Khu lăng mộ này được xây dựng từ năm 1864 có diện tích khoảng 12ha, được bao bọc bởi vòng thành xây bằng đá núi dài khoảng 1.500m. Trải qua gần 200 năm tồn tại, với khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, một số hạng mục công trình ở lăng Tự Đức đã xuống cấp trầm trọng.

Năm 2015, 6 hạng mục công trình tại đây là Lương Khiêm Điện, Chí Khiêm Đường, Lễ Khiêm Vu, Pháp Khiêm Vu, Tiểu Khiêm Trì và hồ Lưu Khiêm đã được trùng tu, bảo quản, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có tổng mức đầu tư hơn 99 tỷ đồng, dự án sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2027.

Các hạng mục tu bổ tập trung vào gia cố nền móng, phục hồi khung gỗ, mái ngói, đồ nội thất và các chi tiết trang trí tinh xảo để khôi phục vẻ đẹp vốn có, tái hiện không gian kiến trúc xưa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tháng 4/2024, dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức” (phần còn lại) được khởi công. Trong đó, công trình Điện Hòa Khiêm sẽ tu bổ, phục hồi nền lát gạch, hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, cửa, liên ba, sàn gỗ; phục hồi mái lợp ngói âm dương Hoàng lưu ly, bờ nóc, bờ quyết ô hộc, con giống; tu bổ án thờ, tủ thờ và đồ nội thất.

Minh Khiêm Đường sẽ tu bổ gia cường và cân chỉnh nền móng bó vỉa, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng theo hiện trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, cửa; phục hồi mái lợp ngói liệt men xanh, bờ nóc, bờ quyết ô hộc gắn gạch gốm tráng men. Tu bổ, phục hồi đồ nội thất phục vụ trưng bày và tái hiện không gian; tôn tạo hệ thống điện, đèn và chiếu sáng nghệ thuật phục vụ biểu diễn nhạc truyền thống.

Công trình Ôn Khiêm Đường cũng tu bổ, phục hồi ở các hạng mục nền móng, tường, hệ khung gỗ, cửa, hệ mái; phục hồi đồ nội thất cho trưng bày và tái hiện không gian. Ngoài ra, la thành, cổng và bình phong cũng được tu bổ, gia cường và phục hồi. Đồng thời, trang bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các điểm di tích và không gian kết nối.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định: Quá trình thi công các hạng mục công trình được tiến hành hết sức thận trọng, đảm bảo vật liệu gốc không bị hư hỏng, nếu có nguồn tư liệu mới phát sinh, hội đồng khoa học sẽ phân tích đánh giá. Qua những bức ảnh đấu giá được những người dân yêu di sản Huế, phát hiện công trình tại di tích lăng Tự Đức có mái lưa nhưng thực tế hiện hữu không có, hội đồng khoa học thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh bổ sung. Công trình sau khi hoàn thành sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế.

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, nhà thầu thi công đang nỗ lực thực hiện lắp dựng hoàn chỉnh hệ khung gỗ của Minh Khiêm Đường, sau đó bắt tay phục dựng hệ khung gỗ Hòa Khiêm Điện, phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành phần lắp dựng. Trước đó, hạ giải xong 3 công trình Hòa Khiêm Điện, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, toàn bộ cấu kiện gỗ được đưa vào nhà bao che để bảo quản, qua kiểm tra đánh giá, ngói lợp, bờ nóc, bờ quyết phần trên mái hầu hết đã hư hỏng. Các cấu kiện gỗ ước lượng chỉ còn khoảng 50% tái sử dụng được, số còn lại đa phần bị mối ăn. Riêng các bức tường của 3 ngôi điện và hệ móng công trình vẫn còn tốt, chỉ cần xử lý vết nứt, tu bổ tường xây theo hiện trạng. Bên cạnh đó, công trình chủ yếu là gỗ, đòi hỏi thợ thủ công phải là những người có tay nghề cao để thi công đảm bảo chất lượng cũng như yếu tố thẩm mỹ./.