Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

1. Thói đạo đức giả và bộ mặt thật của chủ nghĩa cá nhân-Bài 1: Thói đạo đức giả - kẻ thù của nhân dân lao động

 

1. Thói đạo đức giả và bộ mặt thật của chủ nghĩa cá nhân-Bài 1: Thói đạo đức giả - kẻ thù của nhân dân lao động

“Đạo đức giả”-dân gian hay gọi là thói đạo đức giả, là những hành vi dùng vỏ bọc đạo đức bề ngoài; nói và làm những điều tưởng như chuẩn mực, giống y như những người có đạo đức, để che đậy bản chất cơ hội bên trong, đánh lừa cá nhân, tập thể, nhằm mưu lợi riêng, trục lợi cá nhân, gây hại cho xã hội.

Những năm gần đây, thói đạo đức giả trong xã hội, đặc biệt ở một số cán bộ, đảng viên có xu hướng tăng nhanh. Biểu hiện của thói đạo đức giả, cá nhân, vị kỷ trong không ít cán bộ, đảng viên vô cùng phức tạp, tinh vi. Vậy nhưng, điều này chưa được các cơ quan chức năng đánh giá đúng mức những nguy hại, hệ lụy mà nó gây ra để phòng tránh.

Cháy nhà... mới ra mặt chuột

Qua những câu chuyện từ nhiều chuyến đi thực tế, chúng tôi nhận thấy, khi số ít cán bộ thoái hóa biến chất còn chưa bị các cơ quan chức năng xử lý, họ là những người thực sự có quyền lực ở các cơ quan, địa phương, thậm chí ở bộ, ngành, Trung ương; là những người “nói có người nghe, đe có kẻ sợ”. Khi chưa bị phát hiện "nhúng chàm", họ đã dùng bộ mặt đạo đức giả “qua mặt” được nhiều cơ quan chức năng, tổ chức đảng các cấp; được tin tưởng giao giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Đến thời điểm có quyền lực, được trao quyền, họ củng cố quyền lực bằng những phát biểu rao giảng đạo đức cách mạng, sự gương mẫu cho cấp dưới, cho nhân dân. Thật buồn, chỉ đến khi “cháy nhà mới ra mặt chuột”, bộ mặt đạo đức giả bị bóc trần.

Thói đạo đức giả với người dân đã nguy hại, với những người có chức vụ, chủ doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn càng nguy hại hơn. Địa vị càng lớn, thói giả dối càng được che đậy tinh vi; gây ra những hành động phi đạo đức với hậu quả càng lớn cho nhân dân. Dùng thói đạo đức giả không chỉ che đậy những âm mưu và hành động bất chính, đục khoét của công, tham nhũng của Nhà nước, nhân dân; tư lợi cho bản thân, họ hàng, mà nó còn làm bại hoại đạo đức ở đơn vị, địa phương, tổ chức. Những kẻ đạo đức giả ấy, xét đến cùng là điển hình của chủ nghĩa cá nhân.

Hậu quả mà những cán bộ đeo mặt nạ đạo đức giả gây ra là vô cùng to lớn về kinh tế, về tinh thần, làm rối loạn tổ chức, gây mất niềm tin của nhân dân vào cán bộ. Theo thống kê của cơ quan chức năng, con số hàng chục nghìn đảng viên, trong đó có những cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ mỗi năm cho thấy tình trạng này đã đến mức báo động.

Vì thế, thói đạo đức giả cần được chỉ mặt rõ ràng để dùng mọi biện pháp giáo dục nghiêm khắc bằng những hình thức nghiêm minh của pháp luật; bằng những quy định chặt chẽ của Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội; bằng sự đồng lòng thông qua những hương ước của cộng đồng, xã hội. Xử lý nghiêm những cán bộ này là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những cán bộ đang giấu giếm bộ mặt đạo đức giả, giấu giếm ý định thu lợi cá nhân, chủ nghĩa cá nhân mà chưa bị phát hiện.

Những kẻ đạo đức giả là ai? Biểu hiện thường thấy là gì?

Xin lấy một ví dụ điển hình nhất về thói đạo đức giả của một số cán bộ, các chủ doanh nghiệp trong thời gian qua là sự kiện hàng chục cán bộ các cấp, doanh nghiệp liên quan tới chuyến bay giải cứu, thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đưa người dân ở nước ngoài về nước, đã phải ra hầu tòa và chịu các mức án thích đáng.

Từ một chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước chia sẻ khó khăn với nhân dân, đưa nhân dân ra khỏi những vùng nguy hiểm của dịch bệnh, thế mà nhiều cán bộ cấp cao, doanh nghiệp đã lợi dụng vị trí công tác để tìm mọi cách ăn chặn tiền của người dân.

Trong khi đó, họ vẫn lớn tiếng, mạnh miệng, trắng trợn lừa dối các cơ quan báo chí, truyền thông về đạo đức, về trách nhiệm, về tinh thần phục vụ, sự vất vả của họ cùng những cán bộ thuộc quyền và doanh nghiệp. Nhiều người dân ban đầu không biết, đã nhẹ dạ tin theo, nộp tiền để họ trục lợi... Chỉ đến khi thông tin bị phanh phui, người dân mới hiểu ra bộ mặt đạo đức giả của nhóm cán bộ, doanh nghiệp này.

Thật xót xa, tiếc nuối khi gần đây, các cơ quan chức năng liên tục công bố hàng loạt quyết định kỷ luật đối với không ít cán bộ cấp bộ, cục; bí thư, chủ tịch các tỉnh, huyện, xã... và thậm chí còn cả cán bộ cấp cao hơn. Không ít người cảm thán, mới hôm qua còn ngồi ghế lãnh đạo, ra sức rao giảng đạo đức cho bao người, vậy mà, khi cơ quan chức năng vào cuộc, cơ quan công an điều tra, họ lại hiện nguyên hình chính là những con mọt chúa đục ruỗng mọi ngóc ngách, vươn cái vòi tham lam vơ vét. Những kẻ đạo đức giả đã cấu kết với nhau để làm sai, ký sai, tham ô, tham nhũng, biển thủ... những khoản tiền, những dự án nhiều tỷ đồng, là mồ hôi xương máu, là tiền thuế của nhân dân, doanh nghiệp.

Bóc từng lớp phủ những khuôn mặt đạo đức giả

Tại sao họ lại làm vậy, phải chăng vì khó khăn trong cuộc sống? Không hề! Tất cả cán bộ bị xem xét kỷ luật và bị cơ quan chức năng điều tra thời gian gần đây không hề nghèo, yếu, thiếu trình độ. Họ ban đầu thậm chí còn là những “hạt giống”, người có trình độ, có quá trình phấn đấu rất tốt, có gia đình trong sáng, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp.

Buồn thay, chỉ sau một thời gian làm cán bộ, họ giàu, rất giàu! Điều này tỷ lệ thuận với sự biến chất của cán bộ. Càng biến chất, bộ mặt đạo đức giả lại càng phải dày lên để che đậy những mưu đồ bất chính ngày càng lớn hơn.

Cũng vì thế, phi vụ sau lại lớn hơn phi vụ trước. Số lượng tiền bạc, nhà đất, xe cộ cũng vì thế mà càng nhiều lên. Nhưng tiền, xe, đất, quyền lực... với họ mãi chẳng bao giờ đủ. Dục vọng cá nhân luôn như chiếc thùng không đáy thì càng khiến bộ mặt đạo đức giả ngày càng dày lên với biết bao lớp phủ, khiến bản thân họ cũng khó nhận ra mình của lúc ban đầu, những câu từ sáo rỗng được họ phát ra trái ngược với hành động, khiến nhân dân nghi ngờ, giảm sút niềm tin vào các cơ quan lãnh đạo. Chỉ khi bị kỷ luật, bị điều tra, nhân dân mới nhận ra bộ mặt thật của họ.

Vẫn biết, khi tiến hành đổi mới, kinh tế thị trường phát triển, cùng với cơ hội, những cơn gió lành, thì những làn gió độc, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng khiến nhiều người dân, doanh nghiệp và một bộ phận cán bộ không giữ được mình. Trong cuộc chiến giữa lối sống chân thành và giả dối luôn vô cùng giằng co, phức tạp. Người cán bộ, đảng viên luôn bị giằng xé giữa lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động chân chính, có tự trọng bản thân, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của Nhà nước thì nghèo, vất vả với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền thì sẽ giàu có, hưởng lạc. Nhiều cán bộ đã không vượt qua được cái xấu, cái ích kỷ cá nhân, vì thế, họ chọn bộ mặt đạo đức giả che đi tham vọng của mình, từ đó hành động một cách bất chấp để vinh thân phì gia.

Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp. Biểu hiện cụ thể chính là suy thoái về đạo đức, lối sống như cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, thu lợi cá nhân, thói háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, vô cảm, tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi... được ví như những mọt chúa, mối chúa đẻ ra hàng vạn, hàng triệu mối con, mọt con, từng ngày gặm nhấm, đục ruỗng không ít cơ quan; thậm tệ hơn, chúng đục ruỗng tinh thần, ý chí của một bộ phận cán bộ, đảng viên kém ý chí, kém rèn luyện. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét