Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã dạy “Phi nông bất ổn, phi
trí bất hưng”. Lý giải một cách nôm na, có thể hiểu theo nghĩa: Không làm nông
nghiệp thì xã hội không thể ổn định, nếu dân không được đi học, con người thiếu
tri thức thì đất nước không thể hưng thịnh. Đối với Việt Nam, là nước thuần
nông, trên 60% dân số sống ở nông thôn, nên an ninh lương thực phải được coi
trọng hàng đầu.
Chính vì thế, ngay khi Cách nạng Tháng Tám thành công
(1945), đầu năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước quốc dân, đồng
bào: “Nước ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông
làm gốc”. Như vậy, từ xưa tới nay ở Việt Nam, nông nghiệp có vị trí và vai trò
quan trọng đặc biệt đối với sự tồn tại và phát triển xã hội. Điều này được thể
hiện rất đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông
thôn.
Mỗi việc đều phải dựa vào
dân
Thuở sinh thời, nhất là trong thời kỳ kháng chiến kiến
quốc, chống thực dân phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đặc biệt
đối với nông dân, hướng đến đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, tạo điều
kiện cho nông dân có ruộng, phục vụ tăng gia sản xuất để có cơm no, áo mặc, con
cái được học hành. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn kháng chiến thành công thì
phải dựa vào dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. Trong
thư gửi Hội nghị nông dân cứu quốc toàn quốc lần thứ hai, tháng 3/1951 Bác nhận
định: “Đa số dân là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác
ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công,
nông dân mới được giải phóng”. Tiếp đến, trong bài phát biểu tại Hội nghị nông
vận và dân vận toàn quốc ngày 5/2/1953 Bác nhấn mạnh: “Nội dung cách mạng dân
chủ căn bản là giải phóng cho nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. Bao giờ ở
nông thôn, nông dân thật sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới
là dân chủ thực sự”.
Bác nhận thức sâu sắc rằng, khi đã trở thành người làm
chủ vận mệnh của mình thì đông đảo đồng bào, nhất là nông dân sẵn sàng nhường
cơm sẻ áo, đóng góp sức người sức của cho Cách mạng. Trong nội dung bài đăng
Báo Nhân Dân ngày 15/9/1955 Bác viết: “Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều nơi và
nhiều lúc đồng bào nông dân đã ăn bắp, ăn khoai trừ cơm để dành gạo giúp cho bộ
đội ăn no đánh mạnh. Hàng chục vạn đồng bào nông dân đã xung phong đi dân công
hoặc sửa chữa đường, cầu, trong đêm sương gió lạnh, hoặc phục vụ mặt trận dưới
mưa bom, bão đạn. Trong cuộc kháng chiến của ta, nông dân đóng góp nhiều nhất.
Trong quân đội ta, tối đại đa số là nông dân. Trong công cuộc xây dựng dân chủ
mới, muốn phát triển công nghiệp và thương nghiệp, ắt phải do nông dân được
giải phóng, thi đua sản xuất, cung cấp nguyên liệu và lương thực, đồng thời
tiêu thụ dồi dào những thứ công nghệ sản xuất ra. Nhưng vì hoàn cảnh kinh tế
lạc hậu, mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu, cho nên giai cấp
công nhân phải đoàn kết họ, giúp tổ chức họ và lãnh đạo họ thì họ là một lực
lượng rất to lớn, vững chắc. Thế là công nông liên minh”. Ngay từ những ngày
đầu, khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị
cho các cấp, các ngành dành sự quan tâm đặc biệt với nông nghiệp và nông dân.
Tại Hội nghị cải cách ruộng đất, ngày 30/10/1955 (HCM toàn tập, t10, tr182) Bác
nhấn mạnh: “Nước ta là nước nông nghiệp, cho nên hiện nay nông nghiệp là quan
trọng nhất. Nâng cao nông nghiệp là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn chính quyền,
toàn dân”.
Khoan thư sức dân là
ưu tiên hàng đầu
Xác định đồng bào nông dân là lực lượng đóng góp sức
người sức của cho kháng chiến đã nhiều và hiện vẫn sẵn sàng hy sinh, đóng góp
nữa, song, họ lại là người nghèo khổ hơn hết. Vì vậy, trong suốt quá trình hoạt
động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành muôn vàn tình thương đối với
nông dân, trong đó khoan thư sức dân là mối quan tâm hàng đầu. Trong bối cảnh
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào thời điểm khó khăn, khốc liệt,
chiến trường đang cần sự hỗ trợ từ hậu phương để chi viện cho chiến dịch tổng
tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ, Bác vẫn có chủ trương khoan sức dân bằng
chính sách giảm tô (nghĩa vụ đóng góp) cho nông dân. Người nhấn mạnh: “Trong vệ
quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tối đại đa số chiến sỹ là nông
dân. Đi dân công giúp việc Chính phủ và bộ đội, tối đại đa số là nông dân. Đóng
thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội và cán bộ, nông dân cũng hăng hái nhất. Nói tóm
lại, trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, nông dân đáng góp nhiều nhất, hy
sinh nhiều nhất, thế mà họ lại nghèo khổ nhất, vì địa tô quá nặng, nợ lãi quá cao.
Nông dân ta có công với Tổ quốc, thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại một phần
nào cho công lao của nông dân”.
Có thể nói, cả cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã dành trọn tình thương cho nhân dân, đặc biệt là nông dân. Vào những năm cả
nước ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chiến tranh giải
phóng dân tộc ở miền Nam (1965-1968) khi tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm, trước
lúc đi xa, Bác đã tập trung viết Bản di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân,
trong đó có kiến nghị miễn thuế nông nghiệp cho nông dân. Đó là văn kiện lịch
sử có giá trị to lớn, không chỉ cho giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, mà
còn nguyên giá trị cho chặng đường tiếp theo của Cách mạng Việt Nam.
Nội dung bản di chúc đề cập nhiều tư tưởng lớn, từ xây
dựng chỉnh đốn Đảng, đến đại đoàn kết dân tộc và chăm lo đời sống Nhân dân, nổi
bật nhất là tư tưởng vì dân. Trong bản di chúc ngắn gọn, đã hơn chục lần Bác
nhắc đến hai chữ “nhân dân”. Người thấu hiểu, Nhân dân lao động “đã bao đời
chịu đựng gian khổ… tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng”. Người mong muốn “Đảng
cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng
nâng cao đời sống Nhân dân”. Ngoài việc căn dặn thế hệ sau, di chúc còn chỉ dẫn
phương pháp, cách làm trên thực tế, hướng dẫn hành động phục vụ Nhân dân, thực
hiện quyền tự do dân chủ của Nhân dân. Thể hiện tư tưởng khoan thư sức dân,
trong di chúc, Bác dặn “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông
nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát lòng mát dạ, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh
sản xuất”.
Thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi đất
nước hoàn toàn thống nhất, Đảng và Nhà nước đã tập trung lãnh đạo Nhân dân cả
nước đi theo con đường mà Người đã chọn. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
đã ban hành các Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời
khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội
Khóa VIII đã thông qua Nghị quyết miễn thuế nông nghiệp trong 1 năm và áp dụng
giảm trong 2 năm 1990 và 1991 (mỗi năm giảm 50% số thuế phải nộp). Tiếp nối chủ
trương này, từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã miễn toàn bộ thuế nông nghiệp,
không thu trên diện tích canh tác trong hạn điền. Ngoài ra, ở nhiều địa phương
đã miễn thủy lợi phí cho nông dân. Mặc dù việc miễn thuế nông nghiệp cho nông
dân làm giảm gần 5% tổng thu NSNN, nhưng bù lại việc miễn thuế góp phần tăng
tích tụ vốn, tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất ngành nghề mới. Kết
quả, tổng số thuế thu được trong từng thời kỳ chẳng những không giảm mà còn
vượt chỉ tiêu kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo nguồn lực cho các
cấp ngân sách.
Thực tiễn phát triển kinh tế xã hội những năm qua cho
thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, NSNN đã ưu tiên phát triển các
lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, đồng thời quan tâm đảm bảo
an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, người cao tuổi không có
thu nhập được trợ cấp hàng tháng, người nghèo và cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm
y tế, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (năm 1993) xuống 5,7% (năm 2023). Đời sống
Nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, phần lớn vùng nông thôn
được cải thiện về nhà ở, có điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sạch, được
tiếp cận công nghệ thông tin và phủ sóng internet. Đến cuối năm 2023, cả nước
đã có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn kể cả vùng sâu vùng
xa ngày càng khởi sắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét