Phản biện xã hội là một hình
thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm
thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản
biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp
quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng
đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên
tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời
vạch trần và lên án.
Việc khuyến khích phản biện xã hội, tiếp thu ý kiến của các tầng
lớp Nhân dân là để hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ nhiệm vụ xây dựng,
phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những đóng góp tích cực, có tính xây
dựng của các tầng lớp Nhân dân cũng đã xuất hiện một số đối tượng lợi dụng phản
biện xã hội, quyền tự do dân chủ để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ
nghĩa.
Các đối tượng đội lốt phản biện xã hội dưới nhiều hình thức khác
nhau như đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm dưới danh nghĩa khoa học song thực
chất biến việc làm này thành những diễn đàn công khai đưa ra các ý kiến trái
chiều, cực đoan, đối lập, xuyên tạc, công kích chống đối chính quyền, phủ nhận
vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong thời gian gần đây, một số đối tượng (chủ yếu là các phần tử
đối lập, chống phá cực đoan, phản động), đã lợi dụng việc Đảng và Nhà nước kêu
gọi lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện, các dự thảo luật để
đưa ra quan điểm, ý kiến trái chiều với mục đích không trong sáng. Chẳng hạn, lợi dụng chủ trương lấy ý kiến góp
ý của Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đối tượng đã lập một số
trang mạng xã hội, làm blog, vlog... trên đó đưa những hình ảnh, thông tin tiêu
cực, sai sự thật. Với danh nghĩa góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gợi
ý, đề xuất các phương án để giải quyết những vướng mắc về vấn đề đất đai; vấn
đề thu hồi, bồi thường đất phục vụ quy hoạch; sử dụng đất công; tranh chấp đất
đai..., các đối tượng đã lồng ghép những tư tưởng phản động, xuyên tạc, bóp méo
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các đối tượng cố tình đánh tráo bản chất, làm cho người dân hiểu
sai nội dung “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”
thành “đất đai là độc quyền sở hữu của Nhà nước”, từ đây gây ra những phản ứng
tiêu cực trong xã hội. Các đối tượng còn bịa đặt,
xuyên tạc rằng việc sửa luật nhằm tạo “lợi ích nhóm”, từ đó cố tình kích động
hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất lòng tin của Nhân dân đối
với Đảng, Nhà nước. Nhân việc góp ý Luật An ninh
mạng, các phần tử bất mãn, thù địch lợi dụng danh nghĩa đóng góp ý kiến, nói
lên tâm tư, nguyện vọng của người dân song mục đích là kích động người dân bằng
những luận điệu sai sự thật như: Luật An ninh mạng vi phạm các điều ước quốc
tế, làm hạn chế quyền sử dụng mạng của các tổ chức, cá nhân; Luật An ninh mạng
là bịt miệng dân...
Tương tự, các đối tượng cố tình xuyên tạc nội dung cho thuê đất 99
năm trong dự thảo Luật Đặc khu là “bán nước”, biến nội dung đang thảo luận
thành nội dung đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua, từ đó kích động những
người dân thiếu thông tin hoặc nhẹ dạ, cả tin biểu tình, bạo loạn, gây ảnh
hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, một số đối tượng mượn danh nghĩa
phản biện, nêu ý kiến riêng thông qua “thư ngỏ”, “thư kiến nghị” của cá nhân có
tên hoặc nặc danh để gửi lên các cấp, ban, ngành, lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
đồng thời đăng tải, lan truyền trên mạng xã hội.
Về hình thức, nội dung các văn bản này thể hiện ra như là những ý
kiến rất tâm huyết, những đóng góp mang tính khoa học liên quan đến những chủ
trương, chính sách; hay sự phản biện về quan điểm, tư tưởng, góp ý về lối sống,
đời tư của một số cán bộ cấp cao nhưng không ít trường hợp các đối tượng lồng
ghép trong đó những tư tưởng phản động, nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật. Một số khác lại đưa những tư tưởng tiêu cực,
cái nhìn phiến diện của cá nhân nhưng mang danh nghĩa đại diện cho tập thể. Các
đối tượng không ngừng thổi phồng những bất cập, hạn chế trong xã hội, quy chụp
đó là do “bản chất của chế độ”, do sự yếu kém trong lãnh đạo, quản lý của Đảng,
Nhà nước và năng lực của cán bộ...
Đồng thời, một số cá nhân lợi dụng phản biện xã hội, lợi dụng
quyền tự do dân chủ, tự do đóng góp ý kiến để nêu quan điểm đòi “đa nguyên đa
đảng”, cổ xúy, hình tượng hóa, biến tướng vấn đề về “xã hội dân sự”, yêu cầu
Đảng ta phải có cơ chế khuyến khích “xã hội dân sự”... Với vỏ bọc là góp tiếng nói đòi quyền dân chủ
cho nhân dân, một số phần tử xúi giục người dân viết “đơn kiến nghị” đòi thành
lập các đảng phái chính trị đối lập, tự do thành lập hội mà không tuân theo quy
định pháp luật; đòi đa nguyên, đa đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, có một số cá nhân là người từng có vị trí trong xã hội
nhưng vì lợi ích của bản thân hay vì mâu thuẫn riêng cho nên bất mãn, dễ dàng
bị lôi kéo, kích động… Từ đó họ dùng danh nghĩa “nhà khoa học”, “nhà lý luận”,
lợi dụng phản biện xã hội, lấy cớ góp ý kiến với Đảng, Nhà nước để truyền bá
quan điểm cực đoan, phản động về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;
hay đưa ra những lập luận, nhận thức sai lệch, phiến diện để phủ nhận những giá
trị của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhen lên tư tưởng chống
đối trong xã hội, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất niềm tin của Nhân dân vào
sự lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Thực tiễn đã cho thấy, những hiện tượng lợi dụng phản biện xã hội
như trên chính là “biến tướng”, “núp bóng” phản biện xã hội, để phục vụ mục
đích cá nhân, phục vụ âm mưu “diễn biến hòa bình”. Điều này gây ảnh hưởng đến
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng
và chế độ; làm cản trở sự phát triển của đất nước và con đường đi lên CNXH mà
Đảng và nhân dân ta đã chọn. Với những tác động tiêu cực từ việc lợi dụng phản biện xã hội cùng
những biểu hiện đa dạng, phức tạp như hiện nay, vấn đề quan trọng là phải nhận
diện chính xác đâu là phản biện xã hội đích thực và đâu là những hoạt động “núp
bóng” phản biện xã hội để chống phá. Từ đó, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của
phản biện xã hội là nhằm xây dựng đất nước, chế độ; đồng thời kiên quyết lên
án, đấu tranh chống lại những hiện tượng giả danh phản biện xã hội.
Cần khẳng định, phản biện xã hội khi được thực hiện trên nền tảng
tri thức, cơ sở khoa học đúng đắn, khách quan, trung thực, với mục đích tốt đẹp
thì sẽ đem lại lợi ích to lớn đối với xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của
các chủ trương, chính sách cũng như khuyến khích thực hành dân chủ trong đời
sống. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta
luôn coi trọng phản biện xã hội, khuyến khích người dân tích cực tham gia phản
biện xã hội trên tinh thần xây dựng, ý thức trách nhiệm, góp phần chỉ ra những
điểm bất cập, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp để hoàn thiện các chủ trương,
chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phục vụ thiết thực cho công cuộc
xây dựng và phát triển đất nước.
Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng quyền tự do phản biện của các
tầng lớp nhân dân. Tại Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị
Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các đoàn thể chính trị-xã hội xác định rõ mục đích, tính chất của phản biện xã
hội đó là: “Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát,
chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà
nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù
hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền
và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã
hội”.
Việc lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào chủ trương, chính sách là
những hoạt động mang tính cầu thị của Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ quyền làm chủ
của nhân dân nhằm phát huy trí tuệ cộng đồng chứ không phải chỉ mang tính hình
thức, “chiếu lệ”, “bịt mắt” nhân dân như các thế lực thù địch cố tình rêu rao.
Điều này đã được chứng minh rõ nét trong thực tiễn.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành nhiều hội nghị phản biện xã
hội với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu; đã
tập trung phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo, trong đó có các dự án luật, đề
án... liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan
trọng đối với đời sống xã hội và được Nhân dân quan tâm.
Song song đó, cũng cần hết sức tỉnh táo phân biệt, nhận diện được
việc lợi dụng phản biện xã hội để chống phá và có những biện pháp ngăn chặn kịp
thời. Cần phân biệt rõ giữa xây dựng và phá hoại bởi nếu không tỉnh táo nhận
diện, có thể sẽ bị dẫn dắt theo định hướng, nhận thức xuyên tạc, dẫn tới những
quyết sách sai lầm. Nếu không có nhận thức đúng,
người dân sẽ dễ dàng tin theo, hiểu theo những phản biện sai trái, phản động,
hiểu sai về chủ trương, chính sách, về bản chất của chế độ XHCN. Do đó, không
chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên mà mọi người dân đều cần nâng cao nhận thức chính
trị, cảnh giác, tỉnh táo trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội. Đồng
thời cần có những chế tài pháp luật để xử lý, nghiêm trị những hành vi lợi dụng
danh nghĩa phản biện xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối, xâm phạm lợi
ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét