Kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng mà Quân đội
ta đang thực hiện chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống “Ngụ binh ư
nông” (gửi quân vào nông nghiệp) có từ thời Lý - Trần. Đây là nét đặc sắc trong
nghệ thuật tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang của ông cha ta.
Lịch sử dân tộc Việt
Nam đã ghi những dấu son chói lọi trong nghệ thuật giữ nước, trong việc kết hợp
giữa xây dựng và bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Đặc biệt, dưới thời Lý, Trần, Lê Sơ
(hậu Lê), nước Đại Việt được biết đến như một quốc gia thịnh vượng ở châu Á.
Đây là những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam
trên mọi phương diện. Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thời kỳ này
được coi là Kỷ nguyên văn minh Đại Việt, được khởi đầu bằng sự kiện năm 1010,
Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (nay là Hà Nội). Đây cũng
là thời kỳ đất nước ta trải qua những cuộc chống quân xâm lược oanh liệt nhất.
Đó là cuộc chiến tranh chống quân Tống (1075-1077), ba lần đánh tan quân xâm
lược Mông - Nguyên (các năm 1258, 1285, 1288), và 10 năm khởi nghĩa chống quân
Minh, giải phóng đất nước dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi - Nguyễn Trãi.
Trong điều kiện như
vậy, việc xây dựng một nền quốc phòng đủ mạnh, có khả năng chuyển nhanh từ thời
bình sang thời chiến để chống giặc ngoại xâm là một vấn đề được các triều đại
phong kiến ưu tiên hàng đầu. Vì thế, “Ngụ binh ư nông” là sách lược được cả ba
triều đại Lý, Trần, Lê Sơ lựa chọn và đã phát huy hiệu quả.
Đối với thời nhà Lý, đường
lối “Ngụ binh ư nông” đã được xây dựng và đi vào quy chế. Theo đó, việc kết hợp
quốc phòng với kinh tế áp dụng trong bản thân tổ chức quân thường trực, được
quy định thành phép tắc. Cấm quân là lực lượng thường trực, thường xuyên phải
túc trực tại ngũ để canh phòng và luyện tập. Loại quân này được Nhà nước cung
cấp, nuôi dưỡng theo chế độ của từng giai đoạn. Họ được phát quân trang và cấp
lương bằng tiền, bằng thóc, gạo và kèm theo một số thực phẩm khác. Còn các quân
khác, cụ thể là “Sương quân” và quân các lộ (ngoại binh) đều được thực hiện
phép “chia phiên” theo chính sách “Ngụ binh ư nông”. Các đơn vị được chia thành
nhiều phiên; thay đổi nhau theo định kỳ, một phiên túc trực tại ngũ, luyện tập,
canh gác hay phục dịch, các phiên khác trở về gia đình tham gia sản xuất, tự
túc lương ăn. Sách “Việt sử tiêu án” viết rằng: “Chế độ binh lính nhà Lý, mỗi
tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết canh lại về làm ruộng, quân không
phải cấp lương”. Có thể nói, chính sách “Ngụ binh ư nông” đã thể hiện rõ vai
trò và sức mạnh khi đội quân nhà Lý đi chinh phạt Chiêm Thành. Đoàn quân đi đến
đâu, việc tiếp tế binh lương đều được chu tất. Nhờ đó, người dân nước Đại Việt
được hưởng thái bình, đời sống xã hội phát triển hưng thịnh. Binh lính cùng
người dân mở mang các tuyến giao thương từ miền xuôi đến miền ngược, từ thị
thành tới nông thôn, cả trên đường bộ và đường thủy.
Sang đến thời nhà Trần
rồi tiếp đến nhà hậu Lê, chính sách “Ngụ binh ư nông” ngày càng hoàn chỉnh và
đi vào nền nếp. Thời bình dân đinh thay nhau vào lính, binh lính luân phiên về
làm ruộng. Triều đình có quân “cấm vệ”, “túc vệ” là lực lượng thường trực cơ
động với số lượng ít, được tuyển lựa và rèn luyện thành tinh binh. Ở địa phương
có “ngoại binh”, “binh các đạo” luân phiên về sản xuất, tự túc lương ăn. Ngoài
ra còn có các dân binh ở làng, xã, hoàn toàn không thoát ly sản xuất. Chính vì
vậy, triều đình giảm được nhiều chi phí nuôi quân mà vẫn xây dựng và tổ chức
được các đạo binh hùng mạnh, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp giữ nước, đánh
thắng các đội quân xâm lược có số lượng đông hơn ta nhiều lần trong điều kiện
lịch sử lúc bấy giờ. Cách tổ chức lực lượng như trên đã tạo ra một thế trận
quốc phòng rộng khắp và thuận lợi. Ở đâu có dân là ở đó có quân, tức là những
trai tráng từng được tập trung luyện tập quân sự, có tên trong sổ, thời bình ở
nhà sản xuất, có biến được huy động vào quân ngũ. Với chính sách đó, khi quân
giặc xâm lấn bờ cõi, có thể huy động lực lượng vũ trang ngay tại địa bàn để tổ
chức chặn đánh kịp thời. Nhất là khi đất nước phải đương đầu với cuộc chiến
tranh xâm lược quy mô lớn, triều đình có thể nhanh chóng huy động được nguồn
binh lực lớn và có nguồn bổ sung dồi dào trong quá trình kháng chiến. Khi đất
nước yên bình, một lượng lớn quân lính lại trở về với cuộc sống thường ngày.
Thời kỳ nhà Trần và hậu
Lê, nhờ có sự kết hợp giữa quân và dân, nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, thóc
gạo dự trữ dồi dào. Hơn thế, hệ thống thủy lợi được chú ý phát triển, không
những phục vụ giao lưu kinh tế mà còn phục vụ đắc lực cho nhu cầu quân sự khi chiến
tranh xảy ra (đê sông Hồng được đắp vào thời kỳ này), các làng nghề tiểu thủ
công nghiệp phát triển mạnh, nhất là các nghề có liên quan đến quốc phòng của
đất nước.
Thành công và là nét
sáng tạo đặc sắc của chính sách “Ngụ binh ư nông” các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ
chính là đã xây dựng được một quân đội có số lượng ít nhưng tinh nhuệ, với một
lực lượng dự bị đông đảo, được huấn luyện kỹ càng, sẵn sàng trở thành quân chủ
lực để đối phó với sự xâm lược của ngoại bang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét