đảng viên. Kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần răn đe, phòng ngừa vi phạm, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Bên cạnh những thuận lợi, những mặt đã làm tốt, công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn. Trước hết, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương trong triển khai công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước chưa đồng đều, chưa chặt chẽ. Nhận thức của một số cấp ủy và đảng viên về công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước chưa đầy đủ; việc củng cố, kiện toàn tổ chức đảng đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý đảng viên, từng bước số hóa bảo đảm thuận tiện cho việc chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên và quản lý hồ sơ đảng viên đến nay vẫn chưa được thông suốt. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng còn gặp nhiều khó khăn, việc nắm diễn biến tư tưởng, quá trình rèn luyện tư cách, đạo đức của đảng viên kết quả còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát các chuyên đề về quản lý đảng viên ở ngoài nước chưa triển khai đồng bộ; ở một số tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra và cán bộ phụ trách công tác kiểm tra chưa được kiện toàn, bổ sung kịp thời, nhiều đồng chí tham gia kiêm nhiệm cấp ủy và công tác kiểm tra, giám sát nhưng ít có điều kiện đầu tư cho công tác được phân công; thực hiện kiểm tra, giám sát đảng viên ngoài cơ quan đại diện và đảng viên sinh hoạt lẻ gặp nhiều khó khăn. Sinh hoạt đảng chưa duy trì nền nếp, nhất là đối với các chi bộ ngoài cơ quan đại diện, nhiều đảng viên khi ra nước ngoài thường lấy lý do khoảng cách xa xôi, đi lại khó khăn, tốn kém nên không liên hệ kịp thời với tổ chức đảng, có biểu hiện ngại sinh hoạt đảng. Một số cấp ủy đánh giá, nhận xét đối với đảng viên còn nặng về hình thức, thiếu cụ thể, biểu hiện “dĩ hòa vi quý”, vì vậy chưa đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên, chưa giúp đảng viên phấn đấu, rèn luyện tốt đồng thời gây khó khăn cho cấp ủy, cơ quan trong nước tiếp nhận, bố trí sử dụng về sau.

Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, khó khăn trên bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trước hết, công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, các bộ, ngành, các địa phương, mà thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy Bộ Ngoại giao và cấp ủy các cơ quan đại diện ở ngoài nước, nhưng sự phối hợp giữa các chủ thể này trong triển khai công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước chưa đồng đều, chưa chặt chẽ. Nhận thức của một số cấp ủy và đảng viên về công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước chưa đầy đủ, chưa thấy được hết những khó khăn của công tác này.

Công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước là hoạt động đặc thù, không công khai và chịu sự chi phối bởi luật pháp cũng như thái độ thân thiện hay không thân thiện của chính quyền các nước sở tại; môi trường làm việc, học tập, môi trường sống của họ cũng rất đa dạng, phức tạp…, vì vậy, hiệu quả của công tác này phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác, sự gương mẫu của đảng viên. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch chống phá rất quyết liệt, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội kết hợp với việc móc nối, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo,... Những khó khăn trên ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước.

Một số giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước trong thời gian tới

Những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Đất nước ta có nhiều thuận lợi, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập và lao động sẽ ngày càng nhiều. Tình hình sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều thách thức tác động nhiều chiều đến công tác đảng ngoài nước nói chung và công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước nói riêng. Trước tình hình đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy ở trong và ngoài nước về quản lý đảng viên ở ngoài nước, luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm, đúng quy định của các cấp, các ngành, nhất là trong phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; phổ biến nhiệm vụ cho đảng viên trước khi ra nước ngoài; phối hợp trong giới thiệu sinh hoạt đảng, tiếp nhận, quản lý đảng viên, đánh giá, nhận xét, cũng như trong xem xét, xử lý đảng viên vi phạm.

Hai là, tổ chức đảng, cấp ủy thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của đảng viên qua thực hiện nhiệm vụ được chi bộ giao, thông qua sinh hoạt đảng, trao đổi, trò chuyện. Từ đó, chú trọng công tác đấu tranh phòng ngừa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi đảng viên. Đảng viên sống, làm việc, học tập ở ngoài nước, vì vậy tổ chức đảng phải kịp thời định hướng tư tưởng cho đảng viên trước những thông tin sai lệch của các thế lực thù địch, phản động; nhắc nhở đảng viên giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, thận trọng khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để phòng tránh bị thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc.

Ba là, cấp ủy các cấp cần nắm vững nguyên tắc xây dựng Đảng, quy định của Điều lệ Đảng; đồng thời, phải linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, hình thức sinh hoạt đảng, cách thức quản lý đảng viên phù hợp với điều kiện hoạt động ở ngoài nước. Thực hiện chặt chẽ, đúng quy định về nghiệp vụ công tác quản lý đảng viên, nhất là trong công tác chuyển và tiếp nhận đảng viên sinh hoạt đảng, phối hợp với cấp ủy nơi đến để tiếp nhận, bố trí sinh hoạt đảng; thường xuyên theo dõi, kịp thời nhắc nhở đảng viên thực hiện đúng quy định về chuyển và tham gia sinh hoạt đảng; chỉ đạo cấp ủy cơ sở cần định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) đối khớp danh sách đảng viên với cấp ủy trực thuộc; thực hiện nghiêm túc các quy trình, thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức trong các đảng bộ theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Đẩy mạnh cải cách hành chính đảng nhanh, gọn, nhưng chặt chẽ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các quy trình quản lý đảng viên, chuyển sinh hoạt đảng.

Bốn là, kịp thời rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, thường xuyên đối khớp đảng viên, quản lý chặt đảng viên đang sinh hoạt, đảng viên miễn sinh hoạt,…; chuẩn hóa hồ sơ đảng viên, lý lịch đảng viên, phát và quản lý thẻ đảng viên. Ở ngoài nước, đảng viên sống, làm việc phân tán, độc lập; vì vậy, cần chú trọng làm tốt việc phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên, tạo điều kiện để đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và tính tự nguyện, tự giác của người đảng viên trong việc chấp hành quy định của Điều lệ Đảng, phát huy vai trò của đảng viên trong xây dựng tổ chức và tham gia các hoạt động cộng đồng.

Năm là, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành những chủ trương về công tác đảng ở ngoài nước nói chung và công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước nói riêng; trước mắt, tham mưu để có chủ trương giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Thực hiện tốt công tác quản lý, đồng thời có biện pháp bảo vệ cán bộ, đảng viên, lưu học sinh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, hiện đang công tác, học tập, nghiên cứu, lao động ở nước ngoài, không để các thế lực thù địch, các cơ quan đặc biệt của nước ngoài móc nối, mua chuộc, lôi kéo; đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Cấp ủy các cấp xem xét, xử lý số đảng viên vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, không tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét