Là cán bộ tình báo chiến lược, được Trung ương trực tiếp chỉ đạo đi sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu của địch; với bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.
Trong những năm làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay), ông đã cung cấp được nhiều tin tức tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu, ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do các cuộc hành quân quy mô lớn của địch gây ra. Lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng, ông đã đẩy được một trung đoàn của Sư đoàn 3 bộ binh, 5 tiểu đoàn biệt động do địch đưa về đàn áp phong trào du kích ở Bến Tre ra khỏi tỉnh. Những việc làm của ông đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ lực lượng cách mạng, tạo điều kiện để mở rộng phong trào cách mạng ở miền Nam. Đại tá Phạm Ngọc Thảo cũng thả hơn 2.000 tù chính trị, trong đó có ông Võ Viết Thanh (sau này là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), với lý do thực hiện chính sách thân dân của Tổng thống.
Về sự kiện này, Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II – Bộ Quốc phòng, cho biết: “Trong thời gian làm tỉnh trưởng Kiến Hòa, ngay khi về làm tỉnh trưởng, đồng chí Phạm Ngọc Thảo đã quyết định thả 2.000 tù chính trị. Đây chính là những cơ sở cán bộ của ta. Việc này đã giúp bảo vệ cán bộ của ta, tạo điều kiện để họ tiếp tục hoạt động và phát triển. Cũng thông qua việc này, ông cũng giúp ta thẳng tay trừng trị bọn phản động và những tên phản bội, chỉ điểm, làm lộ, làm ảnh hưởng đến các cơ sở cách mạng”.
Cũng trong thời gian ở Kiến Hòa, với quyền hành của tỉnh trường, ông đã rất khéo léo để ngăn chặn hoặc chuyển hướng các cuộc hành quân, các cuộc càn quét quy mô lớn của địch tại địa bàn. Trong trường hợp không ngăn chặn được, sẽ chuyển hướng vào những vùng không có cán bộ, không có lực lượng của ta, không có cơ sở và ít có dân. Mục đích là để làm sao giảm tổn thất lớn cho cách mạng. Cũng tại Kiến Hòa, thông qua những hoạt động ngầm của mình, ông đã phát động quần chúng biểu tình, gây rối, chia rẽ nội bộ trong chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cách mạng hoạt động. Khi nội bộ của địch bị gây rối thì chúng sẽ không còn thời gian, công sức để tập trung việc tiến hành các cuộc hành quân, càn quét để phá hoại cơ sở cách mạng.
Những cuộc đảo chính Đại tá Phạm Ngọc Thảo trực tiếp kiến tạo hoặc gián tiếp tham gia cũng đã làm rung chuyển chính trường miền Nam, gây rối loạn nội bộ của địch, góp phần làm chậm bước chân Mỹ đưa quân vào Việt Nam. Theo Đại tá Đào An Việt, đối với cách mạng Việt Nam khi đó, việc Đại tá Phạm Ngọc Thảo trực tiếp kiến tạo, tham gia, điều hành và tổ chức các cuộc đảo chính, dù chưa thành công nhưng đã làm rối loạn chính trường ngụy quân, ngụy quyền, tạo điều kiện, thời cơ cho cách mạng Việt Nam tiến nhanh hơn đến chiến thắng. Ngoài ra, thông qua những cuộc đảo chính đó, đồng chí đã góp phần gây sự chú ý cho báo chí quốc tế, đặc biệt là tạo dư luận phản đối cuộc chiến ở Việt Nam ngay trong chính nội bộ nước Mỹ. Với những đóng góp to lớn đó, không những phía ta mà cả những người đứng ở bên kia chiến tuyến cũng ngưỡng mộ Đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Phạm Ngọc Thảo là một nhà tình báo đặc biệt, là huyền thoại hiên ngang đi giữa rừng gươm vạn giáo mà địch cũng muốn giết, thậm chí một số tổ chức cách mạng của ta cũng muốn "khử" vì những chính sách quản lý được lòng dân của ông. Ông là tấm gương thầm lặng hy sinh, trung thành với lý tưởng cách mạng đến phút giây cuối cùng. Năm 1965, khi bị chính quyền ngụy truy bắt, quyết tiêu diệt ông bằng được, Phạm Ngọc Thảo vẫn không từ bỏ nhiệm vụ, quyết tâm ở lại nơi mà ông có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Khi không may sa vào tay địch, ông bị chúng tra tấn dã man, song ý chí sắt đá của ông không hề bị lay chuyển. Dù bị tra tấn đến chết, nhưng chúng vẫn không hề hay biết ông là một nhà tình báo chiến lược, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Như rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tình báo kiên trung khác, Đại tá Phạm Ngọc Thảo chấp nhận hy sinh thầm lặng vì Tổ quốc.
Tấm gương lớn cho cán bộ, chiến sĩ tình báo quốc phòng
Trong những ngày cuối cùng của sự nghiệp tình báo, trong điều kiện phải trốn tránh sự truy bắt, tiêu diệt của chính quyền, nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn nắm được một tiểu đoàn, tiếp tục hoạt động bí mật ở Sài Gòn. Mặc dù được tổ chức đề nghị rút ra chiến khu để bảo đảm an toàn tính mạng, nhưng Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã chọn cách ở lại vì nhận thấy mình vẫn còn khả năng tổ chức đảo chính nhằm ngăn chặn chính quyền quân phiệt rước quân viễn chinh Mỹ vào gây thêm tội ác. Đại tá Phạm Ngọc Thảo là tấm gương lớn của sự kiên trì và lòng can đảm, thực hiện bằng được nhiệm vụ được giao dù gian lao, hiểm nguy đến mấy.
Nói về mức độ hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Đại tá Hà Ngọc Quỳnh, nguyên Viện trưởng Viện 501, Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: “Rõ ràng là công việc của đồng chí Phạm Ngọc Thảo là vô cùng nguy hiểm. Nó nguy hiểm ở chỗ bất cứ chính quyền nào cũng muốn bảo đảm được an ninh, an toàn, tồn tại vững chắc. Thế mà đồng chí Phạm Ngọc Thảo thì lại luôn nhăm nhăm lật đổ chế độ Sài Gòn. Để thực hiện được ý đồ ấy, ông phải thực hiện rất nhiều việc cụ thể, mà việc nào cũng đụng chạm đến tai mắt bảo vệ của địch”. Anh hùng lực lượng vũ trang, nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn cũng từng nói: “Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính... Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều”. Bất chấp nguy hiểm, Đại tá Phạm Ngọc Thảo luôn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Quyết tâm này lớn đến mức ngay cả kẻ thù cũng phải nể trọng. Trong bức Điện mật số 00780, do William Colby, Phó giám đốc Kế hoạch của CIA ở Sài Gòn viết, có đoạn: “Lung lạc được Thảo bởi tiền tài hay hình phạt, kể cả tử hình, để ông ta ngừng tạo ra tình thế chỉ có lợi cho một mình Việt Cộng rõ ràng là điều không thể”.
Về tấm gương của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Đại tá Hà Ngọc Quỳnh nói: “Đồng chí Phạm Ngọc Thảo là hiện thân của những phẩm chất và năng lực tốt đẹp nhất của Tình báo quốc phòng Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ hành động. Những phẩm chất đó có thể khái quát lại như sau: Thứ nhất là bản lĩnh chính trị vững vàng, đi từ yêu nước đến giác ngộ lý tưởng; thứ hai là nghĩa khí trong các mối quan hệ, chính trực, nhiệt thành, nghiêm chỉnh; thứ ba là có quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ, không kể khó khăn gian khổ; thứ tư là có những phẩm chất tâm lý rất tuyệt vời, táo bạo quyết đoán, bình tĩnh và sáng suốt”.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Dù phải nhiều năm sau tên tuổi của ông mới được nhân dân và nhiều đồng đội, và cả phía bên kia biết tới, ông đã trở thành tấm gương cho tuổi trẻ Việt Nam nói chung và các lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tình báo quốc phòng nói riêng noi theo. Đánh giá về công lao của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Đại tá Hà Ngọc Quỳnh cũng nhắc lại lời của nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Hương: "Đối với Đại tá Phạm Ngọc Thảo thì phong anh hùng nhiều lần vẫn là chưa đủ".
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Ngọc Thảo được truy phong quân hàm Đại tá và được công nhận là liệt sĩ, được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét