Hưng Đạo Đại vương Trần
Quốc Tuấn, nhà tư tưởng lớn, nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự kiệt xuất của
dân tộc ta. Ông trực tiếp tham gia ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông
xâm lược, với trọng trách là Quốc công tiết chế, ông biết hy sinh lợi ích của
bản thân, gia đình, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, đoàn kết thống
nhất trong gia tộc, trong triều đình và trong quân dân Đại Việt, đề cao tinh
thần và ý chí độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi
ích quốc gia - dân tộc. Ông không chỉ là tấm gương sáng, tiêu biểu cho đức hy
sinh, tinh thần đoàn kết mà còn có một ý chí và sự quyết đoán mạnh mẽ trong
việc bảo vệ quốc gia - dân tộc.
Cuộc đời, sự nghiệp và tư
tưởng của ông để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử tư tưởng Việt Nam; đặc biệt
là tư tưởng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, tư tưởng “thân dân”, “khoan sức
cho dân” và tư tưởng quân sự đặc sắc, được thể hiện qua các tác phẩm: Hịch
tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Lâm chung di chúc.
Tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc, tư tưởng chính trị “thân dân”, “trọng
dân”, “khoan sức cho dân”, quan điểm đánh giặc giữ nước dựa vào lòng dân, xây
dựng quân đội luôn coi trọng về chất lượng, tinh nhuệ và đoàn kết như cha con,
đặc biệt là nghệ thuật quân sự dựa trên nền tảng chiến tranh nhân dân “dĩ đoản
chế trường”, “chúng chí thành thành”, “lấy ít mà thắng nhiều, lấy yếu mà địch
mạnh, lấy nhỏ mà chế lớn” của ông là những tư tưởng đúng đắn, sáng tạo và vượt
thời đại.
Những tư tưởng trên của ông
tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng về cơ bản nó vẫn có ý nghĩa lịch sử
sâu sắc và thiết thực không những đối với thời kỳ nhà Trần, mà còn có ý nghĩa
lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, đặt
biệt là tư tưởng yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức và xây dựng quân đội.
Sự nghiệp đổi mới đất nước vừa đứng trước thời cơ vận hội lớn, vừa phải đối mặt
với những nguy cơ, thách thức lớn. Bối cảnh châu Á, khu vực Đông Nam Á vẫn tiềm
ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển,
đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp và những
âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Nhà nước ta, chế độ ta, đe
dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Vì vậy, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam,
giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển, đảo, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới càng trở
nên cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Những bài học giữ nước mà
Trần Quốc Tuấn để lại vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sinh động, có
ý nghĩa lịch sử sâu sắc mà thế hệ chúng ta tiếp tục vận dụng để bảo vệ độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống chiến tranh xâm lược và phát
triển đất nước. Đó là bài học “dân là gốc”; tích cực và chủ động, “đặt mồi lửa
dưới đống củi nỏ”, “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”; xử trí với kẻ thù “vua
tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước dồn sức lại mà bọn chúng đành phải
chịu trói”; giữ nước từ khi nước chưa nguy, “đề bạt được bậc hiền tài”, “gây
dựng được một đội quân cha con”, “Trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia
lìa”, “Khoan sức cho dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
Ngày nay, những bài học giữ nước nêu trên được kế thừa và tiếp tục phát huy
trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét