Cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN, có ý kiến đại biểu đề nghị cắt 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm khi làm dự toán để đưa sang chi đầu tư phát triển.
Đại biểu cho rằng, nếu để đến cuối năm mới thực hiện cắt 5% chi thường xuyên đã làm dự toán để đưa sang chi đầu tư phát triển thì phát sinh thêm rất nhiều thủ tục. Cũng có ý kiến đề nghị không bắt đồng loạt tất cả địa phương phải cắt 5% chi thường xuyên trong năm nay, vì giờ đã là cuối năm.
Tờ trình của Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép dành nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là chính sách rất nhân văn, vừa thúc đẩy thực hiện cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện vai trò nêu gương của hệ thống các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ kinh phí chi thường xuyên từ NSNN, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững đa chiều, đồng thời tăng chi cho đầu tư phát triển, tạo ra thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, băn khoăn của đại biểu Quốc hội cũng rất xác đáng. Để thuận tiện trong thực hiện thì chủ trương tiết kiệm 5% chi thường xuyên phải thể hiện rõ ràng là bắt buộc thực hiện hay khuyến khích thực hiện. Nếu bắt buộc thực hiện thì nên cắt 5% kinh phí chi thường xuyên ngay từ khi lập dự toán năm để chuyển sang chi cho đầu tư phát triển (cụ thể là chi thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát). Nếu khuyến khích thì cần thể hiện rõ khuyến khích như thế nào, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thực hiện tốt thì biểu dương, khen thưởng ra sao; cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào không thực hiện tốt thì có biện pháp gì để nhắc nhở hay khuyến khích họ thực hiện tốt hơn vào năm sau...
Thời gian qua, nước ta đã rất quyết liệt thực hiện cắt giảm phần lễ rườm rà, tốn kém ở các hoạt động động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản. Vậy, dư địa nào để tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên? Chúng ta còn những khoản chi nào là tốn kém không cần thiết, không hiệu quả như vậy để tiếp tục cắt giảm? Đây là vấn đề cần có sự nghiên cứu, đánh giá, tính toán kỹ lưỡng, bởi nếu cắt giảm một cách cứng nhắc, cơ học có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả triển khai nhiệm vụ ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Sau đó, chi phí khắc phục hậu quả có khi còn tốn kém hơn rất nhiều số tiền đã tiết kiệm được, "lợi bất cập hại"!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét