Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công có giá trị và ý nghĩa khai mở thời đại sâu sắc - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đó là giá trị to lớn, mãi tồn tại với thời gian, không thế lực nào có thể phủ nhận cũng như lợi dụng điều đó để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
1. Phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười - điều không thể
Đã từ lâu, các thế lực thù địch, phản động không từ một thủ đoạn nào để chống phá cách mạng nước ta. Gần đây, họ có sự điều chỉnh, tập trung mũi dùi vào nền tảng tư tưởng, lý luận của cách mạng Việt Nam. Thực hiện thủ đoạn đó, họ đã viện đủ lý do đưa ra các luận điệu để xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận giá trị vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười, cho rằng: “Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội tại cái nôi của Cách mạng Tháng Mười là tất yếu, chứng tỏ sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, ảo tưởng”. Từ đó, họ “khuyến cáo” các dân tộc không nên dẫm vào “vết xe đổ” đó, cần nói “không” với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và “Việt Nam không nên đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười”, bởi theo họ đó là “con đường không có tương lai”, “đi chệch quy luật phát triển của xã hội loài người”, v.v.
Tuy nhiên, dù các thế lực thù địch có ra sức phủ nhận, chống phá, nhưng các giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn luôn trường tồn và mãi là kim chỉ nam đối với cách mạng thế giới.
Điều đó được thể hiện rõ khi Cách mạng Tháng Mười đã tạo bước đột phá thực tiễn quan trọng, đưa lý luận khoa học trở thành hiện thực sinh động. Đó cũng là thực tiễn mà chưa có cuộc cách mạng nào trên thế giới làm được, kể cả những thử nghiệm đầu tiên và bị thất bại của Công xã Pari (năm 1871). Nhờ có bước đột phá vĩ đại này mà tiến trình phát triển của xã hội loài người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực. Bước đột phá này chứng tỏ tiềm năng, sức sống mãnh liệt, sự sáng tạo của lý luận khoa học và cách mạng. Từ đây, chủ nghĩa xã hội được biết đến không chỉ là một học thuyết khoa học, một phong trào, mà còn là một chế độ xã hội cụ thể, thành hiện thực sinh động, có sức mạnh vô cùng to lớn, mở đường cho các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.
Giá trị của Cách mạng Tháng Mười còn được thể hiện khi đưa giai cấp công nhân từ thân phận nô lệ trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng, chủ nhân của xã hội mới. Đây cũng là điều mà tất các các cuộc cách mạng xã hội trước đó đều không thực hiện được. Lần đầu tiên một cuộc cách mạng không do giai cấp bóc lột, thống trị lãnh đạo, mà do giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã tiến hành thành công. Thành công của Cách mạng Tháng Mười còn có giá trị và ý nghĩa “khai mở, vạch thời đại” vô cùng sâu sắc - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, với chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản đã ở vào vị thế đảng cầm quyền. Cho dù lịch sử có biến đổi, thăng trầm như thế nào, thì dấu mốc mở đầu thời đại mới của Cách mạng Tháng Mười mãi mãi không thay đổi. Không ai có thể phủ nhận giá trị mở đầu, mở đường của Cách mạng Tháng Mười. Đó là điều chắc chắn.
Không dừng lại ở đó, Cách mạng Tháng Mười còn có sức hấp dẫn và lan tỏa rất lớn bởi giá trị nêu gương, có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay, cũng như quá trình phát triển của thế giới hiện đại. Ở góc độ này, giá trị tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười đã đặt nền móng để hiện thực hóa lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Do những ảnh hưởng có giá trị mang tính “vạch thời đại”, mang tầm nhân loại, được các quốc gia, dân tộc không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo, đã khẳng định sức sống trường tồn, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Mười. Đó là giá trị to lớn, có tính bước ngoặt, trường tồn cả về lý luận và thực tiễn mà không thế lực nào có thể phủ nhận.
2. Không thể phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thực ra, khi công kích, phủ nhận giá trị vĩ đại nhất, sâu sắc nhất, triệt để nhất của Cách mạng Tháng Mười mang lại, điều các thế lực thù địch, phản động nhắm tới là “gián tiếp” phủ nhận, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Luận điệu này tuy không mới, nhưng thủ đoạn thì tinh vi, xảo quyệt hơn, khó nhận diện hơn. Bằng con đường vòng, họ tấn công vào nền tảng lý luận của cách mạng nước ta, gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi và làm xói mòn niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; từ đó, hướng lái cách mạng Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, mưu đồ đó sẽ không bao giao trở thành hiện thực, và nhất định sẽ bị phá sản, bởi những lý do sau:
Trước hết, cần khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga và cách mạng Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với nhau; trong đó, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng điển hình, mở đầu cho thời kỳ cách mạng mới trên thế giới và cách mạng Việt Nam là một bộ phận, có quan hệ chặt chẽ, khăng khít với cách mạng thế giới. Con đường mà cách mạng Việt Nam đang đi hôm nay là con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai mở. Tuy nhiên, hình thức, bước đi và phương pháp cụ thể là không hoàn toàn giống nhau, phụ thuộc vào khả năng xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan; giữa tình thế và thời cơ cách mạng. Bên cạnh đó, sự vận dụng, phát triển những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vào thực tiễn vận động, phát triển của mỗi nước, mỗi khu vực và ở mỗi giai đoạn lịch sử cũng khác nhau, v.v. Cho nên, sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể ở Liên Xô và các nước Đông Âu không đồng nghĩa với “sự cáo chung của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” như luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch, phản động rêu rao. Nguyên nhân căn bản, trực tiếp, có tính quyết định dẫn đến sự tan rã đó là do sai lầm trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số lãnh đạo cao nhất ở các nước đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì thế, không thể đồng nhất sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu để phủ nhận giá trị “vạch thời đại” của Cách mạng Tháng Mười và càng không thể lấy đó để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cách lập luận theo kiểu “bắc cầu” này là không đúng về phương pháp luận và không phù hợp với thực tiễn cách mạng.
Hai là, khi xem xét giá trị của một học thuyết khoa học và cách mạng ở tầm toàn nhân loại, chúng ta không chỉ kiểm chứng thông qua thực tiễn của một cuộc cách mạng cụ thể, ở một nước cụ thể, mà phải là kết quả kiểm chứng của nhiều cuộc cách mạng, ở nhiều nước và trong nhiều giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau. Thông qua thực tiễn, mỗi cuộc cách mạng đó, chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ có thể minh chứng tính đúng đắn trên từng phương diện thực tiễn sinh động, cụ thể, gắn với hoàn cảnh của nó. Chân lý phải được kiểm tra bằng thực tiễn, nhưng không phải thực tiễn đơn lẻ, mà là thực tiễn phổ biến của đông đảo nhân dân và được lặp đi, lặp lại nhiều lần. Mặt khác, không phải chỉ có thành công, thậm chí qua hoạt động thực tiễn, nếu thất bại cũng chính là tiêu chí để kiểm tra lý luận. Cho nên, thất bại của một cuộc cách mạng cụ thể, không hẳn là thất bại của lý luận; trái lại, tính đúng đắn của lý luận càng được xác thực chính xác hơn. Vấn đề đặt ra là, phải “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể” không thể quy chụp võ đoán, chủ quan, ngộ nhận.
Ba là, lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới cho thấy, chủ nghĩa tư bản khi mới ra đời cũng phải trải qua những thất bại đau đớn, trước sự phản công quyết liệt của chủ nghĩa phong kiến và các lực lượng đối lập, cùng những sai lầm chủ quan của giai cấp tư sản. Chẳng hạn, cuộc cách mạng tư sản đầu tiên nổ ra tại Hà Lan bắt đầu từ tháng 8/1566, nhưng mãi đến năm 1648, tức là sau 82 năm đấu tranh bền bỉ, cuối cùng chính quyền Tây Ban Nha công nhận nền độc lập của Hà Lan. Hay như cuộc Cách mạng tư sản Pháp bắt đầu từ tháng 6/1791, cũng phải cần tới ba lần khởi nghĩa và một lần đảo chính, đến tháng 7/1794 mới lật đổ được chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền, mở ra thời đại thắng lợi và củng cố quyền thống trị của giai cấp tư sản trên phạm vi thế giới. Điều đó cho thấy, thực hiện cách mạng chưa bao giờ là dễ dàng, có thể sẽ thành công hoặc bị thất bại, nếu như giai cấp lãnh đạo cách mạng không sáng suốt lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn và mắc những sai lầm nghiêm trọng.
Bốn là, thực tiễn cho thấy, hiện nay, ở các nước đang phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, như: Việt Nam, Trung Quốc, Cuba,… những giá trị tư tưởng và sự nghiệp của Cách mạng Tháng Mười vẫn sống và phát triển, đạt được những thành tựu to lớn. Riêng đối với cách mạng Việt Nam, sự lựa chọn đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến. Tiếp đó, như một sự phát triển tất yếu, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; vượt qua khủng hoảng, đạt thành tựu “to lớn, có ý nghĩa lịch sử”, toàn diện trên các lĩnh vực trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đó là sự thật lịch sử, khẳng định giá trị trường tồn không gì có thể thay thế của Cách mạng Tháng Mười, đặt nền móng cho việc hiện thực hóa lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”1.
Từ những phân tích trên cho thấy, “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”2. Mọi luận điệu phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phi lý và không thể chấp nhận được.
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét