Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

KHÔNG LẠM DỤNG LÀM BIẾN TƯỚNG TỪ “QUỐC DÂN”


Để góp phần giữ gìn sự chuẩn mực, trong sáng của tiếng Việt, với vai trò là cầu nối thông tin văn hóa với công chúng, báo chí truyền thông cần có trách nhiệm hiểu đúng, dùng đúng từ “quốc dân”, không nên sử dụng từ này một cách tràn lan, ghán ghép một cách khiên cưỡng.
Từ “quốc dân” mang ý nghĩa lớn lao, trang trọng
Quốc dân vốn có nghĩa là “người trong một nước”, “nhân dân trong một quốc gia”. Đây là một từ ngữ mang ý nghĩa chính trị, thể hiện tính trang nghiêm, trang trọng và thường gắn liền với những sự kiện, hoạt động gắn với đời sống chính trị của quốc gia.
Một trong những sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam gắn liền với từ “quốc dân”, đó là ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào để bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền về nhân dân. Quốc dân Đại hội Tân Trào là tiền thân của Quốc hội Việt Nam - cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân và thể hiện sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Trong nhiều bài viết, bài nói ở những thời điểm quan trọng của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lúc dùng từ “quốc dân”, hay “quốc dân đồng bào” với hàm ý đề cao vị trí, vai trò, sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân trong nước, qua đó khích lệ đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước thương nòi và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đánh đuổi thực dân đế quốc, quyết giành độc lập, tự do cho dân tộc. Người từng khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân”.
Với ý nghĩa đó, có thể nói rằng, khi nói đến từ “quốc dân” là nói đến những vấn đề mang tính quốc gia đại sự, những việc làm, hành động gắn với quy mô, tầm vóc lớn lao nên có sức tác động, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị, xã hội.
Đến lạm dụng từ “quốc dân” tràn lan, biến tướng
Tuy vậy, thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội xuất hiện khá nhiều từ “quốc dân” gắn vào đối tượng cụ thể, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, thể thao... gặt hái được một số thành tựu nào đó trong nghề nghiệp và thu hút sự quan tâm của công chúng. Ví như: “Mẹ chồng quốc dân” nói về vai diễn ấn tượng của một nữ diễn viên đóng vai mẹ chồng trong một bộ phim truyền hình dài tập. “Ông bố quốc dân” nói về một nam diễn viên đã có những cử chỉ chăm lo hết mực dành cho đứa con trai kém may mắn. “MC quốc dân” nói về một người dẫn chương trình thường “chiếm sóng” ở nhiều gameshow truyền hình. “Cầu thủ quốc dân” nói về một cầu thủ bóng đá mới nổi trong làng túc cầu Việt Nam. “Hoa hậu quốc dân” nói về một cô hoa hậu là người dân tộc thiểu số hay xuất hiện ở nhiều sự kiện văn hóa, giải trí...
Bên cạnh đó, từ “quốc dân” cũng được gán với những người có hành vi, cử chỉ, ngoại hình ít nhiều tạo sức ảnh hưởng trong cộng đồng, dù đôi khi đó chỉ là hiện tượng nhất thời, ví như: “thầy giáo quốc dân”, “bà vợ quốc dân”, “ông chồng quốc dân”, “bạn trai quốc dân”, “em gái quốc dân”...
Khách quan mà nói, việc dùng từ “quốc dân” gắn với những con người có cử chỉ, hành động, việc làm tích cực, nhân văn, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng, đất nước cũng không ngoài mục đích nhân lên những giá trị tiến bộ trong cuộc sống, xã hội. Tuy nhiên, sự lạm dụng từ “quốc dân” một cách thái quá, hay gán ghép không đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ khiến cho không ít người được tung hô rất dễ tự ảo tưởng về bản thân và đó là “mảnh đất màu mỡ” dung túng cho “bệnh ngôi sao” như một “vết dầu loang” làm vẩn đục môi trường văn hóa xã hội và đời sống nghệ thuật, giải trí. Đấy là chưa kể một số người nào đó có những những hành vi tiêu cực, sai trái, nhố nhăng, phản cảm được nhiều người biết đến cũng được báo chí, truyền thông ghép với từ “quốc dân”, ví như: “tên trộm quốc dân”, “gã nghiện rượu quốc dân”, “cô ả hung dữ quốc dân”, “tay ăn chơi quốc dân”... Sự gán ghép này vừa gượng gạo, ngô nghê, vừa làm “ô nhiễm” sự trong sáng của tiếng Việt.
Trên thực tế, không hẳn ai cũng thoải mái với việc được gán ghép với từ “quốc dân”. Mới đây, một hoa hậu khá tên tuổi từng lên tiếng đề nghị báo chí, truyền thông không gọi cô là “hoa hậu quốc dân”. Bởi cô thẳng thắn bày tỏ, từ “quốc dân” mang ý nghĩa lớn lao, trang trọng, nên cô không dám nhận mình là “hoa hậu quốc dân”, mà ngược lại chỉ muốn tự nhận mình là “hoa hậu bình dân” cho thân mật, dân giã, phù hợp với tính cách mộc mạc, giản dị vốn có của cô.
Khi nói đến từ có yếu tố “quốc” (Tổ quốc, quốc gia, quốc dân, quốc kỳ, quốc khánh, quốc thể, quốc lễ...) đều là những từ mang ý nghĩa chính danh, trang trọng, chuẩn mực. Vì vậy, để góp phần giữ gìn sự chuẩn mực, trong sáng của tiếng Việt, với vai trò là cầu nối thông tin văn hóa với công chúng, báo chí truyền thông cần có trách nhiệm hiểu đúng, dùng đúng từ “quốc dân”, không nên sử dụng từ này một cách tràn lan, ghán ghép một cách khiên cưỡng./.
Tạp chí Tuyên giáo
Có thể là hình ảnh về 2 người


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét