Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các nền tảng mạng xã hội có không gian riêng, thuê bao riêng với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật.
Sáng 12/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, trong những năm qua, sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội đã kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận, lại cạnh tranh khốc liệt với báo chính thống cả về thông tin và doanh thu.
“Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ trưởng có phương án như thế nào để quản lý mạng xã hội?”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Trong lần trả lời chất vấn này, Bộ trưởng nói về một số giải pháp mới.
Đầu tiên là việc hoàn thiện thể chế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây chỉ quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Còn Nghị định 147/NĐ-CP/2024 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, trước đây hay nghĩ nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng theo Bộ trưởng TT&TT, ở đây có trách nhiệm lớn của các nền tảng mạng xã hội. “Họ có không gian riêng, thuê bao riêng với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng, thì họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Vấn đề thứ ba, theo Bộ trưởng là công tác truyền thông. “Chúng ta sống trong thế giới thực hàng chục nghìn năm vẫn còn có những tồn tại. Không gian mới là không gian số thì mới được 20 năm, mới lạ với tất cả chúng ta”. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề truyền thông để người dân có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trên không gian số... không chỉ cho chúng ta, mà còn cho thế hệ tương lai, tức các em học sinh.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã thành lập và đưa vào vận hành trung tâm chống tin giả, tin sai sự thật quốc gia để người dân có nơi để phản ánh, đề nghị giúp đỡ.
Muốn giữ vững trận địa, báo chí phải làm khác mạng xã hội
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, trong giai đoạn bùng nổ thông tin với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội có tính năng chia sẻ cao, thì hiện tượng "người người làm báo, nhà nhà làm báo", làm kênh riêng đưa lên mạng, kèm theo quảng cáo, với nhiều nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật đã gây bức xúc trong dư luận.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời có các giải pháp nào nhằm nâng cao vai trò của báo chí chính thống, cách mạng để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền?”, đại biểu đoàn Bến Tre nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, có thể nói đã lấy mất nghề của báo chí. Nghề báo chí trong nhiều trăm năm qua tập trung vào đưa tin, nhưng mạng xã hội hiện nay đưa tin nhanh hơn, mạng xã hội có hàng chục triệu phóng viên mà không phải trả tiền lương, họ ở khắp mọi nơi.
“Báo chí muốn giữ vững trận địa của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp; thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá; thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện dẫn dắt định hướng xã hội”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, báo chí trong không gian thực là lực lượng chủ đạo, còn hiện nay lên không gian mạng, thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy, đảm bảo chất lượng tin tức, nội dung. Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định đây là định hướng chính để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng.
“Chúng tôi cũng xác định cách tốt nhất để báo chí cạnh tranh với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội và quay về với giá trị cốt lõi của mình. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện”, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét