Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU LỢI DỤNG KIẾN NGHỊ ĐỂ CHỐNG PHÁ

 Mới đây trên trang mạng Vietnamthoibao có phát tán bài viết: “Kiến nghị khẩn cấp về cải cách thể chế” với những “kiến nghị” cho rằng: hệ thống pháp luật Việt Nam “không chỉ giới hạn quyền tự do của công dân mà còn gây ảnh hưởng đến tính minh bạch của xã hội, làm giảm niềm tin của người dân vào chính quyền” từ đó đòi “điều chỉnh các quy định pháp luật trong nước sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền”. Đây là “kiến nghị” hoàn toàn phi lý, hoàn toàn sai trái so với lịch sử và thực tiễn Việt Nam, bởi lẽ:

Một là, quyền con người là một giá trị phổ biến, có tính toàn cầu. Song quyền con người còn là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi dân tộc, quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới.
Thực tế không một quốc gia nào trên thế giới coi quyền tự do của con người là tuyệt đối. Bởi lẽ, nếu tự do tuyệt đối, tất yếu xã hội sẽ hỗn loạn, khó quản lý điều hành. Quyền tự do của mỗi con người trong từng quốc gia đều được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia đó. Việt Nam quan niệm quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ. Do sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa, nên mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về quyền con người. Pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do, toàn diện của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trong vòng trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con người.
Hai là, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện các quyền con người.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhất quán xem quyền con người là một mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người là trung tâm của sự phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Theo đó: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người với hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tiêu biểu là Bộ luật Hình sự năm 2015. Đến nay,Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, GDP bình quân ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 93,35% vào năm 2023; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng . Bên cạnh đó, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Tính đến đầu năm năm 2024, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á... Những thành tựu đó đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Minh chứng rõ nhất là Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Điều này thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thực thi quyền con người.
Từ lịch sử và thực tiễn trong bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam cho thấy, “kiến nghị” đòi “điều chỉnh các quy định pháp luật trong nước sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền” về thực chất đây là những luận điểm sai trái của một nhóm người phản động, họ lợi dụng “kiến nghị” để đưa ra những “yêu sách” mở rộng quyền tự do, dân chủ đứng ngoài pháp luật hòng gây bất ổn xã hội, chống phá chế độ. Từ đó, tìm cách kích động phản kháng, biểu tình, bạo loạn lật đổ, thực hiện mưu đồ triệt tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của chúng./.
st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét