Hoàng Thị Thương (học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự), vừa giành Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam, là gương mặt nổi bật trong việc phá bỏ định kiến giới và theo đuổi đam mê khoa học. Với mong muốn từ nhỏ là khoác lên mình màu áo xanh người lính, Thương không chỉ khẳng định khả năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ - vốn là thế mạnh của nam giới, mà còn nỗ lực vượt qua khó khăn để tạo động lực và truyền cảm hứng cho các nữ sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam.
Vốn yêu màu áo lính, lại đam mê toán học và vật lý nên Thương đã chọn Học viện Kỹ thuật Quân sự – nơi đào tạo những kỹ sư quân đội chất lượng cao. Cô kể, cũng vào một ngày đầu Thu năm ấy, tin vui đến khi Thương chính thức trở thành tân học viên của Học viện, được phân công vào ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử, chuyên ngành Khí tài Quang học – lĩnh vực có nhiều thách thức và gần như chỉ dành cho nam giới.
Sau thời gian huấn luyện giai đoạn 1 đầy gian nan, Thương bước vào học chuyên ngành, với niềm say mê và quyết tâm mạnh mẽ. Khí tài Quang học, ngành yêu cầu trình độ chuyên môn cao và sự sáng tạo trong nghiên cứu, không làm Thương chùn bước. “Bắt đầu hành trình này, mình chỉ mong được thỏa mãn niềm đam mê, nhưng thành quả đạt được hôm nay vượt xa kỳ vọng”, Thương chia sẻ.
Trong suốt 5 năm học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, Thương tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và tiến hành các thí nghiệm với cường độ cao. Đồ án tốt nghiệp mà cô hoàn thành gần đây là kết quả của hai năm nghiên cứu liên tục, không chỉ tích lũy kiến thức chuyên ngành mà còn là hành trình rèn luyện kỹ năng. Thương đóng vai trò chủ nhiệm đề tài, chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, thực hiện và công bố kết quả nghiên cứu. Đề tài của cô đã được trình bày qua hai bài báo hội thảo khoa học, trong đó cô là tác giả đứng đầu. Đồng thời, một bài báo của nhóm cô cũng được đăng trên tạp chí uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Thương giữ vai trò đồng tác giả.
Thương chia sẻ, nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự tổng hợp của cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Đặc biệt, kỹ năng làm việc nhóm và xử lý tình huống là những yếu tố quan trọng nhất để thực hiện đề tài thành công. “Là chủ nhiệm đề tài, mình phải phân chia công việc hợp lý và khéo léo điều chỉnh công việc cho phù hợp với từng thành viên. Khi gặp tình huống khó khăn, kiến thức, sáng tạo và sự bình tĩnh là những yếu tố giúp bọn mình vượt qua”, Thương nói.
Với môi trường đặc thù của quân đội, Thương gặp không ít thử thách trong việc sắp xếp thời gian cho nghiên cứu. Ngoài giờ học chuyên ngành, các học viên quân sự còn phải tham gia những hoạt động rèn luyện khác, khiến thời gian tự học và nghiên cứu hạn chế. Dù vậy, Thương vẫn duy trì lịch học khoa học bằng cách chia nhỏ nhiệm vụ, tối ưu thời gian cuối tuần để tổng hợp kết quả và hoàn thành các công việc đã đề ra. Trong những lúc rảnh rỗi, cô đọc sách, nghe nhạc và gặp gỡ bạn bè để tái tạo năng lượng.
Không ít lần, Thương phải đối diện với định kiến giới khi người khác cho rằng con gái “chỉ nên làm việc nhẹ nhàng, học kỹ thuật làm gì cho vất vả”. Những ý kiến đó đã trở thành động lực thúc đẩy cô cố gắng hơn nữa để chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có thể làm khoa học và quân sự: “Mình muốn chứng minh rằng, phụ nữ không chỉ giới hạn ở những công việc nội trợ, mà còn có thể trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, hay những sĩ quan quân đội kiên cường”.
Thương nhấn mạnh, việc hỗ trợ các nữ sinh trong lĩnh vực khoa học là điều cần thiết. Đặc biệt, những nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc đến từ dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ tài chính và điều kiện học tập để phát huy tiềm năng. Cô cũng cho rằng, gia đình là nơi cần đồng hành và hỗ trợ để phụ nữ có thể theo đuổi đam mê và sự nghiệp mà không bị gò bó bởi các rào cản xã hội.
Được trao Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam, Thương không giấu được niềm hạnh phúc và tự hào. Với cô, giải thưởng không chỉ là sự công nhận mà còn là nguồn động lực để tiếp tục cống hiến. Sau khi tốt nghiệp, Thương đặt mục tiêu học lên Thạc sĩ tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên ngành. Cô bày tỏ mong muốn, được học hỏi các thầy trong bộ môn và được tham gia hỗ trợ các thầy trong thực hiện các đề tài cấp Bộ quốc phòng, góp phần vào xây dựng và củng cố nền Quốc phòng toàn dân".
Chia sẻ về tương lai, Thương hy vọng, một ngày nào đó, cô có thể đứng trước đám đông và truyền cảm hứng đến những nữ sinh khác, như những nhà lãnh đạo tài ba mà cô ngưỡng mộ. “Đam mê là ngọn lửa trong tim, giữ cho chúng ta nhiệt huyết. Quan trọng là phải tìm được đam mê và kiên trì theo đuổi nó”, Thương nói.
Hành trình của Hoàng Thị Thương là câu chuyện đầy cảm hứng về lòng kiên trì, ý chí và sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong khoa học công nghệ. Những bước chân của cô không chỉ mở lối cho bản thân mà còn tạo động lực cho nhiều nữ sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ, chứng minh rằng đam mê và nỗ lực không phân biệt giới tính và phụ nữ hoàn toàn có thể đạt được những thành tựu lớn lao trong khoa học và quân sự./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét