Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

NHẬN THỨC MỚI CỦA MỘT SỐ ĐẢNG CỘNG SẢN VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

 

Một là, các đảng cộng sản đã khẳng định mục đích của công cuộc cải cách, đổi mới là đưa đất nước phát triển vững chắc theo con đường CNXH.

Tư tưởng căn bản của C.Mác và Ph.Ăngghen về tính tất yếu của sự phát triển xã hội loài người lên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa được xây dựng trên quan niệm duy vật về lịch sử. Trên cơ sở chỉ ra các quy luật khách quan, quy định sự vận động, phát triển của xã hội loài người, đó là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng và biểu hiện về mặt xã hội là quy luật đấu tranh giữa các giai cấp đối kháng, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đi đến kết luận khoa học về “sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”. Điều đó đã làm cho học thuyết của các ông mang tính khoa học, cách mạng và có giá trị lý luận, thực tiễn vạch thời đại. 

Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu mặc dù đã tạo nên một cơ chấn địa, chính trị - xã hội to lớn, làm cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào khủng hoảng và tạm thời thoái trào nhưng đã không làm mất đi xu thế phát triển lên CNXH. Một số đảng cộng sản đang nắm quyền (cầm quyền) đã tiếp tục khẳng định tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận thức rõ sự cần thiết và tiến hành công cuộc đổi mới, cải cách đất nước giành thắng lợi, như cải cách, mở cửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1978); đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986); chủ trương cập nhật mô hình CNXH (kinh tế - xã hội) của Đảng Cộng sản Cuba (2011)... Trong đó, các đảng cộng sản đều xác định, mục đích của đổi mới, cải cách, mở cửa, hay cập nhật mô hình kinh tế - xã hội là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, phát triển nhanh, mạnh, vững chắc theo con đường XHCN.

Thành tựu nổi bật nhất của các đảng cộng sản trong cải cách, đổi mới là trên cơ sở kiên trì với các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra một hệ thống lý luận về CNXH và con đường xây dựng CNXH riêng, phù hợp với đặc điểm của dân tộc mình, như Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm ra được một hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc và con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới”. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đảng Cộng sản Cuba cũng chỉ rõ: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có khả năng chiến thắng những khó khăn và bảo tồn thành quả cách mạng. Những điều chỉnh này sẽ đảm bảo tính kế thừa của CNXH nhằm phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dânĐiều đó cho thấy, các đảng cộng sản đã không ngừng nghiên cứu lý luận và coi trọng tổng kết thực tiễn, sau đó khái quát thành lý luận để trở lại chỉ đạo thực tiễn công cuộc cải cách, đổi mới, mở cửa đất nước giành thắng lợi.

Hai là, các đảng cộng sản đã trên cơ sở những nguyên lý phổ quát của chủ nghĩa Mác - Lênin để sáng tạo ra nhiều mô hình có tính đặc thù về CNXH.

Quan niệm cũ về mô hình CNXH mang tính kinh viện, giáo điều và rập khuôn theo kiểu Liên Xô có rất nhiều điểm không phù hợp với nhiều quốc gia nên đã bị công cuộc cải cách, đổi mới của các nước XHCN từ bỏ. Thay vào đó, các đảng cộng sản đang cầm quyền hiện nay đã sáng tạo ra các mô hình CNXH vừa chứa đựng những đặc trưng của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa mang đặc điểm riêng của dân tộc mình. Đáng chú ý, mô hình CNXH đặc sắc Trung Quốc, mô hình CNXH ở Việt Nam, mô hình CNXH ở Lào, hay cập nhật mô hình CNXH -cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội ở Cuba… vừa là thành tựu lý luận quan trọng bậc nhất của các đảng cộng sản, vừa khẳng định sức sống mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, điểm tương đồng của các đảng cộng sản khi nhận thức về mô hình CNXH đều bám sát hơn vào thực tiễn mỗi nước và nội hàm vừa phản ánh các nguyên lý chung của chủ nghĩa xã hội khoa học vừa mang những nét đặc thù của mỗi dân tộc và thời đại.

Bên cạnh đó, các đảng cộng sản đều chấp nhận có sự khác biệt trong nhận thức về mô hình CNXH theo tinh thần “cầu đồng, tồn dị” (hướng tới cái tương đồng, chấp nhận những khác biệt), không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Các mô hình mới về CNXH (Trung Quốc hơn 45 năm; Việt Nam, Lào hơn 35 năm) đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính hợp lý và đạt được thành công nhất định. Điều đó đã giúp cho chủ nghĩa xã hội hiện thực vượt qua giai đoạn trì trệ, khủng hoảng về kinh tế - xã hội, giữ vững chế độ chính trị, phát triển mạnh mẽ và hội nhập tích cực, chủ động với thế giới. Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới; tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 vượt mốc 100 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm tỷ trọng 17% kinh tế toàn cầu, duy trì xã hội hài hòa, ổn định, phát triển mạnh mẽ. Trong hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam luôn đạt được mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm; quy mô GDP năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và là nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thực tiễn đó đã khẳng định tính đúng đắn trong nhận thức về mô hình CNXH của các đảng cộng sản đã được thắng lợi của công cuộc cải cách, đổi mới ở các nước khẳng định. 

Ba là, các đảng cộng sản đã nhận thức mới về con đường và điều kiện để xây dựng thành công CNXH.

Con đường và điều kiện xây dựng CNXH là các khái niệm để chỉ các biện pháp, công cụ, lực lượng… sẽ được vận dụng để xây dựng CNXH trong thực tiễn. Nhận thức về con đường, biện pháp xây dựng CNXH cũng là một quá trình dần bổ sung, phát triển về lý luận. Trước đây, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập tới 10 biện pháp để xây dựng xã hội mới. Sau này, V.I.Lênin đã tiếp tục bổ sung, phát triển nhiều vấn đề thông qua tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH ở nước Nga. Sau đó, các đảng cộng sản đã tiếp tục vận dụng và phát triển ở nhiều nước XHCN trên thế giới.

Thực tiễn hơn 100 năm xây dựng CNXH trên thế giới đã cho thấy, hầu hết các nước XHCN đều có điểm xuất phát về kinh tế từ tiền tư bản chủ nghĩa hoặc chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa (trừ một số nước ở Đông Âu). Tuy nhiên, nhận thức của các đảng cộng sản trong một thời dài đã chưa rõ về con đường và các điều kiện cần thiết để xây dựng CNXH, như coi việc bỏ qua “giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” là tránh “con đường tư bản chủ nghĩa”... Vì thế, các vấn đề cơ bản, như nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường… đã không được nhìn nhận như những quy luật tự nhiên của một xã hội tiền tư bản, có điểm xuất phát từ một nền sản xuất nhỏ, trình độ lạc hậu.

Sự nghiệp cải cách và đổi mới của các đảng cộng sản hiện nay đã mở ra những quan niệm mới về con đường, biện pháp, điều kiện để xây dựng CNXH. Trong đó, nhiều thành tựu văn minh của nhân loại dưới chủ nghĩa tư bản đã được nhìn nhận, đánh giá đúng và kế thừa chọn lọc để xây dựng CNXH, như kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, các quy luật công nghiệp hóa, động lực về lợi ích, … Hầu hết các nước XHCN hiện nay đều thừa nhận vai trò to lớn của kinh tế thị trường trong phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH và nâng cao đời sống nhân dân. Thị trường không chỉ là cơ chế vận hành mà còn là thuộc tính nội tại của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH mà cả trong CNXH. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường XHCN. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đảng Cộng sản Cuba chủ trương cập nhật mô hình kinh tế - xã hội; trong đó có mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế phi nhà nước, tăng phân cấp quản lý và tính tự chủ; đẩy mạnh cải cách, khuyến khích mô hình kinh tế tự doanh, giảm bao cấp, thực hiện chính sách thuế mới... Bên cạnh đó, các vấn đề về xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền văn hoá mới… cũng được các đảng cộng sản coi trọng và tiến hành có hiệu quả. Điều đó đã thấy một CNXH mới, với diện mạo và sức sống đầy sinh động, sáng tạo đã được các đảng cộng sản cập nhật và phát triển thêm nhiều vấn đề để ngày càng gần gũi hơn với “mảnh đất hiện thực” của từng nước và xu thế thời đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét