Đặc điểm cơ bản của những hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Đảng và hệ thống chính trị nước ta
Thứ nhất, về mục đích: Vấn đề dân tộc luôn là một “mắt xích” mà các thế lực thù địch thường xuyên nhắm tới và tìm mọi cách triệt để lợi dụng để chống phá ta. Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa văn hóa với 54 dân tộc anh em; các dân tộc đều bình đẳng với nhau, không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp; quyền lợi chính đáng của các dân tộc được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Thế nhưng, các đối tượng phản động, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách khoét sâu đặc điểm đa dân tộc của nước ta, làm sai lệch thông tin, bịa đặt, vu cáo rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số; từ đó dụ dỗ, xúi giục, kích động đồng bào “ly khai”, gây bạo động, làm mất trật tự an ninh tại một số địa phương. Mục đích cuối cùng trong âm mưu, hành động của chúng là làm mất ổn định đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, xói mòn bản sắc văn hóa, băng hoại giá trị đạo đức cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bôi nhọ hình ảnh Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, tạo cớ cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước; phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia; hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nước ta; từ đó, tìm cách lật đổ chế độ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và đang nỗ lực xây dựng.
Thứ hai, về tính chất và thời điểm: Trong những năm qua, âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch vô cùng đa dạng và ngày càng tinh vi, nguy hiểm, vừa công khai, vừa bí mật; diễn ra cả ở trong nước và nước ngoài, trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thủ đoạn, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch hiện nay được thực hiện bằng nhiều biện pháp xảo trá, thâm độc, nhưng được che đậy, bao bọc một cách tinh vi, hòng làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tin và làm theo.
Các phần tử phản động, thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chống phá ta. Một mặt, chúng âm thầm gây dựng lực lượng, bí mật tập huấn, đào tạo các kỹ năng tổ chức, tuyên truyền, dụ dỗ, xúi giục, kích động bạo lực. Mặt khác, chúng chờ đợi thời cơ, lựa chọn thời điểm có những “điểm nóng” về an ninh, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, vào trước các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, hoặc mỗi khi có chủ trương điều chỉnh, thay đổi chính sách phát triển kinh tế - xã hội; kể cả khi chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị đe dọa, là chúng đăng tải, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt... gây hoang mang trong nhân dân; tiến hành hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh tấn công cán bộ chính quyền địa phương, phá hoại trụ sở làm việc.
Nói cách khác, chúng triệt để kết hợp các thủ đoạn về an ninh truyền thống và phi truyền thống để chống phá ta, gây mất trật tự trị an ở nhiều khu vực, đặc biệt là những địa bàn trọng yếu về an ninh, quốc phòng như các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ.
Thứ ba, về nguyên cớ và chiêu bài: Các thế lực thù địch thường đánh tráo khái niệm, quan điểm về cái gọi là “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do” (nhất là tự do tôn giáo, tín ngưỡng), đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” với nội hàm là một quốc gia (nation-state) thành quyền của dân tộc với nội hàm là một tộc người (ethnic groups); hoặc đòi áp dụng các khái niệm từ phương Tây vốn không phù hợp với lịch sử các dân tộc ở nước ta như “dân tộc bản địa”; từ đó, tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị trong vùng dân tộc thiểu số...
Tại các khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái ở Tây Bắc; vùng dân tộc Giarai, Êđê ở Tây Nguyên; vùng dân tộc Chăm ở duyên hải Nam Trung Bộ; vùng dân tộc Khmer ở Tây Nam Bộ, chúng lợi dụng quan hệ đồng tộc xuyên biên giới, lôi kéo, xúi giục đồng bào vượt biên trái phép, thực hiện các hoạt động gây rối, phá hoại, chống phá chính quyền, tuyên truyền, kích động thành lập “nhà nước ly khai, tự trị”, chống phá cách mạng Việt Nam gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Một chiêu bài khác của các thế lực thù địch là lợi dụng những vấn đề do lịch sử để lại, hoặc những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, khai thác những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước tại các địa phương để kích động, hướng lái đồng bào không tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng thúc đẩy nhiều chiến dịch tuyên truyền phản động, thổi phồng các vụ việc phức tạp, tiêu cực liên quan trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, quy chụp mọi hạn chế là do sai lầm, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; từ đó, móc nối, lôi kéo, xúi giục hoạt động chống phá, gây mất ổn định chính trị - xã hội tại một số địa phương, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Đồng thời, chúng dùng tiền, lợi ích kinh tế để mua chuộc đồng bào, hứa hẹn viển vông về “một tương lai tốt đẹp”, lôi kéo đồng bào tham gia các tổ chức phản động, kết hợp với tăng cường phát triển lực lượng chống đối trong các dân tộc thiểu số nhằm âm mưu tiến hành các cuộc bạo động chống phá chính quyền, giết hại cán bộ và người dân vô tội, gây mất trật tự xã hội, làm hoang mang lòng dân và trực tiếp đe dọa an ninh chính trị của đất nước.
Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lợi dụng những khác biệt về văn hóa, đời sống tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo, thói quen, tập quán sản xuất,... giữa các dân tộc thiểu số để gây chia rẽ, kích động hằn thù, xung đột trong cộng đồng các dân tộc nước ta... Chiêu bài chúng sử dụng nhiều nhất trong các hoạt động chống phá an ninh trên lĩnh vực dân tộc ở nước ta là kết hợp lợi dụng vấn đề dân tộc với lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Lợi dụng tình trạng một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn, thiếu thốn về kinh tế, trình độ dân trí còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, các thế lực thù địch đã lập ra nhiều tổ chức núp bóng tôn giáo để tập hợp, lôi kéo đồng bào; dùng thần quyền, giáo lý chi phối họ tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước; thực hiện âm mưu “tôn giáo hóa vùng dân tộc thiểu số”.
Các thế lực thù địch tuyên truyền, lôi kéo lực lượng để lập ra cái gọi là “tôn giáo riêng” cho một số đồng bào dân tộc thiểu số như: “Tin lành Đêga”, “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (UMCC); “Tin lành riêng của người Mông”, “Phật giáo riêng của người Khmer”... Từ đó, lợi dụng tôn giáo như một công cụ tinh thần để khống chế đồng bào, xây dựng tổ chức phản động và lực lượng đối lập, gây mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc nhằm ly khai, lập khu tự trị, lập “tôn giáo riêng”, “nhà nước riêng” ở một số vùng trọng điểm chiến lược. Đồng thời, chúng móc nối với các phần tử cực đoan ở một số quốc gia, tổ chức các cuộc điều trần, họp báo, ra tuyên bố, xuyên tạc, bóp méo tình hình tôn giáo, nhân quyền ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, gây sức ép, làm giảm uy tín quốc tế, cản trở quá trình hội nhập quốc tế của nước ta.
Bên cạnh đó, các phần tử phản động tìm cách câu kết, móc nối, “lợi dụng” các tổ chức phản động người Việt lưu vong để kêu gọi ủng hộ, cung cấp tiền bạc, vũ khí, tài liệu cho các hoạt động chống phá Đảng và hệ thống chính trị nước ta. Đồng thời, ra sức lợi dụng không gian mạng xã hội tiến hành đào tạo trực tuyến, chỉ đạo số cầm đầu trong nước hoạt động chống phá bằng nhiều hình thức, củng cố, phát triển lực lượng, xúi giục đồng bào trốn ra nước ngoài; thu thập, cắt ghép, xuyên tạc, bịa đặt thông tin, tài liệu về dân chủ, nhân quyền, nhất là thông tin về quyền của các dân tộc thiểu số, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng gửi ra nước ngoài để vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc thiểu số trên các diễn đàn quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của các thế lực thù địch quốc tế để chống phá nước ta.
Thứ tư, về phạm vi thực hiện: Các thế lực thù địch ngày càng mở rộng mạng lưới và địa bàn hoạt động, không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn ở cả nước ngoài.
Ở trong nước, các thế lực thù địch triệt để tận dụng, khai thác mọi “kẽ hở” nhằm tạo ra những mâu thuẫn trong cộng đồng dân tộc để thực hiện chống phá cách mạng Việt Nam về vấn đề dân tộc trên chính địa bàn đồng bào đang sinh sống, coi đó là điểm xuất phát trong thực hiện âm mưu lâu dài của chúng.
Khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta thường là vùng giàu tài nguyên, vùng đầu nguồn của các con sông lớn, vùng đệm các rừng đặc dụng các khu sinh thái, vùng đặc trưng văn hóa, vùng biên cương - là những vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đây đều là những địa bàn trọng yếu, nhạy cảm, có sự đa dạng về thành phần tộc người và tôn giáo, từ miền núi phía Bắc (đặc biệt là khu vực Tây Bắc) đến miền Tây Thanh Hóa - Nghệ An, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Ở nước ngoài, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức phản động như “Hội người Mông quốc tế”, “Liên hiệp người Mông tự trị”, “Văn phòng Chămpa quốc tế”, “Hội người Khmer - Krum”... Theo thống kê, cộng đồng người Mông ở Mỹ đã hình thành hơn 160 tổ chức, hội nhóm ở 25 bang. Điển hình là các tổ chức “Phát triển quốc gia Mông” (H’Mong National Development - Inc-HND); “Mặt trận giải phóng thống nhất người Mông” (H’Mong United Liberation Front)... Các tổ chức này đều tập hợp các phe phái, hội nhóm người Mông, kêu gọi thành lập “nhà nước Mông”, thông qua Hội người Mông quốc tế, xác định cương lĩnh xây dựng “nhà nước” của dân tộc Mông(1)... Các tổ chức này vừa tập hợp, phát triển lực lượng là người các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở ngoài nước, vừa hỗ trợ móc nối phát triển lực lượng ở trong nước; đồng thời tìm cách gây áp lực chống phá cách mạng Việt Nam dưới nhiều hình thức.
Thứ năm, về tổ chức và lực lượng: Các thế lực thù địch ráo riết xây dựng các tổ chức phản động ở vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Tổ chức của chúng thường được xây dựng từ lực lượng Việt kiều phản động, cực đoan; hoặc liên kết chặt chẽ với các tổ chức phản động của nước ngoài. Đó là các tổ chức như: “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc (do các thế lực thù địch trong và ngoài nước thành lập, kích động đồng bào Mông ở các tỉnh khu vực Tây Bắc di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên và di cư sang Lào thành lập nhà nước riêng), “Mặt trận giải phóng Khmer - Krum” ở Tây Nam Bộ, “Mặt trận Chămpa” ở miền Trung...
Một trong những tổ chức chống phá ta quyết liệt là FULRO (viết tắt của “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các chủng tộc bị áp bức”), chúng đã dùng nhiều thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gieo rắc tư tưởng ly khai, âm mưu thành lập “Nhà nước Đêga tự trị”, tạo cớ để nước ngoài can thiệp chống phá Việt Nam... Mặc dù FULRO đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa chấm dứt và luôn tìm cách tạo ra những “điểm nóng” trong “vấn đề Tây Nguyên”; chúng không ngừng cấu kết với các phần tử cực đoan, tổ chức phản động trong và ngoài nước tuyên truyền, kích động gây hận thù dân tộc, sẵn sàng nổi dậy gây bạo loạn, tập kích vũ trang khi có thời cơ.
Trong những năm gần đây, xuất hiện nhóm “Người Thượng vì công lý - MSFJ” giả danh “thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người của những người bị áp bức tại Tây Nguyên”, thực chất đây là nhóm đối tượng lợi dụng tình cảm đồng bào huyết thống để xúi giục, kích động người dân tộc thiểu số chống phá chính quyền, chà đạp lên sự bình yên, ổn định của quốc gia - dân tộc để nhận về những đồng USD “tài trợ” cùng những lời hứa mờ mịt về cái gọi là “tương lai hạnh phúc” ở trời Tây(2). Hầu hết các tổ chức phản động lợi dụng vấn đề dân tộc đều được thế lực nước ngoài hậu thuẫn trên mọi phương diện.
Các âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch hiện nay vô cùng phức tạp, không chỉ là vấn đề nội bộ đất nước mà liên quan với yếu tố nước ngoài. Vì vậy, để đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn đó, bên cạnh việc tăng cường biện pháp về kinh tế, xã hội, văn hóa - tư tưởng, pháp lý, quốc phòng, an ninh, cần kết hợp với biện pháp ngoại giao để tạo ra một hệ thống giải pháp toàn diện, căn cốt trong xử lý, giải quyết vấn đề dân tộc nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét