Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

CẢNH GIÁC TRƯỚC MƯU ĐỒ “ĐỔI MÀU” VĂN HÓA

 Công nghiệp văn hóa đã và đang là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia. Việc chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa sẽ giúp các quốc gia có thể nhanh chóng thu về những lợi ích kinh tế to lớn với tư cách như là một ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tàu. Tại Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước ta quyết liệt chỉ đạo triển khai trong những năm gần đây.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, “là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta phải khẩn trương phát triển ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
Thực tế cho thấy, đây chính là xu thế phát triển văn minh tất yếu của nhân loại. Công nghiệp văn hóa đã và đang là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.
Thậm chí, xét về tổng thể, ngành công nghiệp văn hóa đang có nhiều lợi thế hơn, bởi văn hóa chính là nguồn “của cải”, nguồn tài nguyên vô tận, càng khai thác tốt, càng gia tăng giá trị.
Hơn thế, phát triển công nghiệp văn hóa còn là cách thức hữu hiệu, cơ hội vàng để lan tỏa, quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới, góp phần gia tăng sức mạnh mềm quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Từ đó giúp mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển chung của quốc gia.
Đối với một quốc gia có nhiều tiềm năng và lợi thế về bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp, sự phong phú, đa dạng, đặc sắc về các giá trị, sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể như Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa là lựa chọn đúng đắn, cần được đề cao, coi trọng.
Từ những định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, những năm qua, các tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước đã nỗ lực triển khai hành động, tăng cường các biện pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Xác định công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế cần chú trọng để đem về các nguồn lợi kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng nguồn thu quốc gia. Trong đó trước hết cần tập trung vào các ngành văn hóa thế mạnh của đất nước như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ,…
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam năm 2023, kể từ khi thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhất là sau hai năm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nay, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa vào GDP nước ta hằng năm đều có sự cải thiện đáng kể.
Cụ thể: năm 2018 đã đóng góp được 5,82% (vượt xa chỉ tiêu 3% vào năm 2020 mà Chiến lược đề ra); năm 2019 đã tăng lên 6,02%. Ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, ngành công nghiệp văn hóa vẫn có đóng góp tích cực vào GDP với con số ước tính là khoảng 4%.
Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp khoảng 44 tỷ USD, tương đương 1,059 triệu tỷ đồng. Trong số 12 ngành công nghiệp văn hóa thì có tới 6 ngành (điện ảnh; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; nghệ thuật biểu diễn; du lịch văn hóa; phần mềm và các trò chơi giải trí) đã đạt những dấu ấn phát triển quan trọng, đồng thời đều có mức đóng góp vào GDP vượt xa kỳ vọng. Đặc biệt, các ngành như điện ảnh, thời trang, kiến trúc đều đóng góp từ 7- 8% vào GDP.
Hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa mang thương hiệu quốc gia có giá trị, có sức thu hút trên thị trường, thu về lợi ích kinh tế cao...
Với những thành tựu đáng mừng đó, chúng ta có thể lạc quan tin tưởng, trong những năm tới, mục tiêu đóng góp 7-8% vào GDP của ngành công nghiệp văn hóa sẽ nhanh chóng đạt được. Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Ngành công nghiệp văn hóa sẽ thật sự trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tàu, đóng góp lớn cho tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay cũng nảy sinh một số bất cập, hạn chế, đáng quan tâm, lo ngại, trong đó có cả nguy cơ “đổi màu” văn hóa dưới nhiều hình thức.
Thực tế cho thấy, khi thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa vì mục tiêu câu khách, thu hút người sử dụng để thu nhiều lợi nhuận đã bất chấp tất cả, chạy theo thị hiếu văn hóa tầm thường, thấp kém của một bộ phận công chúng.
Một số tổ chức, cá nhân sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ không phù hợp, phản văn hóa mang tính khiêu dâm, bạo lực, đi ngược lại thuần phong mỹ tục và chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cũng vì lợi nhuận và để hút khách, những cá nhân, tổ chức này đã thương mại hóa văn hóa bằng mọi cách thức, chiêu trò. Như việc “cách tân”, tàn phá những giá trị đặc sắc lâu đời của các công trình văn hóa, di tích lịch sử, biến tấu tùy tiện, thô thiển các chương trình lễ hội văn hóa truyền thống, các sản phẩm văn hóa,… Hậu quả của việc làm này đã khiến cho văn hóa dân tộc đứng trước nguy cơ bị biến tướng, phai màu, đổi màu, mất đi bản sắc tốt đẹp vốn có.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải tăng cường mở cửa hội nhập nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, gia tăng lợi nhuận. Quá trình đó sẽ khiến cho nhiều sản phẩm, loại hình dịch vụ văn hóa từ nhiều quốc gia có cơ hội du nhập ồ ạt vào Việt Nam. Trong số đó nguy cơ có cả những sản phẩm, dịch vụ văn hóa nước ngoài chứa đựng những nội dung dung tục, bạo lực, cổ xúy cho lối sống thực dụng, đề cao vật chất tầm thường, coi đồng tiền là trên hết,… không phù hợp chuẩn mực văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tuy nhiên, những sản phẩm phản văn hóa ấy lại đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ, thích mới lạ của một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ, dần hình thành tâm lý sùng ngoại, sính ngoại, xem thường, bỏ quên văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó còn có cả tình trạng đáng lo ngại là một số cá nhân, hầu hết là người trẻ có xu hướng đua đòi, bắt chước làm theo, biến tấu những sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống thành các sản phẩm lai căng dị hợm, lố lăng để cho... vui, cho “ngầu”, để được nổi tiếng!
Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động đã khai thác, lợi dụng tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta để thực hiện tham vọng chính trị đen tối: Từ đổi màu văn hóa để tiến tới đổi màu, thay đổi chế độ chính trị.
Theo đó, các đối tượng thường mượn các sự kiện văn hóa, các chương trình hợp tác văn hóa, hay thông qua các tour du lịch văn hóa, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa để truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại, làm băng hoại, nhuốm bẩn văn hóa dân tộc. Tăng cường đánh bóng, lăng xê, ca ngợi văn hóa phương Tây, coi đó là chuẩn mực văn hóa tiến bộ, văn minh của nhân loại. Từ đó cổ xúy công chúng chạy theo giá trị văn hóa tự do phương Tây, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp văn hóa dân tộc, xúi bẩy người dân rời xa, xóa bỏ nền văn hóa cổ hủ, mất tự do, dân chủ ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động còn tăng cường tài trợ, cổ vũ, “xúc tiến” hòng mưu đồ đẩy nhanh quá trình đổi màu, xóa sổ văn hóa Việt Nam. Kích động dân chúng đòi phát triển văn hóa tự do phi chính trị, độc lập với chính trị, không chấp nhận đường hướng, chủ trương, đường lối sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với văn hóa...
Đặc biệt, chúng lợi dụng những kẽ hở, hạn chế của công tác quản lý trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta để sản xuất, phát tán các sản phẩm, dịch vụ phản văn hóa, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Hoặc núp bóng các hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa để thực hiện âm mưu phá hoại ổn định chính trị và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… Như việc tìm cách tung ra hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ văn hóa trá hình để truyền bá văn hóa nước ngoài phản động, chống phá Đảng, Nhà nước; in ấn, lồng ghép tinh vi các nội dung xuyên tạc trắng trợn lịch sử mưu đồ “viết lại lịch sử”, “hạ bệ thần tượng”, “nói nhiều sẽ tin”…; vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trong các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa như phim ảnh, sách, truyện, bản đồ, quà tặng du lịch,…
Như vậy, có thể thấy, mưu đồ và nhiều nguy cơ hòng đổi màu văn hóa dân tộc đang hiện hữu và sẽ ngày càng trở nên thách thức, nghiêm trọng hơn trong quá trình nước ta đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.
Do đó, chúng ta cần đề cao cảnh giác và tăng cường các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, phòng chống. Đồng thời chủ động, tích cực khai thác hiệu quả giá trị kinh tế của văn hóa để thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Quyết không đánh đổi, hy sinh văn hóa lấy kinh tế đơn thuần. Đẩy mạnh đổi mới để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc nhưng phải cảnh giác, đề phòng, không để bị đổi màu, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, bởi “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét