Dân tộc, tôn giáo là chủ đề mà các thế lực phản động, thù địch vẫn
thường xuyên “bẻ cong” sự thật để chống phá cách mạng nước ta; và được coi là một
trong những “mũi nhọn” công phá vô cùng lợi hại mà chúng đã, đang và sẽ tiếp tục
sử dụng để chống phá Việt Nam. Dưới chiêu bài liên quan đến nhân quyền, dân chủ,
tín ngưỡng, tôn giáo, các thế lực thù địch đã thường xuyên trắng trợn “nhào nặn”
những thông tin thật - giả lẫn lộn nhằm châm “ngòi nổ” chia rẽ, phá vỡ khối đại
đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị xã hội, hòng làm suy yếu đất nước
ta.
Tuy nhiên, những luận điệu luận điệu bẻ cong, xuyên tạc sự thật của
các đối tượng phản động trở nên lố bịch, và bị đập tan bởi các bằng chứng thép
từ kết quả hoạt động công tác dân tộc, tôn giáo trong thực tế.
Hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về
tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước, những năm qua các tôn giáo ở Việt Nam không
ngừng phát triển nhanh về số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự. Tôn giáo ở nước ta
cũng không ngừng mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo, đồng đạo ở
nước ngoài. Mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đều được chính quyền tôn trọng,
tạo điều kiện thuận lợi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn
giáo ngày càng được nâng cao.
Nếu như năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 6 tôn giáo, 17 triệu
tín đồ, với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sức. 78.000 chức việc tôn
giáo; thì đến tháng 6/2024, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo
thuộc 16 tôn giáo khác nhau, cả nước có hơn 27 triệu tín đồ, gần 30.000 cơ sở
thờ tự, trên 56.000 chức sắc và hơn 144.000 chức việc. Bên cạnh đó, Việt Nam là
quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, với 50.703 cơ sở tín ngưỡng,
trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di
tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.
Nhà nước Việt Nam cũng luôn tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo,
hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường. Những ngày
lễ trọng của các tôn giáo, như: Lễ Phật đản của Phật giáo; lễ Giáng sinh, Phục
sinh của Công giáo và Tin Lành… thu hút đông đảo tín đồ tham dự và được tổ chức
với quy mô lớn. Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đã có thêm 1.100
điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp
trên 690 quyết định xuất bản, trên 2,4 triệu bản in các tác phẩm và kinh sách
tôn giáo, được dịch và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để đáp ứng nhu cầu
sinh hoạt tôn giáo của mọi người.
Bên cạnh đó, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo được
Nhà nước quan tâm và hỗ trợ. Tháng 7/2023, Việt Nam - Tòa thánh Vatican đã nâng
cấp quan hệ lên cấp có Đại diện thường trú tại Việt Nam, đồng thời thông qua việc
ký quy chế Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại
diện thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Việc tăng cường mối quan hệ này
thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho cộng đồng Công giáo ở
Việt Nam. Ngoài ra, trong năm 2023, có hơn 300 đại diện cho các tổ chức tôn
giáo đã tham gia vào các diễn đàn, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo tại
nước ngoài. Gần 400 lượt người nước ngoài vào nước ta tham gia các hoạt động
tôn giáo. Nhiều sự kiện tôn giáo lớn đã được tổ chức tại Việt Nam, như: Hội nghị
Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, tổ chức tại Giáo phận Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng
Tàu; Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình… Tại buổi tiếp Tổng
Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher nhân chuyến
thăm Việt Nam, ngày 10/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh:
“Việc hai bên nâng cấp quan hệ lên đại diện thường trú là dấu mốc quan trọng và
là kết quả của một quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp
tác và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời thể hiện Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều
kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo”.
Có thể khẳng định rằng, chưa
khi nào quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được tôn trọng và bảo đảm
như hiện nay. Các tôn giáo, tổ chức tôn được công nhận tư cách pháp nhân ngày
càng nhiều, mức độ đa dạng tôn giáo ở Việt Nam cũng luôn nằm trong nhóm đầu thế
giới. Đây rõ ràng là những minh chứng rõ nét nhất phản bác lại các quan điểm
sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt
Nam. Các quan điểm sai trái, thù địch về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
thực chất là những luận điệu xuyên tạc nhằm cố tình làm sai lệch sự thật, đổi
trắng thay đen, hòng tạo ra các lý do để can thiệp vào công việc nội bộ Việt
Nam, lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây sức ép hòng chuyển hóa chế độ chính trị Việt
Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét